Cẩm nang Tối ưu hoá cho công cụ tìm kiếm (SEO)

Khi xây dựng trang web, có lẽ bạn đã cố gắng tìm cách giúp người dùng dễ dàng tìm ra và khám phá nội dung của bạn. Công cụ tìm kiếm chính là một trong những người dùng đó, giúp mọi người phát hiện ra nội dung của bạn. SEO (viết tắt của tối ưu hoá cho công cụ tìm kiếm) có nghĩa là giúp công cụ tìm kiếm hiểu được nội dung của bạn, đồng thời giúp người dùng tìm thấy trang web của bạn và đưa ra quyết định về việc có nên truy cập trang web của bạn thông qua một công cụ tìm kiếm hay không.

Nguyên tắc cơ bản của Tìm kiếm trình bày những yếu tố quan trọng nhất giúp cho trang web của bạn đủ điều kiện xuất hiện trên Google Tìm kiếm. Tuy không có gì đảm bảo rằng một trang web cụ thể nào đó sẽ được thêm vào chỉ mục của Google, nhưng những trang web tuân thủ Nguyên tắc cơ bản của Tìm kiếm sẽ có thể gia tăng khả năng xuất hiện trong kết quả tìm kiếm của Google. SEO là về thực hiện bước tiếp theo và tìm cách cải thiện sự hiện diện của trang web của bạn trên Tìm kiếm. Cẩm nang này trình bày một số cách cải thiện phổ biến và hiệu quả nhất mà bạn có thể thực hiện trên trang web của mình.

Không có bí quyết nào để tự động xếp hạng trang web của bạn ở vị trí đầu tiên trên Google (chúng tôi rất tiếc phải chia sẻ như vậy!). Trên thực tế, một số đề xuất thậm chí có thể không phù hợp với doanh nghiệp của bạn. Tuy nhiên, hy vọng rằng việc làm theo các phương pháp hay nhất này sẽ giúp các công cụ tìm kiếm (không chỉ Google) thu thập dữ liệu, lập chỉ mục và hiểu được nội dung của bạn dễ dàng hơn.

Google Tìm kiếm hoạt động như thế nào?

Google là một công cụ tìm kiếm hoàn toàn tự động. Google sử dụng các chương trình gọi là trình thu thập dữ liệu để liên tục khám phá Internet và tìm các trang để thêm vào chỉ mục của chúng tôi. Thường thì bạn không cần làm gì ngoài việc xuất bản trang web lên mạng. Trên thực tế, phần lớn các trang web xuất hiện trong kết quả của chúng tôi đều tự động được tìm thấy và thêm vào khi chúng tôi thu thập dữ liệu trên web. Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm thông tin, chúng tôi có tài liệu về cách Google khám phá, thu thập dữ liệu và phân phát các trang web.

Mất bao lâu tôi mới thấy tác động trong kết quả tìm kiếm?

Mọi thay đổi bạn thực hiện sẽ mất một thời gian để được phản ánh ở phía Google. Một số thay đổi có thể có hiệu lực sau vài giờ, nhưng một số khác có thể mất đến vài tháng. Nói chung, bạn nên đợi một vài tuần để đánh giá xem hành động của mình có tác động tích cực trong kết quả của Google Tìm kiếm hay không. Xin lưu ý rằng không phải tất cả những thay đổi bạn thực hiện đối với trang web đều dẫn đến tác động đáng kể trong kết quả tìm kiếm. Nếu bạn không hài lòng với kết quả trong khi chiến lược kinh doanh của bạn cho phép thay đổi, hãy thử duy trì thay đổi và điều chỉnh để xem chúng có giúp ích gì không.

Giúp Google tìm thấy nội dung của bạn

Trước khi bạn thực sự làm bất cứ điều gì được đề cập trong phần này, hãy kiểm tra xem Google đã tìm thấy nội dung của bạn hay chưa (có thể bạn không cần phải làm gì cả!). Hãy thử tìm trang web của bạn trên Google bằng site: search operator. Nếu bạn thấy có kết quả trỏ đến trang web của mình thì tức là trang web đó đã có trong chỉ mục. Ví dụ: cụm từ tìm kiếm site:wikipedia.org sẽ trả về những kết quả này. Nếu bạn không thấy trang web của mình, hãy tham khảo các yêu cầu kỹ thuật để đảm bảo rằng về mặt kỹ thuật thì không có gì ngăn trang web của bạn xuất hiện trên Google Tìm kiếm, sau đó quay lại đây.

Google chủ yếu tìm các trang thông qua đường liên kết qua những trang khác mà Google đã thu thập dữ liệu. Trong nhiều trường hợp, đây là những trang web khác đang liên kết đến các trang của bạn. Thường thì việc trang web khác liên kết đến trang web của bạn là chuyện tự nhiên theo thời gian. Bạn cũng có thể khuyến khích mọi người tìm thấy nội dung của bạn bằng cách quảng bá trang web.

Nếu sẵn sàng trải nghiệm một chút thách thức về kỹ thuật, bạn cũng có thể gửi sơ đồ trang web. Đây là tệp chứa tất cả URL mà bạn quan tâm trên trang web của mình. Một số hệ thống quản lý nội dung (CMS) thậm chí có thể tự động thực hiện việc này cho bạn. Tuy nhiên, điều này là không bắt buộc; và trước tiên, bạn nên tập trung vào việc đảm bảo mọi người biết đến trang web của bạn.

Kiểm tra xem Google có thể xem trang của bạn giống như một người dùng hay không

Khi thu thập dữ liệu trên một trang, tốt nhất là Google có thể thấy trang đó theo cách mà người dùng bình thường vẫn thấy. Để làm được điều này, Google cần có quyền truy cập vào những tài nguyên tương tự như trình duyệt của người dùng. Nếu trang web của bạn đang ẩn các thành phần quan trọng tạo nên trang web (như CSSJavaScript), thì có thể Google không hiểu được trang. Theo đó, có thể chúng không xuất hiện trong kết quả tìm kiếm hoặc đạt được thứ hạng cao đối với những cụm từ mà bạn nhắm đến.

Nếu thông tin trên các trang của bạn là tuỳ thuộc vào vị trí thực tế của người dùng, hãy đảm bảo rằng bạn hài lòng với thông tin mà Google thấy được khi xem tại vị trí của trình thu thập dữ liệu, thường là Hoa Kỳ.

Để kiểm tra cách Google nhìn thấy trang của bạn, hãy sử dụng Công cụ kiểm tra URL trong Search Console.

Bạn không muốn một trang xuất hiện trong kết quả tìm kiếm của Google?

Có thể bạn không muốn cho toàn bộ hoặc một số phần trên trang web của mình xuất hiện trong kết quả tìm kiếm. Ví dụ: có thể bạn không muốn các bài đăng về kiểu tóc mới kỳ quặc của mình xuất hiện trong kết quả tìm kiếm. Google hỗ trợ nhiều cách giúp bạn không cho phép thu thập dữ liệu và lập chỉ mục các URL của mình. Nếu bạn cần chặn một số tệp, thư mục hoặc thậm chí toàn bộ trang web của bạn khỏi Google Tìm kiếm, hãy tham khảo hướng dẫn của chúng tôi về các cách ngăn nội dung xuất hiện trong kết quả tìm kiếm.

Sắp xếp trang web

Khi thiết lập hoặc làm lại trang web, bạn nên sắp xếp trang web sao cho hợp lý vì việc này có thể giúp công cụ tìm kiếm và người dùng hiểu được mối liên hệ giữa các trang của bạn với nhau. Tuy nhiên, đừng bỏ hết mọi thứ và bắt đầu sắp xếp lại trang web ngay: mặc dù những đề xuất này có thể hữu ích về lâu dài (đặc biệt là khi bạn có một trang web lớn), nhưng thường thì các công cụ tìm kiếm đều hiểu được các trang của bạn như hiện tại, bất kể trang web của bạn được sắp xếp như thế nào.

Sử dụng URL mang tính mô tả

Một số phần của URL có thể xuất hiện trong kết quả tìm kiếm dưới dạng breadcrumb (tập hợp liên kết phân cấp). Nhờ đó, người dùng cũng có thể dùng những URL này để tìm hiểu xem kết quả có hữu ích cho họ hay không.

Hình minh hoạ một kết quả dạng văn bản trên Google Tìm kiếm với những chú thích gắn nhãn các thành phần trực quan cụ thể nhìn thấy được trên URL, bao gồm cả tên miền và breadcrumb

Miền

Breadcrumb

Google tự động tìm hiểu breadcrumb dựa trên các từ trong URL. Tuy nhiên, bạn cũng có thể tác động đến chúng bằng dữ liệu có cấu trúc nếu không ngại về mặt kỹ thuật. Hãy cố gắng đưa vào URL những từ có thể giúp ích cho người dùng. Ví dụ:

https://www.example.com/pets/cats.html

Một URL chỉ chứa giá trị nhận dạng ngẫu nhiên sẽ kém hữu ích hơn cho người dùng. Ví dụ:

https://www.example.com/2/6772756D707920636174

Nhóm các trang cùng chủ đề vào các thư mục

Hình minh hoạ cách nhóm các trang vào các thư mục

Nếu bạn có hơn vài nghìn URL trên trang web của mình, thì cách bạn sắp xếp nội dung có thể ảnh hưởng đến cách Google thu thập dữ liệu và lập chỉ mục trang web của bạn. Cụ thể, việc sử dụng các thư mục để nhóm những chủ đề tương tự nhau có thể giúp Google biết được tần suất thay đổi của URL trong từng thư mục.

Ví dụ: hãy xem xét các URL sau:

https://www.example.com/policies/return-policy.html

https://www.example.com/promotions/new-promos.html

Nội dung trong thư mục policies hiếm khi thay đổi. Tuy nhiên, nội dung trong thư mục promotions có thể thay đổi rất thường xuyên. Google có thể tìm hiểu thông tin này và thu thập dữ liệu từng thư mục với tần suất riêng. Để tìm hiểu thêm về những cấu trúc trang web giúp ích cho công cụ tìm kiếm, hãy tham khảo hướng dẫn của chúng tôi dành cho trang web thương mại điện tử, do loại trang web này thường lớn hơn nên việc có một cấu trúc URL hiệu quả lại càng quan trọng.

Giảm nội dung trùng lặp

Một số trang web hiện nội dung như nhau trên nhiều URL, hay còn gọi là nội dung trùng lặp. Công cụ tìm kiếm chọn một URL duy nhất (URL chính tắc) để cho người dùng thấy, theo từng nội dung.

Việc có nội dung trùng lặp trên trang web của bạn không phải là hành vi vi phạm chính sách của chúng tôi về nội dung rác. Tuy nhiên, việc này có thể gây ra trải nghiệm không tốt cho người dùng và khiến công cụ tìm kiếm lãng phí tài nguyên thu thập dữ liệu vào những URL mà bạn thậm chí không quan tâm. Nếu ưa khám phá, bạn có thể tìm hiểu xem bạn có thể chỉ định phiên bản chính tắc cho các trang của mình hay không. Tuy nhiên, kể cả khi bạn không tự mình chuẩn hoá URL, Google sẽ cố gắng tự động thực hiện việc này cho bạn.

Khi thực hiện quá trình chuẩn hoá, hãy cố gắng đảm bảo rằng mỗi nội dung trên trang web của bạn chỉ có thể truy cập thông qua một URL duy nhất. Việc có hai trang chứa cùng thông tin về chương trình khuyến mãi có thể khiến người dùng thấy khó hiểu (ví dụ: có thể mọi người thắc mắc đâu là trang phù hợp và liệu có sự khác biệt giữa hai trang đó hay không).

Nếu bạn có nhiều trang có cùng thông tin, hãy thử thiết lập một lệnh chuyển hướng từ các URL không được ưu tiên đến một URL trình bày thông tin đó hiệu quả nhất. Nếu bạn không thể chuyển hướng, hãy chuyển sang sử dụng phần tử link rel="canonical". Nhưng xin nhắc lại, đừng lo lắng quá nhiều về vấn đề này; thường thì các công cụ tìm kiếm có thể tự tìm ra cho bạn.

Xây dựng trang web thú vị và hữu ích

Thường thì việc tạo nội dung mà mọi người thấy hấp dẫn và hữu ích sẽ ảnh hưởng đến sự hiện diện của trang web của bạn trong kết quả tìm kiếm nhiều hơn so với bất kỳ đề xuất nào khác trong hướng dẫn này. Tuy mỗi người lại có quan niệm riêng về "nội dung hấp dẫn và hữu ích", nhưng nội dung như vậy thường có chung một số đặc điểm, chẳng hạn như:

  • Văn bản dễ đọc và được sắp xếp hợp lý: Hãy viết nội dung sao cho tự nhiên và đảm bảo rằng nội dung chỉn chu, dễ đọc, không có lỗi chính tả và ngữ pháp. Chia nội dung dài thành các đoạn và mục, đồng thời đưa ra các tiêu đề để giúp người dùng dễ nắm bắt nội dung trên trang.
  • Nội dung độc đáo: Khi bạn viết nội dung mới, đừng sao chép một phần hoặc toàn bộ nội dung của người khác; hãy sáng tạo nội dung dựa trên những gì bạn biết về chủ đề đó. Đừng chỉ viết lại nội dung mà người khác đã xuất bản.
  • Nội dung mới nhất: Hãy kiểm tra nội dung từng xuất bản, rồi cập nhật nếu cần hoặc thậm chí là xoá nội dung đó nếu không còn liên quan.
  • Nội dung hữu ích, đáng tin cậy và ưu tiên con người: Hãy đảm bảo rằng bạn đang viết những nội dung mà người đọc sẽ thấy hữu ích và đáng tin cậy. Ví dụ: việc cung cấp nội dung của người có chuyên môn hoặc có kinh nghiệm có thể giúp mọi người nắm được điểm hay trong bài viết của bạn.

Dự đoán cụm từ tìm kiếm của độc giả

Suy nghĩ xem người dùng có khả năng sẽ sử dụng những từ nào để tìm kiếm một phần mục cụ thể trong nội dung của bạn. Trong cụm từ tìm kiếm, người dùng đã quen thuộc với chủ đề có thể dùng từ khoá khác với người dùng chưa biết nhiều về chủ đề đó. Ví dụ: có người dùng tìm kiếm "phô mai" trong khi có người dùng lại tìm kiếm "pho mát". Việc dự đoán những khác biệt này trong hành vi tìm kiếm và lưu tâm đến độc giả trong quá trình viết nội dung có thể tạo ra những tác động tích cực đến hiệu suất của trang web trong kết quả tìm kiếm.

Tuy nhiên, đừng lo lắng nếu bạn không dự đoán được hết mọi cách mà người dùng có thể dùng để tìm kiếm nội dung của bạn. Các hệ thống so khớp ngôn ngữ của Google rất tinh vi và có thể hiểu được việc trang của bạn liên quan đến nhiều cụm từ tìm kiếm, ngay cả khi bạn không sử dụng chính xác những cụm từ đó.

Tránh hiển thị quảng cáo gây gián đoạn

Mặc dù quảng cáo là một phần không thể thiếu trên Internet và là để người dùng nhìn thấy, nhưng bạn đừng để quảng cáo khiến họ bị mất tập trung quá mức hoặc không đọc được nội dung của bạn. Ví dụ: quảng cáo hoặc trang xen kẽ (những trang xuất hiện trước hoặc sau nội dung mà người dùng muốn xem) khiến người dùng khó sử dụng trang web.

Đường liên kết là một cách hiệu quả để kết nối người dùng và công cụ tìm kiếm với những phần khác trên trang web của bạn hoặc với những trang liên quan trên các trang web khác. Trên thực tế, phần lớn các trang mới mà Google tìm thấy mỗi ngày đều là thông qua các đường liên kết. Do đó, đường liên kết trở thành một tài nguyên quan trọng mà bạn cần xem xét để giúp Google phát hiện thấy các trang của bạn nhằm giúp các trang đó có khả năng xuất hiện trong kết quả tìm kiếm. Ngoài ra, đường liên kết cũng có thể gia tăng giá trị bằng cách kết nối người dùng (và Google) với một tài nguyên khác củng cố nội dung bạn cung cấp.

Hình minh hoạ cho thấy cách một trang web liên kết đến những tài nguyên khác có liên quan

Văn bản của đường liên kết (còn gọi là văn bản liên kết) là phần văn bản của đường liên kết mà bạn có thể nhìn thấy. Văn bản này cho người dùng và Google biết đôi điều về trang mà bạn liên kết đến. Nhờ văn bản liên kết phù hợp, người dùng và công cụ tìm kiếm có thể dễ dàng hiểu được nội dung trên các trang được liên kết trước khi truy cập. Hình minh hoạ cho thấy phần văn bản của một đường liên kết

Đường liên kết có thể cung cấp thêm bối cảnh về một chủ đề cho cả người dùng và công cụ tìm kiếm, qua đó thể hiện kiến thức của bạn về một chủ đề nào đó. Tuy nhiên, khi bạn liên kết đến những trang nằm ngoài tầm kiểm soát của mình, ví dụ như nội dung trên các trang web khác, hãy đảm bảo rằng bạn có thể tin tưởng tài nguyên mà mình đang liên kết đến. Nếu bạn không tin tưởng nhưng vẫn muốn liên kết đến những nội dung đó, hãy thêm nofollow hoặc chú thích tương tự vào đường liên kết để tránh việc các công cụ tìm kiếm liên kết trang web của bạn với trang web mà bạn liên kết đến. Việc này giúp tránh những hậu quả tiêu cực có thể xảy ra đối với thứ hạng của bạn trên Google Tìm kiếm.

Nếu bạn chấp nhận nội dung do người dùng tạo trên trang web của mình, chẳng hạn như bài đăng hoặc bình luận trên diễn đàn, hãy đảm bảo mọi đường liên kết mà người dùng đăng đều có nofollow hoặc chú thích tương tự do CMS của bạn tự động thêm vào. Vì nội dung trong trường hợp này không phải do bạn tạo ra, nên có thể bạn không muốn trang web của mình bị liên kết mù quáng với những trang web mà người dùng liên kết đến. Việc này cũng có thể giúp ngăn chặn kẻ xấu lợi dụng trang web của bạn.

Tác động đến cách trang web của bạn xuất hiện trên Google Tìm kiếm

Một trang kết quả thông thường trên Google tìm kiếm bao gồm một số phần tử trực quan mà bạn có thể tác động đến để giúp người dùng quyết định xem có nên truy cập trang web của bạn hay không thông qua các kết quả tìm kiếm đó. Trong phần này, chúng tôi tập trung vào đường liên kết tiêu đềđoạn trích, vì đây là những thành phần đáng kể về mặt trực quan.

Tác động đến đường liên kết tiêu đề

Hình minh hoạ một kết quả văn bản trên Google Tìm kiếm, trong đó phần đường liên kết tiêu đề được khoanh đánh dấu

Cách tự làm dầu ớt

Đường liên kết tiêu đề là phần tiêu đề của kết quả tìm kiếm và có thể giúp mọi người quyết định việc nhấp vào kết quả tìm kiếm nào. Có một số nguồn mà Google sử dụng để tạo đường liên kết tiêu đề này, chẳng hạn như những từ nằm trong phần tử <title> (còn gọi là văn bản tiêu đề) và các đề mục khác trên trang. Văn bản tiêu đề này cũng có thể dùng cho tiêu đề xuất hiện trong trình duyệt và dấu trang.

Hình minh hoạ cách xuất hiện của văn bản tiêu đề trên một trang web và trong mã HTML

Bạn có thể tác động đến đường liên kết tiêu đề trên Tìm kiếm bằng cách viết tiêu đề hay: tiêu đề hay là tiêu đề dành riêng cho trang, rõ ràng, súc tích và mô tả chính xác nội dung trên trang. Ví dụ: tiêu đề có thể bao gồm tên trang web hoặc doanh nghiệp, thông tin quan trọng khác như địa điểm thực tế của doanh nghiệp, hay một số thông tin về sản phẩm/dịch vụ cụ thể trên trang dành cho người dùng. Tài liệu của chúng tôi về đường liên kết tiêu đề có nhiều mẹo khác về cách tạo tiêu đề hay và cách tác động đến đường liên kết tiêu đề trong kết quả tìm kiếm cho trang web của bạn.

Kiểm soát đoạn trích

Bên dưới đường liên kết tiêu đề, kết quả tìm kiếm thường có nội dung mô tả về trang đích để giúp người dùng quyết định xem có nên nhấp vào kết quả tìm kiếm đó hay không. Đây được gọi là một đoạn trích.

Hình minh hoạ một kết quả dạng văn bản trên Google Tìm kiếm, trong đó có phần đoạn trích được khoanh đánh dấu

Tìm hiểu cách nấu trứng theo hướng dẫn đầy đủ này trong chưa đầy 5 phút. Chúng tôi trình bày mọi phương pháp, bao gồm cả trứng ốp la, trứng luộc và trứng chần.

Đoạn trích được lấy từ nội dung thực tế trên trang mà kết quả tìm kiếm liên kết đến. Do đó, bạn có toàn quyền kiểm soát những từ có thể được dùng để tạo đoạn trích. Đôi khi, đoạn trích có thể được lấy từ nội dung của thẻ mô tả meta, thường là một đoạn gồm một đến hai câu tóm tắt ngắn gọn nội dung trên trang. Một đoạn mô tả meta hay là một đoạn mô tả ngắn gọn, dành riêng cho một trang cụ thể và nêu các điểm phù hợp nhất trên trang. Hãy tham khảo các mẹo của chúng tôi về cách viết nội dung mô tả meta hay để có thêm nguồn cảm hứng.

Thêm hình ảnh vào trang web của bạn và tối ưu hoá những hình ảnh đó

Có nhiều người tìm kiếm bằng hình ảnh và hình ảnh có thể là cách giúp một số người lần đầu tìm ra trang web của bạn. Ví dụ: nếu bạn có một blog về công thức nấu ăn, thì có thể mọi người tìm thấy nội dung của bạn bằng cách tìm "công thức làm bánh tart trái cây" rồi duyệt xem ảnh về nhiều loại bánh tart trái cây đó.

Khi bạn thêm hình ảnh vào trang web của mình, hãy đảm bảo rằng mọi người và công cụ tìm kiếm đều có thể tìm thấy và hiểu được những hình ảnh đó.

Thêm hình ảnh chất lượng cao ở gần văn bản liên quan

Bằng cách dùng hình ảnh chất lượng cao, bạn sẽ cung cấp cho người dùng đủ bối cảnh và thông tin chi tiết để quyết định hình ảnh nào phù hợp nhất với những gì họ đang tìm kiếm. Ví dụ: nếu người dùng đang tìm "hoa cúc" và bắt gặp một bông cúc vạn thọ khác lạ trong kết quả tìm kiếm, thì hình ảnh chất lượng cao hơn sẽ giúp họ phân biệt được loại hoa đó dễ dàng hơn.

Hãy sử dụng hình ảnh sắc nét và rõ ràng, đồng thời đặt hình ảnh ở gần văn bản có liên quan đến hình ảnh đó. Văn bản ở gần hình ảnh có thể giúp Google hiểu rõ hơn về nội dung của hình ảnh và ý nghĩa của nó trong bối cảnh cụ thể trên trang.

Ví dụ: nếu trang của bạn đánh giá các cửa hàng vải ở Huế, thì bạn nên nhúng một trong những hình ảnh về cửa hàng vải đó vào phần nêu chi tiết vị trí, nội dung mô tả và thông tin đánh giá về cửa hàng vải đó. Điều này giúp Google và người dùng liên kết hình ảnh với văn bản bổ sung ngữ cảnh cho nội dung trên trang.

Thêm văn bản thay thế mang tính mô tả vào hình ảnh

Văn bản thay thế là một đoạn văn bản ngắn nhưng mang tính mô tả, giải thích mối quan hệ giữa hình ảnh và nội dung của bạn. Điều này giúp công cụ tìm kiếm hiểu được nội dung của hình ảnh và quan hệ giữa hình ảnh đó với trang của bạn. Vì vậy, việc viết văn bản thay thế phù hợp là rất quan trọng. Bạn có thể thêm nội dung này vào mã HTML bằng thuộc tính alt của phần tử img, hoặc có thể CMS của bạn có một cách dễ dàng để chỉ định nội dung mô tả cho hình ảnh khi bạn tải hình ảnh lên trang web của mình. Tìm hiểu thêm về cách viết văn bản thay thế phù hợp và cách thêm nội dung này vào hình ảnh của bạn.

Tối ưu hoá video

Nếu trang web của bạn có những trang chủ yếu về từng video, thì có thể mọi người cũng tìm thấy trang web của bạn thông qua kết quả video trên Google Tìm kiếm. Có nhiều phương pháp hay nhất về hình ảnh và văn bản cũng áp dụng được cho video:

  • Tạo nội dung video chất lượng cao rồi nhúng video trên một trang độc lập, ở gần văn bản liên quan đến video đó.
  • Viết văn bản mô tả vào trường tiêu đề và nội dung mô tả của video (tiêu đề của video vẫn là một tiêu đề, và vì thế bạn cũng có thể áp dụng các phương pháp hay nhất khi viết tiêu đề trong trường hợp này).

Nếu trang web của bạn đặc biệt tập trung vào video, hãy tiếp tục đọc về những việc khác bạn có thể làm để tối ưu hoá video cho công cụ tìm kiếm.

Quảng bá trang web

Việc quảng bá nội dung mới một cách hiệu quả sẽ giúp những người quan tâm đến chủ đề của bạn và cả các công cụ tìm kiếm đều có thể tìm thấy nội dung của bạn nhanh hơn. Bạn có thể thực hiện việc này theo nhiều cách:

  • Quảng bá trên mạng xã hội
  • Tương tác với cộng đồng
  • Quảng cáo, cả ngoại tuyến và trực tuyến
  • Truyền miệng và nhiều phương pháp khác

Một trong những cách hiệu quả và bền vững nhất là truyền miệng: những người đã biết trang web của bạn nói cho bạn bè họ về trang web của bạn, sau đó những người này cũng truy cập trang web của bạn. Việc này có thể mất thời gian và thường thì trước tiên bạn cần đầu tư thời gian và công sức vào những phương pháp khác, chẳng hạn như tương tác với cộng đồng. Các bạn của chúng tôi tại Google cho Nhà sáng tạo có cung cấp những tài nguyên rất hay về cách xây dựng và tương tác với độc giả của bạn.

Bạn cũng có thể thu được thành quả khi đầu tư cho hoạt động quảng bá công ty hoặc trang web của bạn qua các kênh ngoại tuyến. Ví dụ: nếu bạn có một trang web doanh nghiệp, hãy đảm bảo rằng URL của trang web đó được nêu trên danh thiếp, tiêu đề trang, áp phích và các tài liệu khác. Khi được họ cho phép, bạn cũng có thể gửi các bản tin định kỳ cho độc giả để thông báo cho họ về nội dung mới trên trang web của bạn.

Như mọi hoạt động khác, có nguy cơ bạn lạm dụng việc quảng bá và thực sự gây hại cho trang web của mình: có thể mọi người cảm thấy nhàm chán với quảng cáo của bạn và các công cụ tìm kiếm có thể coi một số phương pháp như vậy là thao túng kết quả tìm kiếm.

Những điều chúng tôi cho rằng bạn không nên tập trung vào

Hoạt động SEO luôn phát triển, nên các ý tưởng và phương pháp (và đôi khi là cả những quan niệm sai lầm) liên quan đến SEO cũng có sự chuyển biến. Những phương pháp từng được coi là hay nhất hoặc ưu tiên hàng đầu nay có thể không còn phù hợp hoặc hiệu quả theo sự phát triển của công cụ tìm kiếm (và Internet) theo thời gian.

Để giúp bạn tập trung vào những yếu tố thực sự quan trọng đối với hoạt động SEO, chúng tôi đã thu thập một số chủ đề phổ biến và nổi bật nhất mà chúng tôi thấy trên Internet. Nhìn chung, thông điệp của chúng tôi về những chủ đề này là bạn nên làm những gì tốt nhất trong lĩnh vực kinh doanh của mình; chúng tôi sẽ trình bày chi tiết về một số điểm cụ thể tại đây:

Từ khoá meta
Google Tìm kiếm không sử dụng thẻ meta từ khoá.
Nhồi nhét từ khoá
Việc lặp đi lặp lại cùng một từ quá nhiều lần (thậm chí là các biến thể) sẽ khiến người dùng cảm thấy nhàm chán, và việc nhồi nhét từ khoá là hành vi vi phạm chính sách của Google về nội dung rác.
Từ khoá trong tên miền hoặc đường dẫn URL

Khi chọn tên cho trang web, hãy chọn tên phù hợp nhất đối với hoạt động kinh doanh của bạn. Người dùng sẽ sử dụng tên này để tìm ra bạn. Vì vậy, bạn nên làm theo các phương pháp chung hay nhất về hoạt động tiếp thị. Từ góc độ thứ hạng, riêng từ khoá trong tên miền (hoặc đường dẫn URL) hầu như không có tác dụng nào ngoài việc xuất hiện trong breadcrumb (tập hợp liên kết phân cấp).

Vẫn về chủ đề tên miền: TLD (tên miền có đuôi ".com" hoặc ".guru") chỉ quan trọng nếu bạn nhắm đến người dùng ở một quốc gia cụ thể, và kể cả vậy thì vẫn thường là tín hiệu có tác động nhỏ. Ví dụ: nếu muốn bán phô mai Hà Lan cho người tìm kiếm ở Thuỵ Sĩ, thì bạn nên sử dụng (cả về mặt kinh doanh và góc độ SEO) một tên miền .ch. Ngoài ra, Google Tìm kiếm sẽ không quan tâm bạn đang dùng TLD nào (cho dù đó là .com, .org hay .asia).

Độ dài nội dung tối thiểu hoặc tối đa
Chỉ độ dài của nội dung thì không quan trọng đối với mục đích xếp hạng (không có con số kỳ diệu nào cho số từ, dù là tối thiểu hay tối đa, nhưng dù sao bạn cũng nên có ít nhất một từ). Nếu thay đổi các từ (viết tự nhiên để không bị trùng lặp), thì bạn sẽ có nhiều cơ hội xuất hiện trên Tìm kiếm hơn, đơn giản là vì bạn sử dụng nhiều từ khoá hơn.
Miền con so với thư mục con
Dưới góc độ kinh doanh, hãy làm bất cứ điều gì có ý nghĩa đối với hoạt động kinh doanh của bạn. Ví dụ: có thể bạn sẽ quản lý trang web dễ dàng hơn nếu trang web đó được phân đoạn theo các thư mục con, nhưng cũng có khi bạn nên phân chia chủ đề thành các miền con, tuỳ thuộc vào chủ đề hoặc lĩnh vực trên trang web của bạn.
PageRank
Tuy PageRank sử dụng các đường liên kết và là một trong những thuật toán nền tảng của Google, nhưng Google Tìm kiếm còn xét đến nhiều yếu tố khác ngoài các đường liên kết. Chúng tôi có nhiều tín hiệu xếp hạng và PageRank chỉ là một trong số đó.
"Hình phạt" đối với nội dung trùng lặp
Nếu bạn có một số nội dung có thể truy cập được qua nhiều URL, thì việc này không sao; đừng lo lắng. Việc này không hiệu quả nhưng không phải là nguyên nhân dẫn đến hình phạt thủ công. Tuy nhiên, việc sao chép nội dung của người khác lại là một chuyện khác.
Số lượng và thứ tự của đề mục

Việc sắp xếp các đề mục theo thứ tự ngữ nghĩa là rất hữu ích đối với trình đọc màn hình, nhưng về phía Google Tìm kiếm thì việc bạn không theo thứ tự cũng không có vấn đề gì. Web nhìn chung không phải là mã HTML hợp lệ; vì vậy, Google Tìm kiếm hiếm khi phụ thuộc vào ý nghĩa ngữ nghĩa ẩn trong bản đặc tả HTML.

Cũng không có con số kỳ diệu và lý tưởng nào đối với số lượng đề mục cho một trang nhất định. Tuy nhiên, nếu bạn cho là mình có quá nhiều đề mục thì có khả năng đúng là như vậy.

Coi E-E-A-T là một yếu tố xếp hạng
Không phải đâu.

Các bước tiếp theo

  • Bắt đầu sử dụng Search Console: Việc thiết lập tài khoản Search Console sẽ giúp bạn theo dõi và tối ưu hoá hiệu suất của trang web của mình trên Google Tìm kiếm. Tìm hiểu cách thiết lập tài khoản và những báo cáo cần tìm hiểu đầu tiên.
  • Duy trì khả năng SEO cho trang web của bạn theo thời gian: Tìm hiểu thêm về cách quản lý sự hiện diện của trang web về lâu dài, gồm cả những hoạt động và tình huống SEO chuyên sâu hơn, chẳng hạn như khi chuẩn bị di chuyển trang web hoặc quản lý một trang web đa ngôn ngữ.
  • Cải thiện cách trang web của bạn xuất hiện trong kết quả của Google Tìm kiếm: Dữ liệu có cấu trúc hợp lệ trên các trang của bạn cũng giúp các trang đó đủ điều kiện cho nhiều tính năng đặc biệt trong kết quả của Google Tìm kiếm, chẳng hạn như điểm xếp hạng theo sao, băng chuyền, v.v. Khám phá thư viện các loại kết quả tìm kiếm mà có thể trang của bạn đủ điều kiện áp dụng.

Luôn nắm bắt thông tin mới nhất và đặt câu hỏi

Khi bạn bắt tay vào hành trình SEO, sau đây là một số tài nguyên có thể giúp bạn luôn nắm bắt được những thay đổi và tài nguyên mới mà chúng tôi xuất bản:

  • Blog của Trung tâm Google Tìm kiếm: Xem thông tin mới nhất trên blog của Trung tâm Google Tìm kiếm. Bạn có thể tìm được thông tin về những nội dung cập nhật của Google Tìm kiếm, tính năng mới trên Search Console và rất nhiều thông tin khác.
  • Trung tâm Google Tìm kiếm trên X: Theo dõi chúng tôi để biết thông tin cập nhật về Google Tìm kiếm cũng như những tài nguyên giúp bạn tạo ra một trang web chất lượng cao.