Thêm nội dung xem trước để làm nổi bật ứng dụng của bạn

Bạn có thể giúp ứng dụng của mình thu hút người dùng mới trên Google Play bằng cách thêm nội dung xem trước vào trang thông tin trên Cửa hàng Play để thể hiện các tính năng và chức năng của ứng dụng.

Ảnh đầu trang, ảnh chụp màn hình, đoạn mô tả ngắn và video được dùng để làm nổi bật và quảng bá ứng dụng của bạn trên Google Play cũng như trên các kênh quảng bá khác của Google.

Quản lý nội dung xem trước

Trước khi thêm tài sản xem trước vào trang thông tin của ứng dụng trên Cửa hàng Play, bạn cần lưu ý:

  • Sau khi được thêm vào trang thông tin của bạn trên Cửa hàng Play, tài sản sẽ xuất hiện trên trang thông tin của bạn trên Cửa hàng Play trong mọi kênh thử nghiệm.
  • Bạn có thể bỏ đánh dấu hộp "Tiếp thị bên ngoài" trên trang Cài đặt cửa hàng của ứng dụng (Tăng lượng người dùng > Sự hiện diện trong cửa hàng > Cài đặt cửa hàng) để hạn chế việc quảng bá ứng dụng trên các sản phẩm và dịch vụ do Google sở hữu.

Bạn có thể quản lý tàu sản để xem trước của ứng dụng trên trang Trang thông tin chính trên Cửa hàng Play (Tăng lượng người dùng > Sự hiện diện trong cửa hàng > Trang thông tin chính trên Cửa hàng Play) trong Play Console. Bạn có thể tải nhiều hình ảnh lên và thêm một video xem trước trong phần "Đồ hoạ".

Phạm vi sử dụng và nguyên tắc về tài sản để xem trước

Mỗi loại nội dung xem trước sẽ có những yêu cầu riêng và xuất hiện trên nhiều loại nền tảng. Vui lòng đọc nội dung dưới đây để nắm được cách chúng tôi sử dụng tài sản của bạn và những điểm bạn cần lưu ý khi thêm tài sản vào trang thông tin trên Cửa hàng Google Play.

Nguyên tắc về nội dung: Yêu cầu và đề xuất

  • Các "yêu cầu" nêu trên trang này là bắt buộc. Nếu không đáp ứng được những yêu cầu này thì nội dung của bạn có thể bị xóa hoặc tạm ngưng trên Google Play.
  • Các nguyên tắc nêu trong phần "Rất nên áp dụng" trên trang này có thể giúp ứng dụng/trò chơi của bạn đủ điều kiện được đề xuất và quảng bá trên Google Play. Dù không tuân thủ những nguyên tắc này thì trang thông tin của bạn trên Cửa hàng Play cũng không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, việc này có thể khiến tài sản xem trước của bạn bị thay đổi cách thức xuất hiện trên Google Play hoặc làm hạn chế cơ hội quảng bá.
  • Mọi nội dung đều phải tuân thủ Chính sách chương trình dành cho nhà phát triển của chúng tôi.

Tài sản để xem trước

Biểu tượng ứng dụng

Bạn phải cung cấp biểu tượng ứng dụng để có thể phát hành trang thông tin trên Cửa hàng Play. Biểu tượng ứng dụng không thay thế biểu tượng trình chạy của ứng dụng, nhưng cần có độ trung thực và độ phân giải cao hơn theo quy cách thiết kế biểu tượng trên Google Play.

Phạm vi sử dụng

Biểu tượng ứng dụng của bạn được sử dụng tại nhiều vị trí trên Google Play, chẳng hạn như trang thông tin trên Cửa hàng Play, kết quả tìm kiếm và bảng xếp hạng.

Nguyên tắc về nội dung

Yêu cầu

Đoạn mô tả ngắn

Bạn phải cung cấp một đoạn mô tả ngắn để có thể phát hành trang thông tin trên Cửa hàng Play. Đoạn mô tả ngắn này phải là một bản tóm tắt nhanh về giá trị cốt lõi của ứng dụng/trò chơi, qua đó khơi dậy sự hứng thú của người dùng.

Phạm vi sử dụng

Đoạn mô tả ngắn là văn bản đầu tiên người dùng nhìn thấy khi xem trang chi tiết về ứng dụng của bạn trên ứng dụng Cửa hàng Play. Người dùng mở rộng đoạn mô tả ngắn này để xem bản mô tả đầy đủ của ứng dụng.

Đoạn mô tả ngắn có thể xuất hiện bên ngoài trang thông tin của bạn trên Cửa hàng Play, nhờ đó, tất cả người dùng đều có thể sử dụng đoạn mô tả ngắn này để nhanh chóng nắm được mục đích chính của ứng dụng/trò chơi.

Nguyên tắc về nội dung

Yêu cầu

  • Giới hạn 80 ký tự

Rất nên áp dụng

  • Tóm tắt chức năng cốt lõi hoặc mục đích của ứng dụng/trò chơi bằng ngôn ngữ đơn giản và súc tích, nêu bật những khía cạnh độc đáo của ứng dụng/trò chơi. 
    • Đối với ứng dụng, các khía cạnh độc đáo có thể là những tính năng, chức năng, nội dung và lợi ích giúp ứng dụng đó khác biệt với những ứng dụng khác
    • Đối với trò chơi, các khía cạnh độc đáo có thể là lối chơi, cơ chế, chế độ người chơi, các tính năng xã hội, tài sản trí tuệ, chủ đề và bối cảnh, câu chuyện và khả năng kết nối (chẳng hạn như ngoại tuyến/trực tuyến).
    • Tránh sử dụng tiếng lóng hoặc biệt ngữ, trừ khi đó là dạng ngôn ngữ quen thuộc với người dùng mục tiêu của bạn.
  • Tránh dùng thông điệp lặp lại và dài dòng trên đoạn mô tả ngắn, ảnh chụp màn hình, ảnh nổi bật hoặc video của nhà phát triển. Xin lưu ý rằng những nội dung này có thể hiển thị cạnh nhau.
  • Thể hiện trạng thái mới nhất của ứng dụng/trò chơi. 
    • Tránh sử dụng nội dung chỉ có giá trị trong một thời gian nhất định và có thể nhanh chóng lỗi thời để bạn không cần phải cập nhật thường xuyên.
  • Đừng dùng những từ ngữ không liên quan đến chức năng hoặc mục đích của ứng dụng, bao gồm:
    • Từ ngữ thể hiện hoặc ám chỉ hiệu suất trên Google Play, thứ hạng, danh hiệu hoặc giải thưởng, lời chứng thực của người dùng hoặc giá cả và thông tin khuyến mãi, ví dụ: “Tốt nhất”, “Số 1”, “Hàng đầu”, “Mới”, “Chiết khấu”, “Giảm giá” hoặc “Hàng triệu lượt tải xuống”.
    • Lời kêu gọi hành động, ví dụ: “tải xuống ngay”, “cài đặt ngay”, “chơi ngay” hoặc “thử ngay”.
    • Từ khoá không cần thiết nhằm cải thiện kết quả tìm kiếm. Cách làm này không tác động đến thứ hạng mà chỉ đem lại trải nghiệm không tốt cho người dùng.
  • Bản địa hoá đoạn mô tả của bạn cho phù hợp với từng thị trường và ngôn ngữ.
  • Hãy đảm bảo đoạn mô tả ngắn của bạn có hình thức hợp lệ:
    • Chỉ dùng dấu chấm ở cuối câu nếu đoạn mô tả ngắn của bạn gồm nhiều câu.
    • Dùng dấu cách khi cần giữa các từ, dấu chấm (.), dấu phẩy (,) và ký tự đặc biệt (ví dụ: &).
    • Không dùng ký tự đặc biệt, dấu ngắt dòng, biểu tượng cảm xúc, dấu câu lặp lại (ví dụ: ?, !!, ?!, !?!, <>, \\, --,***, +_+, …, ((, !!, $%^, ~&~, ~~~) hoặc biểu tượng (ví dụ: ★ hoặc ☆).
      • Chúng tôi chỉ cho phép sử dụng các ký tự chuẩn theo quy tắc chính tả, ngữ pháp và thành ngữ trong ngôn ngữ của bạn (ví dụ: ¿, æ, Ø, hoặc ¡ ).
      • Khi đủ điều kiện, các trường hợp ngoại lệ gồm Bản quyền (©), Nhãn hiệu đã đăng ký (®) và Nhãn hiệu (™) sẽ được chấp nhận.
    • Không viết hoa để nhấn mạnh:
      • Hãy viết hoa theo quy chuẩn trong ngôn ngữ của bạn.
      • Có thể viết hoa từ viết tắt.
      • Chỉ viết hoa tên ứng dụng nếu tên ứng dụng đó trong trang thông tin trên Google Play cũng được viết hoa.
Ảnh nổi bật

Bạn phải cung cấp ảnh đầu trang để có thể xuất bản trang thông tin trên Cửa hàng Play. Ảnh đầu trang là một công cụ đắc lực để truyền tải trải nghiệm mà ứng dụng hoặc trò chơi đem lại và thu hút người dùng mới.

Phạm vi sử dụng

Ảnh nổi bật xuất hiện tại nhiều vị trí trên Google Play, bao gồm:

  • Ảnh bìa cho video xem trước (nếu có).
  • Đối với ứng dụng, chúng tôi cho thấy một tập hợp ứng dụng ở định dạng kích thước lớn kèm theo ảnh đầu trang của bạn, bao gồm cả quảng cáo.
  • Đối với trò chơi, chúng tôi thể hiện các nhóm trò chơi được đề xuất ở một định dạng kích thước lớn có video xem trước và ảnh chụp màn hình, trong đó có cả ảnh đầu trang của bạn.

Nguyên tắc về nội dung

Yêu cầu

  • Định dạng ảnh là JPEG hoặc PNG 24 bit (không dùng bản alpha)
  • Kích thước: 1024px x 500px

Rất nên áp dụng

  • Sử dụng nội dung đồ hoạ có thể minh hoạ trải nghiệm trong ứng dụng hoặc trò chơi, đồng thời nêu bật các tuyên bố về giá trị cốt lõi, ngữ cảnh liên quan hoặc tình tiết câu chuyện nếu cần.
    • Không sử dụng hình ảnh thương hiệu nổi bật giống với biểu tượng ứng dụng vì điều này sẽ gây ra sự trùng lặp khi hình ảnh thương hiệu hiển thị cùng với biểu tượng ứng dụng. Tối ưu hóa các thành phần thương hiệu có vai trò bổ trợ cho biểu tượng ứng dụng.
    • Tránh dùng quá nhiều chi tiết nhỏ trong nội dung đồ họa. Các chi tiết này sẽ không hiển thị được trên nhiều màn hình điện thoại.
  • Lựa chọn vị trí cho nội dung để ưu tiên các thành phần chính và tránh tình trạng một số vùng bị cắt bỏ.
    • Đặt hình ảnh nổi bật và tiêu điểm ở gần trung tâm của thành phần đồ hoạ:

    • Tránh đặt các thành phần chính (ví dụ: biểu trưng thương hiệu, tên ứng dụng, khẩu hiệu chính và giao diện chính cho người dùng)  ở các vùng bị cắt bỏ (khu vực màu đỏ trong ví dụ dưới đây) vì những thành phần như vậy có thể bị cắt bỏ tuỳ theo định dạng của giao diện người dùng.

    • Một số định dạng có thể dùng thêm các lớp phủ trong giao diện người dùng. Nếu không tuân thủ quy định về tiêu điểm và vùng bị cắt, hình ảnh có thể không đủ điều kiện xuất hiện ở những định dạng này.
    • Đảm bảo các thành phần của hình nền không vượt quá mép rìa của ảnh nổi bật.
  • Cân nhắc dùng màu sắc sống động trong nội dung đồ họa để gây ấn tượng và hứng thú cho người dùng. Tránh dùng độc một màu trắng hoặc màu xám đậm vì những màu này có thể bị chìm trong nền của Cửa hàng Play.
    • Dùng kiểu màu và bảng màu tương tự nhau hoặc bổ trợ nhau trong ảnh đầu trang, biểu tượng ứng dụng và trong chính ứng dụng để người dùng có thể ngay lập tức liên hệ những màu sắc này với ứng dụng và thương hiệu của bạn.
    • Tránh sử dụng màu trắng trơn, đen hoặc xám đậm vì những màu này dễ lẫn với màu nền của Google Play.
  • Bản địa hoá văn bản trên nội dung đồ hoạ và thương hiệu của bạn cho phù hợp với từng thị trường và ngôn ngữ.
  • Tránh những nội dung thể hiện hoặc ám chỉ hiệu suất trên Google Play, thứ hạng, lời chứng thực của người dùng, danh hiệu hoặc giải thưởng hay giá cả và thông tin khuyến mãi. Ví dụ: đừng sử dụng những từ như "Tốt nhất", "Số 1", "Hàng đầu", "Mới", "Miễn phí", "Giảm giá", "Khuyến mãi" hoặc "Hàng triệu lượt tải xuống".
  • Tránh sử dụng nội dung chỉ có giá trị trong một thời gian nhất định để bạn không mất công cập nhật những nội dung có thể nhanh chóng trở nên lỗi thời.
    • Nội dung có giới hạn về thời gian (như nội dung cập nhật chỉ dành cho ngày lễ) phải được thay đổi kịp thời.
  • Tránh các yếu tố hình ảnh không phù hợp hoặc lặp đi lặp lại, chẳng hạn như:
    • Nhân vật hoặc biểu trưng đã đăng ký nhãn hiệu của bên thứ ba mà bạn chưa được phép sử dụng.
    • Hình ảnh thiết bị (vì hình ảnh này có thể nhanh chóng lỗi thời hoặc xa lạ với một số người dùng).
    • Huy hiệu hoặc biểu tượng của Google Play hay cửa hàng bất kỳ nào khác.
  • Thêm văn bản thay thế vào từng thành phần đồ hoạ. Văn bản thay thế có vai trò quan trọng đối với những người dùng trình đọc màn hình không xem được các thành phần bạn đã tải lên. Do đó, việc sử dụng nội dung mô tả bằng văn bản thay thế của từng thành phần đồ hoạ sẽ giúp tăng đáng kể khả năng xuất hiện của ứng dụng đối với những người dùng công nghệ hỗ trợ. Dưới đây là một số mẹo để viết văn bản thay thế: 

    • Không cần nêu "ảnh" hoặc "hình ảnh"; trình đọc màn hình đã cung cấp thông tin này.

    • Sử dụng ngữ cảnh để xác định phần quan trọng của hình ảnh (tối đa 140 ký tự). Ví dụ: "Màn hình hoàn tất giao dịch".

Ảnh chụp màn hình

Hãy dùng ảnh chụp màn hình để thể hiện các chức năng, cảm quan và trải nghiệm trong ứng dụng cho người dùng tiềm năng nhằm giúp họ dễ dàng khám phá ứng dụng. Bạn có thể thêm tối đa 8 ảnh chụp màn hình cho mỗi loại thiết bị được hỗ trợ. Các loại thiết bị được hỗ trợ bao gồm điện thoại, máy tính bảng (7 inch và 10 inch), Android TV và đồng hồ Wear OS.

Để tải ảnh chụp màn hình lên cho từng loại thiết bị, trong phần Đồ hoạ, hãy di chuyển đến phần dành riêng cho từng loại thiết bị đó:

  • Màn hình lớn:
    • Đối với Chromebook và máy tính bảng, bạn có thể thêm ít nhất 4 ảnh chụp màn hình để thể hiện trải nghiệm trong ứng dụng.
    • Dùng ảnh chụp màn hình từ 1.080 pixel đến 7.680 pixel để tải lên
    • Dùng tỷ lệ khung hình 16:9 cho ảnh khổ ngang và tỷ lệ khung hình 9:16 cho ảnh khổ dọc
    • Xoá bỏ phần văn bản bổ sung không thuộc trải nghiệm cốt lõi của ứng dụng vì phần văn bản này có thể bị cắt bỏ trên trang chủ của Play đối với một số kích thước màn hình cụ thể
    • Đừng quên tối ưu hoá chất lượng ứng dụng của bạn cho màn hình lớn bằng cách tham khảo danh sách kiểm tra của chúng tôi về chất lượng ứng dụng
  • Wear OS: Nếu bạn đang phân phối ứng dụng cho thiết bị Wear OS thì trang thông tin của ứng dụng Wear OS đó trên Cửa hàng Play trên Google Play phải:
    • Có ít nhất một ảnh chụp màn hình mô tả chính xác phiên bản hiện tại của ứng dụng đó trên Wear OS.
    • Cung cấp ảnh chụp màn hình chỉ thể hiện giao diện của ứng dụng.
    • Đừng đặt ảnh chụp màn hình trong khung thiết bị hoặc ghi chú thêm vào ảnh chụp màn hình những thông tin không có trong giao diện của ứng dụng, chẳng hạn như văn bản, hình ảnh hoặc hình nền bổ sung.
    • Dùng ảnh chụp màn hình với tỷ lệ khung hình 1:1 và có kích thước tối thiểu là 384 x 384 pixel.
    • Nếu ứng dụng cung cấp Thẻ thông tin thì bạn nên chia sẻ ảnh chụp màn hình của chức năng Thẻ thông tin đó.
    • Đừng dùng nền trong suốt hoặc hiệu ứng phủ.
  • Mặt đồng hồ Wear OS: Trang thông tin của mặt đồng hồ trên Google Play phải:
    • Có ít nhất một ảnh chụp màn hình mô tả chính xác phiên bản hiện tại của mặt đồng hồ đó.
    • Cho thấy nhiều cách bố trí mặt đồng hồ nếu mặt đồng hồ đó tuỳ chỉnh được.
    • Cung cấp ảnh chụp màn hình chỉ thể hiện trải nghiệm trên mặt đồng hồ.
    • Đừng đặt ảnh chụp màn hình trong khung thiết bị hoặc ghi chú thêm vào ảnh chụp màn hình những thông tin không có trong giao diện của ứng dụng, chẳng hạn như văn bản, hình ảnh hoặc hình nền bổ sung.
    • Dùng ảnh chụp màn hình với tỷ lệ khung hình 1:1 và có kích thước tối thiểu là 384 x 384 pixel.
    • Đừng dùng nền trong suốt hoặc hiệu ứng phủ.
  • Android TV: Nếu phân phối ứng dụng cho thiết bị Android TV, bạn sẽ phải thêm ít nhất một ảnh chụp màn hình Android TV trước khi có thể phát hành ứng dụng đó.
    • Ngoài ra, phải có thêm một ảnh biểu ngữ trên Android TV.
    • Ảnh chụp màn hình TV sẽ chỉ xuất hiện trên thiết bị Android TV.

Phạm vi sử dụng

Ngoài xuất hiện tại trang thông tin trên Cửa hàng Google Play, ảnh chụp màn hình của bạn còn có thể xuất hiện tại những vị trí khác trên Google Play, chẳng hạn như trong phần tìm kiếm hoặc trên trang chủ. Trong trường hợp Google Play hiển thị cả video xem trước và ảnh chụp màn hình cùng nhau (chẳng hạn như trong trang thông tin trên Cửa hàng Play) thì theo chiều từ trái sang phải, chúng tôi sẽ hiển thị video xem trước (nếu có) rồi đến những ảnh chụp màn hình phù hợp nhất với thiết bị mà người dùng đang sử dụng để duyệt xem.

Nguyên tắc về nội dung

Yêu cầu

Để xuất bản trang thông tin trên Cửa hàng Play, bạn phải có tối thiểu hai ảnh chụp màn hình cho các kiểu dáng thiết bị khác nhau và đáp ứng những yêu cầu sau:

  • Định dạng ảnh là JPEG hoặc PNG 24 bit (không dùng bản alpha)
  • Kích thước tối thiểu: 320px
  • Kích thước tối đa: 3840px
    • Kích thước tối đa của ảnh chụp màn hình không được lớn hơn quá hai lần kích thước tối thiểu.

Rất nên áp dụng

  • Trên Google Play, có một số phần hiển thị các nhóm ứng dụng và trò chơi được đề xuất ở một định dạng kích thước lớn có ảnh chụp màn hình. Để đủ điều kiện được đề xuất ở định dạng có ảnh chụp màn hình, bạn cần tuân thủ những nguyên tắc sau:
    • Đối với ứng dụng, bạn phải cung cấp ít nhất 4 ảnh chụp màn hình có độ phân giải tối thiểu là 1080px. Ảnh chụp màn hình ngang phải có tỷ lệ 16:9 (tối thiểu 1920x1080px) và ảnh chụp màn hình dọc phải có tỷ lệ 9:16 (tối thiểu 1080x1920px).
    • Đối với trò chơi, bạn phải cung cấp ít nhất 3 ảnh chụp màn hình ngang có tỷ lệ 16:9 (tối thiểu 1920x1080px) hoặc 3 ảnh chụp màn hình dọc có tỷ lệ 9:16 (tối thiểu 1080x1920px). Hãy đảm bảo rằng những ảnh chụp màn hình này mô tả trải nghiệm trong trò chơi để giúp người dùng nắm được lối chơi khi họ tải trò chơi xuống và sử dụng.
  • Ảnh chụp màn hình phải thể hiện trải nghiệm thực tế trong ứng dụng/trò chơi, tập trung vào nội dung và tính năng cốt lõi để người dùng có thể hình dung được trải nghiệm mà ứng dụng/trò chơi đó đem lại.
    • Bạn nên sử dụng đoạn phim quay trong chính ứng dụng hoặc trò chơi. Đừng dùng đoạn phim quay cảnh người dùng tương tác với thiết bị (ví dụ: dùng ngón tay nhấn vào thiết bị), trừ trường hợp lối chơi cốt lõi hoặc hoạt động sử dụng ứng dụng diễn ra bên ngoài thiết bị.
  • Chúng tôi chấp nhận ảnh chụp màn hình cách điệu chia giao diện người dùng thành nhiều hình ảnh. Tuy nhiên, ưu tiên hàng đầu vẫn luôn là 3 ảnh chụp màn hình đầu tiên (nếu có thể).

 

  • Chỉ thêm dòng giới thiệu nếu cần thiết để truyền đạt các đặc điểm chính về ứng dụng hoặc trò chơi. Dòng giới thiệu chỉ được chiếm tối đa 20% hình ảnh.
    • Đừng dùng những nội dung thể hiện hoặc ám chỉ hiệu suất trên Google Play, thứ hạng, danh hiệu hoặc giải thưởng, lời chứng thực của người dùng hay giá cả và thông tin khuyến mãi.  Ví dụ: đừng sử dụng những từ như “Tốt nhất”, “Số 1”, “Hàng đầu”, “Mới”, “Chiết khấu”, “Giảm giá” hoặc “Hàng triệu lượt tải xuống”. 
    • Tránh thêm lời kêu gọi hành động dưới mọi hình thức, ví dụ: “Tải xuống ngay”, “Cài đặt ngay”, “Chơi ngay” hoặc “Thử ngay”.
    • Tránh nhồi nhét văn bản có cỡ chữ nhỏ vào ảnh chụp màn hình hoặc dùng những màu nền khiến văn bản khó đọc. Các chi tiết này sẽ không hiển thị được trên nhiều màn hình điện thoại.
  • Tránh sử dụng nội dung hoặc dòng giới thiệu chỉ có giá trị trong một thời gian nhất định và có thể nhanh chóng lỗi thời để bạn không cần phải cập nhật thường xuyên.
    • Nội dung có giới hạn về thời gian (như nội dung cập nhật chỉ dành cho ngày lễ) phải được thay đổi kịp thời.
  • Bản địa hoá văn bản trên nội dung đồ hoạ và thương hiệu của bạn cho phù hợp với từng thị trường và ngôn ngữ.
    • Bạn không cần bản phải địa hóa giao diện người dùng trong trò chơi cho từng thị trường, nhưng bạn phải bản địa hóa mọi lớp phủ văn bản hay dòng giới thiệu được thêm vào.
  • Chỉnh sửa thành phần thừa trong thanh thông báo trước khi gửi. Không hiển thị thông báo hoặc nhà cung cấp dịch vụ. Phải có đủ biểu trưng cho pin, Wi-Fi và dịch vụ di động.

 

  • Sử dụng hình ảnh chất lượng cao và tỷ lệ khung hình phù hợp.
    • Không thêm ảnh chụp màn hình bị mờ, bị méo hoặc bị vỡ nếu đó không phải là một phần có chủ đích trong thương hiệu của bạn. 
    • Không thêm hình ảnh bị kéo giãn hoặc bị nén.
    • Xoay ảnh chụp màn hình một cách thích hợp. Không dùng hình ảnh lộn ngược, bị lệch sang một bên hoặc xiên xẹo để tải lên.
  • Tránh các yếu tố hình ảnh không phù hợp hoặc lặp đi lặp lại, chẳng hạn như:
    • Nhân vật hoặc biểu trưng đã đăng ký nhãn hiệu của bên thứ ba mà bạn chưa được phép sử dụng. 
    • Hình ảnh thiết bị (vì hình ảnh này có thể nhanh chóng lỗi thời hoặc xa lạ với một số người dùng). 
    • Huy hiệu hoặc biểu tượng của Google Play hay cửa hàng bất kỳ nào khác.
  • Thêm văn bản thay thế vào từng ảnh chụp màn hình. Văn bản thay thế có vai trò quan trọng đối với những người dùng trình đọc màn hình không xem được ảnh chụp màn hình bạn đã tải lên. Do đó, việc sử dụng nội dung mô tả bằng văn bản thay thế sẽ giúp tăng đáng kể khả năng xuất hiện của ứng dụng đối với những người dùng công nghệ hỗ trợ. Dưới đây là một số mẹo để viết văn bản thay thế: 

    • Không cần nêu "ảnh" hoặc "hình ảnh"; trình đọc màn hình đã cung cấp thông tin này.

    • Sử dụng ngữ cảnh để xác định phần quan trọng của hình ảnh (tối đa 140 ký tự). Ví dụ: "Màn hình hoàn tất giao dịch".

Video xem trước

Video xem trước là một công cụ hiệu quả để thể hiện các chức năng, giao diện và trải nghiệm trong ứng dụng của bạn cho người dùng tiềm năng nhằm giúp họ khám phá ứng dụng dễ dàng hơn và đưa ra quyết định đúng đắn hơn. Tuy Google Play không yêu cầu bạn phải có video xem trước nhưng đối với trò chơi thì video xem trước đặc biệt hữu ích. Trò chơi của bạn phải có video xem trước thì mới có thể xuất hiện trong một số vị trí nhất định trên Google Play.

Bạn có thể thêm một video xem trước vào trang thông tin trên Cửa hàng Play bằng cách nhập URL của video trên YouTube vào trường "video xem trước".

  • Bạn phải dùng URL của video trên YouTube, không phải URL của danh sách phát hoặc kênh YouTube.
  • Không thêm các thông số khác như mã thời gian trong URL của video trên YouTube. 
  • Sử dụng đường liên kết đầy đủ của video trên YouTube thay vì đường liên kết rút ngắn.
    • Sử dụng: https://www.youtube.com/watch?v=mã-video-của-bạn
    • Không sử dụng: https://youtu.be/mã-video-của-bạn
  • Cung cấp video đã bản địa hóa dành riêng cho người dùng tại từng thị trường trên thế giới.

Phạm vi sử dụng nội dung đồ họa

Video xem trước xuất hiện trước ảnh chụp màn hình tại trang thông tin của ứng dụng trên Cửa hàng Google Play. Người dùng có thể xem video xem trước bằng cách nhấn vào nút phát nằm phủ trên ảnh đầu trang của bạn.

Ngoài ra, video xem trước của bạn có thể xuất hiện trên Google Play theo những cách sau đây:

  • Video xem trước của bạn cũng có thể hiển thị trên cả trang chủ và trang tìm kiếm.
  • Video xem trước có thể tự động phát trên những trang này trong tối đa 30 giây ở chế độ tắt tiếng, tùy thuộc vào thiết bị của người dùng, chế độ cài đặt, tốc độ kết nối mạng và khu vực trên nền tảng hiển thị video đó. Trong trường hợp video không tự động phát, một nút phát sẽ phủ lên ảnh đầu trang.
  • Đối với trò chơi, có một số phần trên Google Play hiển thị các nhóm trò chơi đề xuất ở một định dạng kích thước lớn có video xem trước.

Nguyên tắc về nội dung

Yêu cầu

  • Tắt quảng cáo để video của bạn được hiển thị trên Google Play. Khi người dùng duyệt xem Google Play, chúng tôi muốn họ xem video về ứng dụng của bạn chứ không phải quảng cáo của người khác vì như vậy có thể khiến người dùng hiểu nhầm. Để tắt quảng cáo, bạn cần:
    • Tắt tính năng kiếm tiền trong video hoặc
    • Dùng một video khác không có tính năng kiếm tiền để tải lên, đồng thời cập nhật URL của video đó trong Play Console.
      Lưu ý quan trọng: Nếu video của bạn sử dụng nội dung có bản quyền thì quảng cáo vẫn có thể xuất hiện sau khi bạn tắt tính năng kiếm tiền. Trong trường hợp đó, bạn cần phải sử dụng một video khác (không chứa nội dung có bản quyền đã áp dụng chính sách kiếm tiền sau khi được xác nhận quyền sở hữu).
  • Thiết lập chế độ cài đặt quyền riêng tư cho video là công khai hoặc không công khai. Đừng đặt video ở chế độ riêng tư.
  • Không dùng video có giới hạn về độ tuổi.
  • Đảm bảo video có thể nhúng được trên Google Play.

Rất nên áp dụng

  • Video phải giúp người dùng đặt ra những kỳ vọng đúng mức và thể hiện giá trị của ứng dụng/trò chơi của bạn so với các ứng dụng/trò chơi khác. 
    • Thể hiện trải nghiệm thực tế trong ứng dụng/trò chơi, tập trung vào nội dung và tính năng cốt lõi ngay trong 10 giây đầu tiên của video
    • Đặt mục tiêu rằng ít nhất 80% video phải thể hiện được trải nghiệm người dùng. 
      • Hạn chế các đoạn tiêu đề mở màn, biểu trưng, đoạn phim cắt cảnh, nội dung dựng sẵn hoặc nội dung quảng bá. 
      • Các đoạn phim dựng sẵn, đoạn phim cắt cảnh và thành phần đồ hoạ chỉ nên là phần phụ và có vai trò bổ trợ cho trải nghiệm thực tế trong trò chơi.
    • Giữ cho video ngắn gọn và súc tích vì video chỉ tự động phát 30 giây đầu tiên. Người dùng có thể tiếp tục xem đến hết video khi nhấn vào video đó nhưng chúng tôi khuyên bạn nên dùng video ngắn.
    • Đừng dùng đoạn phim quay cảnh người dùng tương tác với thiết bị (ví dụ: dùng ngón tay nhấn vào thiết bị), trừ trường hợp lối chơi cốt lõi hoặc hoạt động sử dụng ứng dụng diễn ra bên ngoài thiết bị.
    • Đảm bảo video chỉn chu và có chất lượng cao. Video của bạn không cần phải được dựng một cách chuyên nghiệp nhưng nhịp độ, hiệu ứng hình ảnh, hiệu ứng âm thanh/âm nhạc, hiệu ứng chuyển cảnh và văn bản hiển thị đè trên video phải mượt mà và liền mạch.
  • Tạo video theo hướng ngang hoặc dọc. Cả hai hướng đều được hỗ trợ trên trang thông tin trên Cửa hàng Play. 
    • Chọn hướng video phù hợp nhất với trải nghiệm trong ứng dụng.
    • Đừng để các thanh màu đen xuất hiện trên hai cạnh của video dọc. 
  • Cân nhắc sử dụng văn bản để cung cấp ngữ cảnh cho người dùng nếu video bị tắt tiếng (ví dụ: khi tự động phát). Khi sử dụng tính năng sao chép:
    • Đừng dùng những nội dung thể hiện hoặc ám chỉ hiệu suất trên Google Play, thứ hạng, danh hiệu hoặc giải thưởng, lời chứng thực của người dùng hay giá cả và thông tin khuyến mãi. Ví dụ: Đừng dùng những từ như "Tốt nhất", "Số 1", "Hàng đầu", "Mới", "Chiết khấu", "Giảm giá" hoặc "Hàng triệu lượt tải xuống". Có thể cho thấy giải thưởng của Google Play, chẳng hạn như "Tốt nhất trong danh mục".
    • Đừng dùng lời kêu gọi hành động, ví dụ: “Tải xuống ngay”, “Cài đặt ngay”, “Chơi ngay” hoặc “Thử ngay”.
    • Để đảm bảo người dùng dễ dàng đọc được văn bản, hãy dùng phông chữ dễ đọc, cỡ chữ hợp lý và hiện văn bản đủ lâu để người dùng đọc kịp.
  • Tránh sử dụng dòng giới thiệu hoặc nội dung chỉ có giá trị trong một thời gian nhất định và có thể nhanh chóng lỗi thời để bạn không cần phải cập nhật thường xuyên. 
    • Nội dung có giới hạn về thời gian (như nội dung cập nhật chỉ dành cho ngày lễ) phải được thay đổi kịp thời.
  • Hãy bản địa hoá video một cách phù hợp, kể cả giao diện người dùng, dòng giới thiệu và âm thanh.
  • Sử dụng phụ đề cho video xem trước để hỗ trợ những người dùng bị khiếm thính hoặc có thính giác kém, cũng như những người ở trong môi trường ồn ào.

Biểu ngữ trên TV

Bạn cần có nội dung biểu ngữ để phát hành ứng dụng hỗ trợ Android TV. Khi bạn tạo nội dung biểu ngữ, hãy xem nội dung đó giống như biểu tượng ứng dụng dành cho Android TV.

Lưu ý: Nội dung biểu ngữ của ứng dụng sẽ chỉ xuất hiện trên các thiết bị Android TV.

Nguyên tắc về nội dung

Yêu cầu

  • Định dạng ảnh là JPEG hoặc PNG 24 bit (không dùng bản alpha)
  • Kích thước: 1280px x 720px
Hình nổi 360 độ

Để phát hành ứng dụng hỗ trợ Daydream, bạn cần thêm hình nổi 360 độ vào trang thông tin của mình trên Cửa hàng Play.

Khi tạo hình nổi 360 độ, hãy xem hình ảnh đó như hình nền cho ứng dụng của bạn trong Cửa hàng Play trên thiết bị Daydream.

Nguyên tắc về nội dung

Yêu cầu

  • Định dạng ảnh là JPEG hoặc PNG 24 bit (không dùng bản alpha)
  • Kích thước: 4096px x 4096px
  • Âm thanh nổi 360°
  • Kích thước tệp tối đa: 15 MB

 

Thông tin này có hữu ích không?

Chúng tôi có thể cải thiện trang này bằng cách nào?

Bạn cần trợ giúp thêm?

Hãy thử các bước tiếp theo sau:

Tìm kiếm
Xóa nội dung tìm kiếm
Đóng tìm kiếm
Trình đơn chính
1995272206262826843
true
Tìm kiếm trong Trung tâm trợ giúp
true
true
true
true
true
92637
false
false