Hệ thống tìm kiếm và khám phá của YouTube giúp người xem tìm thấy những video nhiều khả năng họ sẽ muốn xem nhất để tăng tối đa sự hài lòng của người xem về lâu dài. Hãy khám phá câu trả lời cho những câu hỏi thường gặp sau đây về hiệu suất của video và kênh.
Hệ thống tìm kiếm và khám phá của YouTube: Câu hỏi thường gặp về "Thuật toán" và hiệu suất
Các câu hỏi thường gặp về tiềm năng khám phá
YouTube chọn video để quảng bá theo tiêu chí nào?
Hệ thống đề xuất của chúng tôi thu hẹp phạm vi video phù hợp nhất để giới thiệu cho khán giả bằng cách tập trung vào:
- Nội dung khán giả xem
- Nội dung họ không xem
- Nội dung họ tìm kiếm
- Lượt thích và lượt không thích
- Phản hồi "Không quan tâm"
Làm cách nào để video của tôi được quảng bá cho nhiều khán giả hơn?
Bạn không cần phải là một chuyên gia về các thuật toán hoặc số liệu phân tích để thành công trên YouTube. Thay vào đó, hãy cố gắng hiểu rõ khán giả của bạn. Hệ thống đề xuất của chúng tôi không quảng bá video mà tìm ra video phù hợp cho khán giả của bạn khi họ sử dụng YouTube. Các video được xếp hạng dựa trên hiệu suất và mức độ phù hợp với người xem, và không phải video nào cũng đủ điều kiện được đề xuất.
Video trên Trang chủ được xếp hạng theo cách nào?
Trang chủ là nơi tập hợp nội dung mà khán giả nhìn thấy khi họ mở ứng dụng YouTube hoặc truy cập vào YouTube.com. Trên trang này, chúng tôi muốn cung cấp những video đề xuất được cá nhân hóa và phù hợp nhất với từng người xem. Khi khán giả truy cập Trang chủ, YouTube sẽ hiển thị video của những kênh mà họ đăng ký. Các video mà những người xem tương tự đã xem và các video mới cũng được hiển thị. Lựa chọn video dựa trên:
- Hiệu suất -- Mức độ video của bạn thu hút và làm hài lòng những người xem tương tự, bên cạnh những yếu tố khác.
- Nhật ký xem và nhật ký tìm kiếm — Tần suất khán giả xem một kênh hoặc một chủ đề và số lần chúng tôi từng hiển thị một video.
Xin lưu ý rằng không phải nội dung nào cũng đủ điều kiện được đề xuất trên Trang chủ YouTube.
Video trên thẻ Thịnh hành được chọn theo cách nào?
Xem bài viết này để tìm hiểu cách hoạt động của thẻ Thịnh hành.
Video được xếp hạng theo cách nào trong mục Đề xuất trên thẻ "Tiếp theo"'?
Video đề xuất sẽ xuất hiện trong thẻ "Tiếp theo", bên cạnh video mà khán giả đang xem. Hệ thống cũng sẽ xếp hạng Video đề xuất để giới thiệu cho khán giả những video nhiều khả năng họ sẽ xem tiếp theo nhất. Những video này thường liên quan đến video mà khán giả đang xem, hoặc cũng có thể là các video được cá nhân hoá dựa trên nhật ký xem.
Xin lưu ý rằng không phải nội dung nào cũng đủ điều kiện được đề xuất trên các trang Watch Next (Xem tiếp theo).
Video trong phần Tìm kiếm được xếp hạng theo cách nào?
Giống như công cụ tìm kiếm của Google, tính năng tìm kiếm trên YouTube cố gắng hiển thị các kết quả phù hợp nhất theo từ khoá tìm kiếm. Video được xếp hạng dựa trên các yếu tố sau:
- Mức độ trùng khớp giữa tiêu đề, thông tin mô tả và nội dung của video với cụm từ tìm kiếm của người xem.
- Những video thu hút nhiều lượt tương tác nhất đối với một cụm từ tìm kiếm.
Lưu ý: Các kết quả tìm kiếm không phải là danh sách các video được xem nhiều nhất đối với một cụm từ tìm kiếm cụ thể.
Việc thay đổi tiêu đề hay hình thu nhỏ của một video có làm thay đổi thứ hạng của video đó trong thuật toán không?
Có thể, nhưng đó là do hệ thống của chúng tôi ghi nhận cách người xem tương tác với video của bạn khác với trước đây, chứ không phải nhờ việc thay đổi tiêu đề hoặc hình thu nhỏ của video đó. Nếu người xem cảm thấy video của bạn khác lúc trước thì cách họ tương tác với video đó khi được đề xuất cũng sẽ thay đổi. Việc thay đổi tiêu đề và hình thu nhỏ của video có thể là một cách hiệu quả để thu hút nhiều lượt xem hơn. Tuy nhiên, đối với các tiêu đề hay hình thu nhỏ đang hoạt động hiệu quả thì bạn nên giữ nguyên.
Làm cách nào để tối ưu hoá tiêu đề và hình thu nhỏ để tăng tiềm năng khám phá của video?
Bạn có thể sử dụng những mẹo này để tối ưu hóa khả năng khám phá tiêu đề và hình thu nhỏ:
- Đảm bảo hình thu nhỏ của bạn tuân thủ chính sách của chúng tôi về hình thu nhỏ.
- Sử dụng tiêu đề hấp dẫn và thể hiện chính xác nội dung của video.
- Tạo hình thu nhỏ thể hiện chính xác nội dung của bạn.
- Tránh sử dụng tiêu đề và hình thu nhỏ có chứa các yếu tố:
- Lừa gạt, gây hiểu lầm, dụ nhấp vào hoặc giật gân: Trình bày không chính xác nội dung video
- Gây sốc: Chứa ngôn từ phản cảm hoặc mang tính xúc phạm
- Làm người xem thấy ghê sợ: Chứa hình ảnh thô tục hoặc ghê tởm
- Bạo lực vô cớ: Cổ xuý hành vi bạo lực hoặc lăng mạ một cách không cần thiết
- Khiếm nhã: Mô tả hành vi khêu gợi tình dục hoặc dâm tục
- Phô trương: VIẾT HOA TOÀN BỘ tiêu đề hoặc sử dụng nhiều dấu chấm than (!!!!!) để nhấn mạnh tiêu đề quá mức
Những cách thức này có thể khiến những người xem mới tiềm năng không muốn xem nội dung của bạn. Trong một số trường hợp, nội dung của bạn có thể bị gỡ bỏ do vi phạm Nguyên tắc cộng đồng.
Trạng thái kiếm tiền (biểu tượng màu vàng) có ảnh hưởng đến khả năng người xem tìm thấy video của tôi không?
Không. Hệ thống tìm kiếm và đề xuất của chúng tôi không biết được video nào đang bật tính năng kiếm tiền và video nào thì không. Chúng tôi chú trọng việc đề xuất những video khiến khán giả cảm thấy hài lòng, bất kể video đó có tham gia kiếm tiền hay không. Nếu chứa nội dung bạo lực hoặc phản cảm thì video của bạn có thể bị tắt tính năng kiếm tiền. Video đó cũng có thể không được đề xuất cho nhiều người xem do không phù hợp. Trong ví dụ này, video được đề xuất ít hơn không phải do bị tắt tính năng kiếm tiền mà do nội dung của video đó.
Thẻ từ khoá quan trọng đến mức nào?
Không quan trọng. Thẻ từ khoá chủ yếu được dùng để giúp sửa các lỗi chính tả thường gặp (ví dụ: YouTube với U Tube hay You-tube).
Việc cài đặt vị trí của kênh ở một quốc gia/khu vực cụ thể có giúp tôi tiếp cận thêm nhiều người xem hơn trong nhóm đối tượng đó không? (ví dụ: Chuyển vị trí sang Hoa Kỳ dù tôi đang ở Brazil)
Không. Chế độ cài đặt vị trí không được dùng để quyết định cách video được đề xuất trên YouTube.
Các lượt thích/không thích tác động như thế nào đến cách video của tôi được đề xuất?
Có chút tác động. Các lượt thích và không thích là một số trong hàng trăm yếu tố mà chúng tôi xem xét để xếp hạng. Hệ thống đề xuất của chúng tôi tìm hiểu dựa trên việc khán giả có đang chọn xem một video nào đó hay không. Hệ thống ghi nhận thời lượng video mà người xem đã xem và mức độ hài lòng của họ. Các yếu tố này kết hợp lại sẽ quyết định hiệu suất tổng thể của video.
Nếu tôi tải một video lên ở chế độ không công khai rồi sau đó chuyển sang chế độ công khai, thì hiệu suất video có giảm không?
Không. Cách người xem phản hồi sau khi video được xuất bản mới là yếu tố quyết định.
Các câu hỏi thường gặp về hiệu suất
Nếu một video của tôi hoạt động kém thì kênh của tôi có bị ảnh hưởng xấu không?
Điều quan trọng là cách người xem phản hồi với từng video khi video đó được đề xuất cho họ. Hệ thống của chúng tôi dựa vào các tín hiệu ở cấp độ video và cấp độ khán giả để quyết định video nào phù hợp nhất để đề xuất cho khán giả của bạn. Điều có thể khiến tổng số lượt xem trên kênh bị giảm sút chính là khi người xem ngừng xem hầu hết các video của bạn khi các video này được đề xuất cho họ.
Nếu tôi ngừng tải video lên một thời gian thì hiệu suất kênh có bị ảnh hưởng tiêu cực không?
Chúng tôi khuyến khích bạn nghỉ ngơi khi cần thiết. Chúng tôi đã quan sát hàng nghìn kênh tạm ngưng hoạt động nhưng không nhận thấy mối tương quan nào giữa khoảng thời gian nghỉ ngơi với những biến động trong số lượt xem. Bạn cũng cần lưu ý rằng khán giả có thể mất chút thời gian để làm quen lại với thói quen xem thông thường.
Tôi có cần phải đăng tải video hằng ngày hoặc ít nhất 1 lần/tuần không?
Không. Chúng tôi đã phân tích dữ liệu qua nhiều năm và nhận thấy việc số lượt xem tăng lên đối với các video tải lên không liên quan đến thời gian giữa các lần tải lên. Nhiều nhà sáng tạo đã xây dựng mối gắn kết bền chặt với khán giả của mình nhờ những video có chất lượng, chứ không nhờ việc đăng nhiều video. Bạn nên chăm sóc bản thân để tránh tình trạng kiệt sức. Đây mới là điều quan trọng đối với khán giả cũng như sức khoẻ của bạn.
Đâu là thời điểm thích hợp nhất để xuất bản video?
Thời điểm đăng tải không ảnh hưởng đến hiệu suất lâu dài của một video. Hệ thống đề xuất của chúng tôi nhắm đến việc cung cấp video phù hợp cho đúng người xem, bất kể thời điểm video được tải lên. Tuy nhiên, thời điểm xuất bản là một yếu tố quan trọng đối với các dạng thức như video Phát trực tiếp và video Công chiếu. Bạn có thể xem báo cáo Thời điểm khán giả xem YouTube trong YouTube Analytics để nắm rõ thời điểm nên lên lịch cho buổi Công chiếu hoặc lên kế hoạch cho sự kiện trực tiếp lần tới.
Việc xuất bản video tại thời điểm khán giả đang hoạt động tích cực nhất có thể thu hút được lượng người xem sớm nhưng không tác động đến lượng người xem dài hạn của một video.
Chỉ số nào quan trọng hơn, tỷ lệ phần trăm đã xem trung bình hay chỉ số thời lượng xem trung bình?
Hệ thống khám phá của chúng tôi sử dụng thời gian xem tuyệt đối và tương đối làm tín hiệu khi quyết định mức độ tương tác của khán giả. Chúng tôi khuyến khích bạn cũng nên làm như vậy. Suy cho cùng, chúng tôi muốn cả video ngắn và dài đều đạt hiệu suất tốt. Vì vậy, bạn nên tạo video có thời lượng thích hợp tuỳ thuộc vào nội dung. Nói chung, thời gian xem tương đối quan trọng hơn đối với các video ngắn, còn thời gian xem tuyệt đối thì quan trọng hơn đối với các video dài. Bạn có thể sử dụng chỉ số giữ chân người xem để biết khoảng thời gian mà khán giả sẵn sàng xem video của bạn và điều chỉnh nội dung cho phù hợp.
Vì sao số lượt xem của tôi thấp hơn số người đăng ký?
Số người đăng ký là số lượng người xem đã đăng ký theo dõi kênh YouTube của bạn. Chỉ số này không đại diện cho số lượng khán giả xem video của bạn. Trung bình, người xem đăng ký rất nhiều kênh và có thể không quay lại để xem từng video tải lên mới trên những kênh họ đã đăng ký. Việc người xem đăng ký những kênh mà họ không còn xem cũng là hiện tượng thường gặp. Hãy tìm hiểu về khán giả của bạn thông qua YouTube Analytics.
Tại sao kênh của tôi có ít lưu lượng truy cập hơn từ Trang chủ hoặc mục Đề xuất?
Có nhiều lý do khiến lượng người xem của một kênh biến động theo thời gian. Sau đây là một số lý do phổ biến nhất khiến lưu lượng truy cập từ các video đề xuất bị sụt giảm:
- Khán giả của bạn xem các video và kênh YouTube khác nhiều hơn.
- Khán giả của bạn dành ít thời gian hơn trên YouTube.
- Bạn có một số video đạt hiệu suất cao hoặc có một video “lan truyền mạnh mẽ” nhưng những người xem đó không quay lại để xem thêm nội dung.
- Tần suất tải video lên ít thường xuyên hơn so với thông thường.
- Chủ đề mà video khai thác đang ngày càng ít phổ biến.
Xin lưu ý rằng mối quan tâm của khán giả có thể thay đổi theo thời gian. Điều quan trọng là bạn luôn tiếp tục thử nghiệm các chủ đề và dạng thức mới. Để xây dựng đội ngũ khán giả, nhà sáng tạo cần giữ chân người xem hiện tại, đồng thời thu hút thêm những người xem mới.
Vì sao một video cũ lại nổi lên gần đây?
Người xem thường quan tâm các video cũ hơn các video được tải lên gần đây. Nhiều người xem không xem video theo trình tự thời gian hoặc không quyết định nội dung sẽ xem dựa trên thời điểm video được xuất bản. Nếu người xem quan tâm đến một video cũ hơn thì có thể là do:
- Chủ đề mà video khai thác đang ngày càng phổ biến.
- Những người xem mới đang khám phá và "xem một mạch" các video cũ trên kênh của bạn.
- Nhiều người xem đang chọn xem video của bạn khi video đó được đề xuất cho họ trong phần đề xuất.
- Bạn đã phát hành một video mới trong loạt video. Việc này gợi nhắc người xem quay lại và xem các tập cũ.
Khi một video cũ nhận được nhiều lưu lượng truy cập hơn, hãy nghĩ đến loại nội dung tải lên bạn có thể phát hành tiếp theo mà sẽ thu hút những người xem này quay lại xem nhiều hơn.
Việc chỉ định một video là "Dành cho trẻ em" ảnh hưởng đến hiệu suất của video đó như thế nào?
Những video được đặt là dành cho trẻ em có nhiều cơ hội được đề xuất hơn cùng các video khác dành cho trẻ em. Nội dung tự chỉ định không chính xác có thể không được đề xuất cùng với các video tương tự khác.