Thông báo

Vui lòng xem các bài đăng của chúng tôi liên quan đến Nguyên tắc về nội dung phù hợp với nhà quảng cáo trong Trung tâm trợ giúp của YouTube và đăng ký tại đây để nhận thông tin mới nhất về bộ nguyên tắc này. 

Nguyên tắc về nội dung phù hợp với nhà quảng cáo

Để giúp nhà sáng tạo tăng doanh thu, chúng tôi đã đơn giản hoá các lựa chọn về những định dạng quảng cáo xuất hiện trước hoặc sau video của nhà sáng tạo. Chúng tôi đã loại bỏ các lựa chọn riêng lẻ đối với các loại quảng cáo sau đây: trước video, sau video, có thể bỏ qua và không thể bỏ qua. Giờ đây, khi bạn bật quảng cáo cho video mới dạng dài, chúng tôi sẽ chạy các loại quảng cáo sau đây khi thích hợp: trước video, sau video, có thể bỏ qua hoặc không thể bỏ qua. Thay đổi này giúp việc bật tất cả định dạng quảng cáo (một phương pháp hay nhất nên áp dụng) trở thành hoạt động tiêu chuẩn cho tất cả mọi người. Lựa chọn của bạn về quảng cáo trong video không có gì thay đổi. Chúng tôi cũng sẽ giữ nguyên lựa chọn của bạn về quảng cáo trên các video dài hiện có, trừ phi bạn thay đổi chế độ cài đặt tính năng kiếm tiền.
Nếu đang tham gia Chương trình Đối tác YouTube, bạn có thể chia sẻ doanh thu từ quảng cáo. Bài viết này nhằm giúp bạn biết được những video hoặc video ngắn nào trên kênh của mình phù hợp với nhà quảng cáo. Các nhà sáng tạo có thể đọc bài viết này để hiểu rõ bộ câu hỏi trong quy trình tự xác nhận trên YouTube và các quy tắc cụ thể về những nội dung có thể chạy quảng cáo, bị hạn chế chạy quảng cáo và không được chạy quảng cáo, cũng như những nội dung cần phải tắt tính năng kiếm tiền. Các chính sách của chúng tôi áp dụng cho mọi thành phần trong nội dung của bạn (video, video ngắn hoặc sự kiện phát trực tiếp, hình thu nhỏ, tiêu đề, nội dung mô tả và thẻ). Tìm hiểu thêm về các phương pháp hay nhất của chúng tôi.

Tuy hệ thống của chúng tôi không phải lúc nào cũng chính xác nhưng bạn có thể yêu cầu đánh giá thủ công đối với những quyết định của hệ thống tự động.

Ngày 23 tháng 3 năm 2022: Do cuộc chiến tranh ở Ukraina, những nội dung lợi dụng, bác bỏ hoặc dung túng cho cuộc chiến tranh này sẽ không đủ điều kiện tham gia kiếm tiền cho đến khi có thông báo mới. Thông tin cập nhật này nhằm làm rõ và mở rộng (trong một số trường hợp) hướng dẫn của chúng tôi liên quan đến cuộc chiến tranh nêu trên.
Lưu ý: Mọi nội dung tải lên YouTube đều phải tuân thủ cả Nguyên tắc cộng đồngCác chính sách dành cho nhà xuất bản của Google trong AdSense. Nếu nội dung của bạn vi phạm Nguyên tắc cộng đồng, chúng tôi có thể xóa nội dung đó khỏi YouTube. Nếu phát hiện nội dung vi phạm, bạn có thể báo cáo nội dung đó.

Nội dung trong bài viết này

Bạn sẽ thấy các ví dụ về nội dung không phù hợp với quảng cáo, và những nội dung này sẽ dẫn đến trạng thái kiếm tiền là "quảng cáo hạn chế hoặc không có quảng cáo".

Sau đây là danh sách tất cả các chủ đề chính không phù hợp với nhà quảng cáo:

Để tìm hiểu thêm về các thuật ngữ chính được sử dụng trong các nguyên tắc này, hãy xem bảng định nghĩa của chúng tôi.

Xin lưu ý rằng bối cảnh là yếu tố rất quan trọng. Nội dung nghệ thuật như video nhạc có thể chứa những thành phần như ngôn từ không phù hợp, chi tiết đề cập đến việc sử dụng ma tuý nhẹ hoặc các chủ đề tình dục không tục tĩu, nhưng vẫn phù hợp để chạy quảng cáo.

Nếu muốn tìm các thuật ngữ cụ thể trên trang này, bạn có thể mở hết các phần chi tiết về chính sách cùng một lúc. Nhấp vào đây để mở tất cả hướng dẫn.

Ngôn từ không phù hợp

Nội dung chứa ngôn từ thô tục hoặc khiếm nhã ở phần đầu hoặc xuyên suốt phần lớn video có thể không phù hợp để chạy quảng cáo. Nếu ngôn từ thô tục thỉnh thoảng mới xuất hiện (chẳng hạn như trong video nhạc, bản nhạc đệm, nhạc mở đầu/kết thúc video hoặc nhạc phát trong nền), thì có thể video vẫn phù hợp để chạy quảng cáo.

Chi tiết về chính sách
Hướng dẫn về quảng cáo Các lựa chọn trong bộ câu hỏi và thông tin chi tiết

Nội dung này có thể kiếm doanh thu từ quảng cáo

Ngôn từ thô tục viết tắt hoặc được che, hoặc những từ như "khốn nạn" hoặc "khốn kiếp" trong tiêu đề, hình thu nhỏ hoặc video. Ngôn từ thô tục ở mức độ trung bình như "con đĩ", "thằng chó", "đồ khốn" và "mẹ kiếp" được sử dụng thường xuyên trong video. Hầu hết ngôn từ thô tục dùng trong nội dung âm nhạc hoặc video hài độc thoại.

Định nghĩa:
  • "Ngôn từ thô tục được che" dùng để chỉ những lời nói được thay bằng tiếng bíp hoặc bị tắt tiếng và là những từ bị che bằng các thanh màu đen, biểu tượng hoặc văn bản bổ sung trong khâu hậu kỳ.
  • "Ngôn từ thô tục được viết tắt" là những từ viết tắt như CLGT ("cái l*n gì thế"), trong đó cụm từ gốc được viết tắt theo các chữ cái đầu.
Nội dung này có thể bị hạn chế kiếm doanh thu hoặc không kiếm được doanh thu từ quảng cáo

Ngôn từ thô tục ở mức độ mạnh (như từ "đ* m*") xuất hiện trong 7 giây đầu tiên hoặc ngôn từ thô tục ở mức độ trung bình (chẳng hạn như "mẹ kiếp") trong tiêu đề hoặc hình thu nhỏ.

Một số ví dụ về nội dung cũng thuộc danh mục này:
  • Nội dung chủ yếu dùng ngôn từ thô tục trong suốt video (ví dụ như hầu hết các câu đều có ngôn từ thô tục).
  • Ngôn từ thô tục được sử dụng trong tiêu đề hoặc hình thu nhỏ của nội dung âm nhạc hoặc hài độc thoại.
Nội dung này sẽ không kiếm được doanh thu từ quảng cáo

Ngôn từ thô tục ở mức độ mạnh (như từ "đ* m*") xuất hiện trong hình thu nhỏ hoặc tiêu đề.

Một số ví dụ về nội dung cũng thuộc danh mục này:

Để tìm hiểu thêm về các thuật ngữ chính được sử dụng trong các nguyên tắc này, hãy xem bảng định nghĩa của chúng tôi.

Bạo lực

Nội dung tập trung vào cảnh máu me, bạo lực hoặc thương tích mà không có bối cảnh bổ sung hợp lý khi trình chiếu sẽ không phù hợp để chạy quảng cáo. Nếu trình chiếu nội dung bạo lực trong bối cảnh cung cấp tin tức, kiến thức, tư liệu hoặc giá trị nghệ thuật, bạn cần cung cấp bối cảnh bổ sung đó. Ví dụ: Nếu một video cung cấp tin tức đáng tin cậy khi tường thuật về một sự kiện bạo lực trong bối cảnh báo chí, thì video đó có thể đủ điều kiện tham gia kiếm tiền. Nhìn chung, các video cảnh chơi trò chơi có chi tiết bạo lực chưa qua chỉnh sửa vẫn được chấp nhận tham gia quảng cáo. Tuy nhiên, các cảnh quay tập trung vào chi tiết bạo lực vô cớ thì không. Mọi trò chơi (dù có cảnh giống thực tế hay không) đều thuộc phạm vi chi phối của chính sách này.

Chi tiết về chính sách
Hướng dẫn về quảng cáo Các lựa chọn trong bộ câu hỏi và thông tin chi tiết
Nội dung này có thể kiếm doanh thu từ quảng cáo

Cảnh thực thi pháp luật, bao gồm cả những nhiệm vụ mà lực lượng hành pháp thường xuyên thực hiện (chẳng hạn như bắt giữ bằng vũ lực, kiểm soát đám đông, cãi vã với cảnh sát, xâm nhập bằng vũ lực); cảnh bạo lực chưa chỉnh sửa trong trò chơi điện tử xảy ra sau 15 giây đầu tiên; cảnh bạo lực nhẹ có rất ít hình ảnh máu me; video cung cấp kiến thức có hình ảnh thi thể đã che đi hoàn toàn, được làm mờ, chuẩn bị chôn cất hoặc xuất hiện trong các sự kiện lịch sử như chiến tranh.

Một số ví dụ về nội dung cũng thuộc danh mục này:

Nội dung bạo lực nói chung

  • Nội dung dàn dựng mô tả hành vi bạo lực không phản cảm hoặc hành vi bạo lực phản cảm.
    • Nội dung nằm trong một câu chuyện dài hơn, có cảnh gây tổn thương cơ thể (như vết thương do đạn bắn) xuất hiện thoáng qua trong cảnh hành động bạo lực.
    • Trích đoạn cảnh đánh nhau bạo lực từ phim hành động (chẳng hạn như nội dung theo kịch bản), trong đó thương tích nhưng gần như không thể thấy rõ.
    • Cảnh người than khóc vì cái chết trong nội dung theo kịch bản.
  • Nội dung mô tả thương tích không phản cảm.
    • Một nhân vật ngã đập đầu gối mà không chảy máu hoặc chảy máu ít.
    • Hành động cố tình hoặc vô tình lăn xuống đồi hay chạy va vào tường theo kịch bản hoặc khi chơi thể thao.
Trò chơi
  • Nội dung bạo lực trong trò chơi bao gồm:
    • Cảnh quay phản cảm (chẳng hạn như cuộc tấn công đẫm máu vào một người) xuất hiện sau 15 giây đầu video.
    • Nội dung có cảnh bạo lực phi thực tế, hài hước và có thể được chấp nhận với mọi lứa tuổi (ví dụ như trò chơi điện tử phù hợp với gia đình, trong đó mô tả cảnh chạy trốn khỏi quái vật).
    • Cảnh bạo lực đã được che đi, làm mờ hoặc che bằng một cách khác (ví dụ như làm mờ cảnh chặt đầu).
Cái chết và thảm kịch
  • Nội dung lịch sử hoặc nội dung giáo dục có:
    • Cảnh mô tả thi thể không phản cảm.
      • Cảnh vinh danh công khai người đã khuất có hình ảnh thi thể nhưng không phản cảm.
    • Cảnh thi thể phản cảm nhưng đã được che đi hoàn toàn (ví dụ như làm mờ).
  • Nội dung đưa tin về thảm kịch có một hay nhiều người thiệt mạng (không bao gồm các sự kiện nhạy cảm như xả súng hay tấn công khủng bố), trong đó ít xuất hiện hoặc không xuất hiện hành vi bạo lực hay hậu quả của những hành vi đó.
    • Bản tin về các vụ giết người ở khu vực lân cận mà không có hình ảnh phản cảm mô tả thương vong.
  • Nội dung cung cấp kiến thức, nội dung dàn dựng, bản tin báo chí hoặc video nhạc có:
    • Cảnh ngụ ý cái chết hoặc thân thể bị tổn thương nghiêm trọng
    • Hình ảnh thiệt hại nghiêm trọng về tài sản trong đó có thể xuất hiện cảnh chết chóc hoặc thân thể bị tổn thương nghiêm trọng (chẳng hạn như các vụ đánh bom, hoả hoạn, sập nhà, v.v.).
    • Cảnh thi thể chưa được xử lý nằm trong quan tài chưa đậy nắp trong lễ tang công.
Săn bắn
  • Nội dung về săn bắn nhưng không có hình ảnh động vật bị thương hay chịu đựng đau đớn kéo dài gây phản cảm.
    • Video săn bắn không cho thấy rõ khoảnh khắc giết chóc hoặc gây tổn thương và không có cảnh quay tập trung vào cách xử lý con vật đã chết để làm thực phẩm hoặc chiến tích săn bắn.
Cảnh động vật đánh nhau
  • Cảnh động vật tấn công nhau trong thế giới tự nhiên nhưng không phản cảm.
    • Cảnh thú săn đuổi theo con mồi mà không có các chi tiết phản cảm (chẳng hạn như tập trung vào các bộ phận nhuốm máu của con mồi hoặc khoảnh khắc bắt con mồi). Máu có thể xuất hiện thoáng qua nhưng không phải là tâm điểm của nội dung.
Ngược đãi động vật
  • Cảnh động vật phải chịu đau đớn trong quá trình huấn luyện, can thiệp y tế hoặc khi bị di dời.
  • Nội dung đưa tin hoặc thảo luận về hành vi ngược đãi động vật không đi kèm cảnh quay hành vi ngược đãi.
Cảnh bạo lực khi chơi thể thao
  • Cảnh bạo lực trong các môn thể thao đối kháng có sử dụng vũ khí (chẳng hạn như đấu kiếm) bất kể đấu thủ có mặc trang phục bảo hộ hoặc có tuân thủ các biện pháp phòng ngừa an toàn hay không.
  • Cảnh chấn thương không phản cảm trong thể thao hoặc cảnh chấn thương phản cảm có đổ máu trong khi chơi thể thao.
    • Cảnh thi đấu thể thao đối kháng, chẳng hạn như quyền anh, trong bối cảnh chuyên nghiệp như trung tâm thể dục hoặc nhà thi đấu.
  • Cảnh chấn thương không gây phản cảm (chẳng hạn như trật cổ chân) trong khi chơi thể thao.
Cảnh đánh nhau (không bao gồm các môn thể thao đối kháng)
  • Cảnh đánh nhau trong bối cảnh giáo dục mà không có thương tích rõ ràng hay cảnh đánh gục đối phương.
    • Nội dung hướng dẫn về các đòn thế tự vệ.
  • Nội dung mô tả thoáng qua cảnh người đánh nhau mà không có thương tích rõ ràng.
Thi hành pháp luật và ẩu đả tay chân
  • Cảnh tiếp xúc với người thi hành công vụ, trong đó không có hành vi chống đối hay thô lỗ.
    • Cảnh tiếp xúc thông thường với cảnh sát (chẳng hạn như hỏi đường, nhận vé phạt do đỗ xe sai nơi quy định, v.v.).
  • Cảnh tranh cãi lớn tiếng với cảnh sát mà không đụng chạm tay chân hoặc hình ảnh cảnh sát bắt giữ, đột nhập và truy đuổi.
  • Cảnh tiếp xúc với người thi hành công vụ, trong đó có hành vi bạo lực, chống đối hoặc thô lỗ trong bối cảnh cung cấp kiến thức hoặc đưa tin.
    • Nội dung bình luận sử dụng các đoạn video của bản tin về một cuộc biểu tình bạo lực của người dân (ví dụ như cảnh đánh hoặc đè người dân xuống nền đất).
    • Nội dung đưa tin về việc cảnh sát xịt nước vào người dân trong một cuộc bạo loạn.
Chiến tranh và xung đột
  • Nội dung giáo dục có cảnh thảo luận hoặc hình ảnh không phản cảm về chiến tranh và/hoặc xung đột.
    • Nội dung mô tả việc bắn vào các mục tiêu không thấy rõ nhưng không mô tả hoặc không có cảnh chịu đựng đau đớn hoặc thống khổ.
Cảnh bạo lực liên quan đến trẻ vị thành niên
  • Video có cảnh trẻ vị thành niên chơi đối kháng hoặc chiến đấu mà không bị thương hoặc chịu đau đớn.
  • Nội dung âm nhạc về bạo lực giữa trẻ vị thành niên nhưng không có cảnh quay đó hoặc chỉ quay thoáng qua.
Định nghĩa:
  • "Bạo lực ở mức độ nhẹ" dùng để chỉ những tình huống ẩu đả trong nội dung thực tế hoặc những hành vi bạo lực thoáng qua như đấm.
  • "Bạo lực không phản cảm" là những chi tiết mô tả hành vi gây hấn với người khác, chẳng hạn như chỉ ngón tay trong lúc la hét hoặc hành vi bạo lực không tác động đến người khác (chẳng hạn như ném chai lọ vào tường).
Nội dung này có thể bị hạn chế kiếm doanh thu hoặc không kiếm được doanh thu từ quảng cáo

Cảnh thực thi pháp luật phản cảm, chẳng hạn như có thương tích rõ ràng; thi thể có thương tích hoặc vết thương rõ ràng trong bối cảnh cung cấp kiến thức hoặc tài liệu (chẳng hạn như kênh học tập lịch sử); cảnh bạo lực phản cảm của trò chơi điện tử trong hình thu nhỏ hoặc phần đầu nội dung; cảnh quay thô về các cuộc xung đột vũ trang mà không có thương tích; nội dung mô tả những chi tiết phản cảm trong các thảm kịch; nội dung dàn dựng cho thấy thương tích nghiêm trọng và gây sốc.

Một số ví dụ về nội dung cũng thuộc danh mục này:

Nội dung bạo lực nói chung

  • Nội dung bạo lực dàn dựng dẫn đến thương tích nghiêm trọng mà người xem có thể nhìn thấy hậu quả hoặc tác động của nó.
    • Cảnh máu me hoặc đẫm máu có hình ảnh xương gãy rõ ràng.
    • Nội dung video dài dàn dựng có cảnh bạo lực ngắn, cực kỳ phản cảm (chẳng hạn như giết người hàng loạt) hoặc video tổng hợp những cảnh phản cảm như vậy.
    • Nội dung mô tả thảm kịch cực kỳ phản cảm (dưới dạng âm thanh hoặc video).
    • Nội dung mà trong đó có người bị ngạt thở hoặc trải qua sự đau đớn và thống khổ nghiêm trọng, ví dụ như ho không ngừng.
    • Cảnh quay về thảm hoạ cho thấy con người đang chịu tổn hại rõ ràng hoặc phải chịu đau đớn, chẳng hạn như cảm xúc đau khổ tột độ.
  • Cảnh quay thô cho thấy tàn tích của các toà nhà bị phá huỷ sau một sự kiện dữ dội (chẳng hạn như tàn tích của trường học sau một trận cuồng phong) hoặc người bị thương nhẹ (chẳng hạn như trật mắt cá chân hoặc dán băng lên ngón tay).

Nội dung trò chơi

  • Cảnh bạo lực phản cảm của trò chơi điện tử xuất hiện trong hình thu nhỏ hoặc trong 8 đến 15 giây đầu video. 
    • "Cảnh bạo lực phản cảm của trò chơi điện tử" bao gồm các cảnh giết chóc tàn bạo hoặc thương tích nghiêm trọng tập trung vào chất dịch của cơ thể và các phân cảnh như chặt đầu hay chặt chân tay. 

Cái chết và thảm kịch

  • Nội dung đưa tin về thảm kịch có nhiều ca thương vong, có các chi tiết phản cảm hoặc rùng rợn.
    • Phim tài liệu về một vụ giết người gần đây có những từ ngữ mô tả về hoàn cảnh cái chết.

Cảnh đánh nhau (không bao gồm các môn thể thao đối kháng)

  • Cảnh đánh nhau trên đường phố mà không có cảnh hạ gục đối phương hay thương tích rõ ràng trong bối cảnh cung cấp kiến thức.
    • Cảnh đánh nhau trên đường phố gây phản cảm có xuất hiện cảnh thương tích và cảnh đau khổ về mặt tinh thần (ví dụ như gào thét).

Thi hành pháp luật và ẩu đả tay chân

  • Các vụ ẩu đả thô bạo có người thi hành công vụ, thường bao gồm các hành vi vũ lực chống đối người thi hành công vụ hoặc do chính người thi hành công vụ thực hiện.
    • Cảnh đánh người dân thô bạo bằng gậy gây ra thương tích
    • Nhổ nước bọt vào cảnh sát 

Cảnh bạo lực khi chơi thể thao

  • Cảnh chấn thương phản cảm khi chơi thể thao trong một video dài hơn có bối cảnh cụ thể.
    • Nội dung tổng hợp hay nội dung nổi bật có cảnh chấn thương phản cảm nhưng không chỉ tập trung vào những cảnh đó.

Động vật tấn công nhau

  • Cảnh động vật tấn công nhau trong tự nhiên, không phải do con người hoặc động vật mà con người huấn luyện (chẳng hạn như cảnh sư tử hoang dã săn hươu mà không phải cảnh chó được huấn luyện bắt thỏ).
    • Video có tâm điểm là thương tích phản cảm của động vật (ví dụ như máu hoặc xương), xuất hiện kéo dài trong video.

Săn bắn

  • Nội dung săn bắn có hình ảnh phản cảm thoáng qua như động vật bị thương hoặc chịu đau đớn (ví dụ: các bộ phận cơ thể nhuốm máu) xuất hiện trong nội dung.

Chiến tranh và xung đột

  • Cảnh quay thô thực tế, không phản cảm về xung đột vũ trang (chẳng hạn như chiến tranh) không nằm trong bối cảnh cung cấp kiến thức và không có cảnh máu me hay thương tích phản cảm.
Nội dung này sẽ không kiếm được doanh thu từ quảng cáo

Cảnh thi thể phản cảm trong video không nhằm mục đích giáo dục; video cảnh chơi trò chơi có các chủ đề bị cấm (chẳng hạn như tấn công tình dục). Hành động bạo lực cực kỳ phản cảm (bao gồm cả những hành vi liên quan đến việc thực thi pháp luật) và thương tích. Hành vi kích động hoặc tôn vinh bạo lực.

Một số ví dụ về nội dung cũng thuộc danh mục này:

Nội dung bạo lực nói chung

  • Cảnh tập trung vào máu, nội tạng, cảnh tượng đẫm máu, dịch cơ thể (của người hoặc động vật), hiện trường phạm tội hay ảnh tai nạn mà không có hoặc có rất ít bối cảnh.
  • Nội dung trình chiếu hậu quả phản cảm của một hành vi bạo lực, trong đó có hình ảnh cực kỳ gây sốc, bao gồm cả:
    • Hình ảnh máu me hoặc đẫm máu cực kỳ phản cảm (chẳng hạn như các vết thương hở như chân đứt lìa hoặc vết bỏng nặng)
    • Cảnh mô tả sự đau đớn dữ dội (chẳng hạn như cảnh người khóc hoặc ngất xỉu do sự đau đớn cực độ mà vết thương hở gây ra)
  • Nội dung có hình ảnh phản cảm, gây sốc và/hoặc bạo lực, hoặc cảnh kích động hay cổ vũ hành vi bạo lực.

Nội dung trò chơi

  • Nội dung tập trung vào cảnh chơi trò chơi được sản xuất để tạo trải nghiệm gây sốc. Ví dụ: 
    • Tập hợp các nhân vật phụ trong trò chơi (do máy tính điều khiển) để giết hàng loạt.
  • Cảnh bạo lực phản cảm của trò chơi điện tử xuất hiện trong hình thu nhỏ hoặc trong 7 giây đầu video.
    • "Cảnh bạo lực phản cảm của trò chơi điện tử" bao gồm các cảnh thương tích nghiêm trọng (chẳng hạn như cảnh chặt đầu, chặt chân tay) tập trung vào chất dịch của cơ thể và/hoặc các phân cảnh đau đớn dữ dội hoặc kéo dài.
  • Video cảnh chơi trò chơi có hình ảnh bạo lực tình dục.
  • Video cảnh chơi trò chơi có hành vi bạo lực bị kích động do thù hận hoặc hành vi bạo lực nhắm vào các nhóm người được bảo vệ.
  • Video cảnh chơi trò chơi có hình ảnh tra tấn phản cảm.
  • Video cảnh chơi trò chơi có hình ảnh bạo lực phản cảm nhắm vào trẻ vị thành niên.
  • Video cảnh chơi trò chơi có hình ảnh bạo lực phản cảm nhắm vào người thật.

Cái chết và thảm kịch

  • Nội dung xuất hiện cảnh thi thể chưa được xử lý hoặc hình ảnh thương tích cực kỳ phản cảm.
  • Cảnh thi thể chưa được xử lý trong bối cảnh không mang tính giáo dục.
  • Cảnh quay rõ ràng về khoảnh khắc qua đời của một hay nhiều người trong bất kỳ bối cảnh nào.
    • Cảnh tử vong do ngạt thở.
    • Nội dung cho thấy rõ cảnh hành khách và xe ô tô rơi xuống cầu.
  • Cảnh ngụ ý cái chết hoặc thân thể bị tổn thương nghiêm trọng.
    • Hình ảnh thiệt hại nghiêm trọng về tài sản trong đó có thể xuất hiện cảnh chết chóc hoặc thân thể bị tổn thương nghiêm trọng (chẳng hạn như các vụ đánh bom, hoả hoạn, sập nhà, v.v.).
  • Cảnh thi thể phản cảm đã được che đi (ví dụ: làm mờ) trong bối cảnh không cung cấp kiến thức.

Cảnh đánh nhau (không bao gồm các môn thể thao đối kháng)

  • Nội dung có cảnh đánh nhau trên đường phố là trọng tâm và xuyên suốt (ngay cả khi không có thương tích) trong bối cảnh không mang tính giáo dục.

Săn bắn

  • Nội dung về săn bắn tập trung vào hình ảnh phản cảm như động vật bị thương hay chịu đau đớn (chẳng hạn như các bộ phận cơ thể đẫm máu).

Ngược đãi động vật

  • Nội dung trình chiếu hoặc mô tả cảnh ngược đãi động vật (cả về mặt thể xác lẫn tinh thần) hay hành vi đối xử tàn ác với động vật, chẳng hạn như đá.
  • Nội dung cổ vũ hoặc ca ngợi hành động bạo lực đối với động vật, có con người kiểm soát (ví dụ như chọi gà hoặc chọi chó), trong đó có thể xuất hiện hoặc không xuất hiện hình ảnh phản cảm.
  • Cảnh quay động vật phải chịu đau đớn do sự can thiệp của con người, chẳng hạn như cố ý đặt động vật vào tình huống gây hại, bị trói hoặc các tình huống nguy hiểm khác bị coi là gây căng thẳng hoặc không tự nhiên.

Thi hành pháp luật và ẩu đả tay chân

  • Nội dung có tâm điểm là cảnh sát dùng vũ lực trong bối cảnh không cung cấp kiến thức.

Cảnh bạo lực khi chơi thể thao

  • Video thể thao có tâm điểm là hình ảnh thương tích phản cảm.

Chiến tranh và xung đột

  • Nội dung đề cập hoặc hình ảnh phản cảm về các vụ bắn súng, cháy nổ, hành quyết hay đánh bom.
  • Cảnh chiến tranh với hình ảnh mô tả phản cảm về thương tích, tử vong hoặc chịu đau đớn trong bất kỳ bối cảnh nào.

Cảnh bạo lực liên quan đến trẻ vị thành niên

  • Nội dung tập trung mô tả cảnh bạo lực giữa trẻ vị thành niên trong bất kỳ bối cảnh nào hoặc có cảnh thương tích hay người tham gia chịu đau đớn.

Để tìm hiểu thêm về các thuật ngữ chính được sử dụng trong các nguyên tắc này, hãy xem bảng định nghĩa của chúng tôi.

Nội dung người lớn

Nội dung có tiêu đề hoặc hình thu nhỏ mang tính khiêu dâm cao hoặc chủ đề mang tính khiêu dâm cao không phù hợp để chạy quảng cáo. Chúng tôi chấp nhận một số ít trường hợp ngoại lệ đối với video nhạc và video giáo dục giới tính không có hình ảnh phản cảm. Chính sách này bao gồm cả hình ảnh thật và hình ảnh do máy tính tạo. Việc tuyên bố rằng nội dung mang tính khiêu dâm cao chỉ có ý định là gây cười cũng không giúp nội dung đó phù hợp để chạy quảng cáo.

Chi tiết về chính sách
Hướng dẫn về quảng cáo Các lựa chọn trong bộ câu hỏi và thông tin chi tiết
Nội dung này có thể kiếm doanh thu từ quảng cáo

Cảnh lãng mạn hoặc cảnh hôn; nội dung thảo luận về các mối quan hệ lãng mạn hoặc về tình dục mà không đề cập đến việc giao hợp; ảnh khoả thân đã được che đi toàn bộ, không thể nhìn thấy rõ và không nhằm khiêu dâm khán giả; cảnh khoả thân cho con bú trong đó có một đứa trẻ xuất hiện; nội dung giáo dục giới tính không phản cảm; cảnh nhảy múa trong đó cơ thể chuyển động theo nhịp điệu và sử dụng các bộ phận thường mang tính khiêu gợi, nhằm tạo vẻ quyến rũ hoặc hấp dẫn nhưng không khiêu dâm rõ ràng; cảnh nhảy múa khiêu dâm rõ ràng trong một bối cảnh chuyên nghiệp, chẳng hạn như trong video nhạc hoặc video vũ đạo.

Một số ví dụ về nội dung cũng thuộc danh mục này:

Nội dung nhằm thoả mãn tình dục

  • Cảnh lãng mạn không nhằm thỏa mãn tình dục như cảnh âu yếm hoặc cảnh hôn được dàn dựng, ngoài đời thực hoặc trong phim hoạt hình.
    • Cảnh có yếu tố thôi thúc tình dục giữa các nhân vật nhưng không mô tả rõ ràng hoạt động tình dục.
    • Cảnh hôn nhau nằm trong một câu chuyện rộng hơn, có tâm điểm là yếu tố lãng mạn và không nhằm thoả mãn tình dục.
    • Cảnh thoáng qua ngụ ý hoạt động tình dục mà không có hình ảnh bộ phận sinh dục xuất hiện rõ, ví dụ như giường rung lắc, tiếng rên rỉ hay cọ xát cơ thể.
  • Nội dung thảo luận về tình dục trong bối cảnh hài hước/không nhằm thoả mãn tình dục:
    • Lời bài hát hoặc cuộc đối thoại đề cập đến sự đam mê, ham muốn hay khao khát.
    • Nội dung giáo dục giới tính.
    • Nội dung về các bệnh lây qua đường tình dục (STD) và quá trình lây truyền của những bệnh này.
    • Nội dung về trải nghiệm tình dục (chẳng hạn như cách vượt qua cơn đau sau khi quan hệ tình dục) chỉ tập trung vào hoạt động tình dục và không kể về cách cải thiện năng lực tình dục.
    • Hiến tặng tinh trùng.
    • Hình ảnh khoa học mô tả cơ quan sinh sản bằng sơ đồ hoặc hình nộm.
    • Nội dung về khuynh hướng tính dục và/hoặc sự định hình bản dạng giới trong các mối quan hệ.
    • Việc sử dụng những câu đùa và yếu tố ám chỉ tình dục (chẳng hạn như bắt chước các hành động tình dục theo cách hài hước) mà không có từ ngữ tục tĩu hoặc khiêu dâm (chẳng hạn như lời bài hát đề cập đến sự thôi thúc tình dục).
    • Nội dung đề cập đến sự yêu thích thái quá nhưng không có tính tình dục (ví dụ: "Món ăn bạn yêu thích là gì hoặc bạn mê món ăn nào?).

Cảnh nhảy múa

  • Các động tác nhảy gợi cảm, chẳng hạn như xoay người hoặc xoay hông hay eo.
  • Động tác đẩy mông hoặc cọ xát cơ thể.
  • Cảnh trang phục hở hang thoáng qua trong lúc nhảy.
  • Cảnh vuốt ve thoáng qua các bộ phận gợi cảm trên cơ thể.
  • Cảnh tiếp xúc thân thể gần của những người là bạn nhảy của nhau (ví dụ như vùng xương chậu của họ tiếp xúc gần với nhau).
  • Các động tác nhảy bắt chước hoặc mô phỏng các hoạt động tình dục, chẳng hạn như động tác đẩy vùng xương chậu hoặc múa tiếp xúc trên đùi người khác theo cách khiêu dâm, được thể hiện trong một bối cảnh chuyên nghiệp (ví dụ như phòng tập nhảy).
  • Video nhạc có cảnh quay đi quay lại các bộ phận gợi cảm trên cơ thể.

Ảnh khoả thân

  • Ảnh khoả thân đã được che đi và không phải tâm điểm của video, chẳng hạn như cảnh quay có các nhân vật có thể đang khoả thân nhưng không để lộ núm vú, mông hay bộ phận sinh dục (ví dụ: cảnh đó bị làm mờ hoặc bị che bằng hiệu ứng điểm ảnh).
    • Ảnh khoả thân đã được làm mờ của các nhân vật lịch sử mặc trang phục hở hang trong bối cảnh giáo dục.
    • Bộ phận sinh dục được che đi hoàn toàn, không thể thấy rõ và được trình chiếu nhằm các mục đích không liên quan đến tình dục (ví dụ như các thủ thuật y tế).
  • Nội dung mô tả người mặc quần áo hở hang nhưng cách thể hiện không nhằm thoả mãn tình dục, chẳng hạn như việc mặc đồ tắm hai mảnh ở bể bơi.
    • Nội dung đánh giá trang phục tập trung vào hình dáng và chức năng của trang phục đó thay vì liên tục tập trung vào các bộ phận cơ thể bên trong, chẳng hạn như ngực.
    • Nội dung biểu đạt nghệ thuật (như tác phẩm điêu khắc, bản phác hoạ hoặc đồ hoạ do máy tính tạo) có ảnh khoả thân dạng minh hoạ, chẳng hạn như nhân vật trong tác phẩm nghệ thuật cổ điển hoặc ảnh chụp người dân bản địa đóng khố.
    • Trang phục xuyên thấu hoặc mỏng che đi vùng ngực, mông của phụ nữ hoặc phần thân người nam giới trong bối cảnh phù hợp như sàn diễn thời trang, buổi khám sức khoẻ hoặc bãi tắm.
    • Ảnh khoả thân để lộ một phần cơ thể trong các môn thể thao có yêu cầu trang phục cụ thể (ví dụ như môn quyền Anh).
    • Hình ảnh ngực hoặc mông trong trang phục mỏng hoặc được che kín ở mức tối thiểu (ví dụ như khi mặc đồ bơi) không nhằm mục đích thoả mãn tình dục và không phải là tâm điểm của video.
  • Các đồ vật dùng để mô phỏng trọng lượng hoặc hình dáng của bộ phận sinh dục trên cơ thể, ngoại trừ những đồ vật dùng để thoả mãn tình dục.
    • Ngực nhân tạo được người phẫu thuật cắt bỏ ngực hoặc người thuộc cộng đồng người chuyển giới và/hoặc phi nhị giới sử dụng.
    • Thiết bị được cộng đồng người chuyển giới và/hoặc phi nhị giới sử dụng, chẳng hạn như dụng cụ hỗ trợ tiểu đứng hoặc vật độn mềm. 

Cảnh khoả thân cho con bú

  • Cảnh một người phụ nữ cho con bú, trong đó núm vú của cô không được che khuất hoặc xuất hiện rõ.
  • Nội dung minh hoạ cách bóp tia sữa hoặc dùng máy hút sữa, trong đó lộ núm vú và có một đứa trẻ xuất hiện.

Định nghĩa:

  • "Thỏa mãn tình dục" dùng để chỉ mục đích kích thích tình dục người xem.
  • "Từ ngữ ám chỉ tình dục" dùng để chỉ bất kỳ nội dung nào sử dụng một cụm từ gợi đến nội dung tình dục với mục đích đùa vui.
  • "Khiêu dâm" là từ chỉ hình ảnh, âm thanh hoặc từ ngữ ngụ ý nhằm mục đích kích thích tình dục khán giả.
  • "Mức độ phản cảm" là mức độ rõ ràng trong việc thể hiện hoạt động tình dục hoặc ảnh khoả thân để kích thích khán giả.
  • "Cảnh khoả thân cho con bú" là nội dung để lộ ngực và/hoặc núm vú trong bối cảnh cho con bú hoặc tiết sữa. Phải có bối cảnh liên quan đến việc cho con bú, chẳng hạn như một đứa trẻ sắp được cho bú hoặc cảnh chủ động tiết sữa.
Nội dung này có thể bị hạn chế kiếm doanh thu hoặc không kiếm được doanh thu từ quảng cáo

Tác phẩm nghệ thuật cổ điển có hình ảnh giao hợp rõ ràng (chẳng hạn như tranh ảnh về hoạt động tình dục) hoặc có hình thu nhỏ tập trung vào bộ phận sinh dục; nội dung giáo dục giới tính không có tính gợi dục nhưng có chứa cảnh hoạt động tình dục dạng hoạt hình; trò chơi khăm liên quan đến chủ đề tình dục; cảnh nhảy múa tập trung vào trang phục hở hang; hành vi sờ soạng có chủ ý hoặc liên tục tập trung vào các bộ phận gợi cảm trên cơ thể khi nhảy.

Một số ví dụ về nội dung cũng thuộc danh mục này:

Nội dung nhằm thoả mãn tình dục

  • Tiêu đề hoặc hình thu nhỏ có chủ đề khiêu dâm (bao gồm cả các tín hiệu gây hiểu lầm).
    • Video nhạc có hình thu nhỏ hoặc tiêu đề mang chủ đề khiêu dâm (bao gồm cả các tín hiệu gây hiểu lầm).
    • Nội dung mô tả hoặc ám chỉ các hoạt động tình dục (chẳng hạn như nội dung ám chỉ các bộ phận gợi cảm trên cơ thể bằng biểu tượng cảm xúc hoặc hình ảnh).
    • Hình thu nhỏ có thành phần ngụ ý về hoạt động tình dục, được khoanh tròn hoặc làm cách khác để thu hút sự chú ý.
    • Nội dung giới thiệu một người là người bán dâm, chứ không coi người đó là một cá nhân.
    • Hoạt động tình dục (bao gồm cả cảnh ngụ ý hoạt động tình dục).
    • Yếu tố ám chỉ tình dục, chẳng hạn như tiếng rên rỉ hoặc mút tai.
    • Nội dung có hình ảnh đồ chơi hoặc thiết bị tình dục, kể cả khi không có cảnh sử dụng các sản phẩm này. 
  • Cảnh thể hiện hoạt động tình dục không có tính gợi dục trong nội dung mang tính giáo dục, tư liệu hoặc nội dung dàn dựng.
    • Nội dung giải thích về các hoạt động tình dục và lịch sử của những hoạt động này nhằm mục đích giáo dục, chẳng hạn như nội dung có chủ đề y học.
  • Nội dung liên quan đến tình dục, ví dụ như phim tài liệu về ngành tình dục.
  • Nội dung giáo dục và tư liệu có chứa:
    • Nội dung thảo luận về trải nghiệm tình dục thân mật, chẳng hạn như những mẹo mà một người tự đúc kết được khi làm việc trong ngành tình dục hoặc ngôn từ khiêu dâm dùng trong cuộc trò chuyện thân mật.
  • Tiêu đề hoặc hình thu nhỏ có nội dung người lớn trong các tác phẩm nghệ thuật cổ điển.

Cảnh nhảy múa

  • Cảnh đẩy mông hoặc cọ xát cơ thể, tập trung vào trang phục hở hang của vũ công.
  • Những động tác nhảy trong đó một người chộp lấy ngực hoặc mông bạn nhảy của mình, hoặc đặt tay bên dưới trang phục của bạn nhảy.
  • Nội dung phóng to các bộ phận gợi cảm trên cơ thể khi nhảy.

Ảnh khoả thân

  • Nội dung giáo dục hoặc tư liệu có ảnh khỏa thân toàn bộ cơ thể.
    • Nội dung tổng quan về lịch sử hoặc ngành nghề có liên quan đến tình dục hoặc ảnh khoả thân, chẳng hạn như nội dung trình chiếu tác phẩm vẽ tranh trên toàn bộ cơ thể.
  • Tác phẩm nghệ thuật cổ điển có hình ảnh bộ phận sinh dục dễ nhận thấy.

Định nghĩa:

  • "Ảnh khoả thân đã được che đi" là những hình ảnh khoả thân đã được làm mờ hoặc che lại bằng các thanh màu đen hoặc bằng hiệu ứng điểm ảnh.
  • Hoạt động tình dục ngụ ý: Hành vi bắt chước cảnh quan hệ tình dục, chẳng hạn như cọ xát cơ thể.
Nội dung này sẽ không kiếm được doanh thu từ quảng cáo

Nội dung che rất ít, để lộ các bộ phận gợi cảm trên cơ thể hoặc khoả thân toàn bộ; cảnh khoả thân cho con bú mà không có đứa trẻ nào xuất hiện; hoạt động tình dục (kể cả khi được làm mờ hoặc mang tính ngụ ý), nội dung thảo luận về các chủ đề tình dục, chẳng hạn như ái vật, mẹo hay, trải nghiệm; hình thu nhỏ video có nội dung tình dục (bao gồm cả văn bản hoặc đường liên kết); cảnh và cử chỉ khiêu dâm; hình ảnh đồ chơi hoặc thiết bị tình dục; nội dung liên quan đến ngành công nghiệp tình dục và người làm việc trong ngành đó; nội dung tình dục liên quan đến động vật, có hình ảnh bộ phận sinh dục hoặc cảnh giao phối; hành vi bắt chước hoặc mô phỏng động tác hoặc hoạt động tình dục trong các điệu nhảy; các điệu nhảy khiêu dâm nhằm cố ý kích thích tình dục người xem.

Một số ví dụ về nội dung cũng thuộc danh mục này:

Nội dung nhằm thoả mãn tình dục

  • Tiêu đề hoặc hình thu nhỏ có chủ đề khiêu dâm (bao gồm cả các tín hiệu gây hiểu lầm).
    • Nội dung mô tả hoặc ám chỉ các hoạt động tình dục (chẳng hạn như ám chỉ các bộ phận gợi cảm trên cơ thể bằng biểu tượng cảm xúc hoặc hình ảnh).
    • Hình thu nhỏ có thành phần ngụ ý về hoạt động tình dục, được khoanh tròn hoặc thu hút sự chú ý theo cách khác.
    • Tiêu đề gây hiểu lầm cho rằng video có hứa hẹn về nội dung tình dục nhưng lại không chứa nội dung đó (chẳng hạn như video nấu ăn có tiêu đề là "xem phim khiêu dâm").
    • Ảnh khoả thân do máy tính tạo ra trong bối cảnh y khoa.
  • Nội dung có tâm điểm là hoạt động hoặc hành vi tình dục ngụ ý.
    • Video có chủ đề chính ngụ ý rằng một hoạt động tình dục đang diễn ra, chẳng hạn như đồ vật rung lắc, tiếng rên rỉ, v.v.
  • Nội dung mô tả đồ chơi tình dục, thiết bị tình dục hoặc những sản phẩm giúp tăng cường hoạt động tình dục dù không có cảnh sử dụng các sản phẩm này.
    • Thiết bị tình dục vô tình xuất hiện trong video không liên quan đến chủ đề tình dục (chẳng hạn như xuất hiện trong hậu cảnh).
    • Một vật dụng y tế giống với bộ phận sinh dục được nhắc đến trong một cuộc thảo luận.
  • Những cảnh có điệu nhảy khiêu dâm, hành vi sàm sỡ hoặc vuốt ve nhằm khiêu dâm khán giả.
    • Những cảnh ngắn về hoạt động tình dục (bao gồm cả cảnh ngụ ý hoạt động tình dục) trong một câu chuyện rộng hơn.
    • Cảnh có trọng tâm là thể hiện sự thôi thúc tình dục.
  • Yếu tố ám chỉ tình dục thông qua những vật không nhằm thoả mãn tình dục:
    • Đồ vật giống bộ phận sinh dục, chẳng hạn như mô hình con người có bộ phận sinh dục giống thật.
    • Việc sử dụng đồ vật thường ngày (ví dụ như cà tím) hoặc biểu tượng cảm xúc nhằm gợi đến bộ phận sinh dục và khiêu dâm khán giả.
  • Âm thanh, văn bản hoặc cuộc đối thoại khiêu dâm:
    • Nội dung giải trí liên quan đến tình dục như phim khiêu dâm hoặc các dịch vụ tình dục khác (bao gồm cả đường liên kết đến các nền tảng cung cấp nội dung người lớn theo hình thức gói thuê bao có tính phí).
    • Hoạt động tình dục hoặc cảnh mô phỏng hoạt động tình dục phản cảm nhằm làm thoả mãn tình dục.
    • Nội dung mô tả về ái vật (chẳng hạn như video hướng dẫn hoặc hướng dẫn từng bước).
    • Nội dung tập trung vào các vụ bê bối tình dục hoặc rò rỉ nội dung riêng tư, nhạy cảm.
    • Nội dung bắt chước hoặc tái hiện các hoạt động tình dục (chẳng hạn như phim ảnh khiêu dâm).
    • Nội dung quảng bá hành vi mua bán dâm.
    • Nội dung có cảnh thực sự dùng đồ chơi tình dục (hoặc những sản phẩm khác giúp tăng cường hoạt động tình dục).
    • Nội dung có hành vi tình dục gây hiểu lầm hoặc có ảnh khỏa thân.
      • Hình thu nhỏ nhằm mục đích gây hiểu lầm cho người xem bằng cách mô tả các đồ vật hoặc cảnh vật bình thường theo hướng khiêu dâm, đôi khi không liên quan đến chủ đề thực của video.
    • Những cảnh đã được chỉnh sửa nhằm mục đích khiêu dâm.
      • Nội dung tổng hợp các hành vi nhằm thoả mãn tình dục, chẳng hạn như vuốt ve hoặc cọ xát cơ thể.
      • Tiêu đề nhằm thoả mãn tình dục (chẳng hạn như "Buổi làm tình nóng bỏng").
    • Nội dung có cảnh động vật giao phối:
      • Video có cảnh giao phối tập trung vào bộ phận sinh dục.
      • Nội dung có hình ảnh bộ phận sinh dục hoặc cảnh giao phối của động vật nhằm mục đích thoả mãn tình dục.
  • Nội dung thảo luận về trải nghiệm tình dục riêng tư, chẳng hạn như thủ dâm, cảm giác cực khoái, giao hợp, mẹo hoặc các hoạt động tình dục khác. Nội dung này có thể bao gồm những yếu tố ám chỉ tình dục hoặc văn bản hay âm thanh khiêu dâm, tục tĩu, chẳng hạn như các cuộc trò chuyện chi tiết về tình dục.
    • Nội dung thảo luận rõ ràng về các mẹo hoặc cách quan hệ tình dục.
    • Tuyển tập âm thanh hoặc tiếng động của hoạt động tình dục nhưng không có hình ảnh hoặc cảnh quay hoạt động này (chẳng hạn như tiếng mút và liếm tai).
    • Nội dung mô tả các hoạt động tình dục nhằm kích thích tình dục người xem.
    • Nội dung nhắc đến ái vật, kể cả khi không mô tả rõ ràng.
    • Tiêu đề hoặc hình thu nhỏ nhắc đến nội dung người lớn, ví dụ như 18+, 21+, "chỉ dành cho người lớn", "phim khiêu dâm", v.v., trừ phi nội dung có bối cảnh mang tính giáo dục hoặc tư liệu.
    • Văn bản có biểu tượng cảm xúc tượng trưng cho các bộ phận gợi cảm trên cơ thể người hoặc hoạt động tình dục nhằm làm thoả mãn người xem.
  • Trò chơi điện tử khiêu dâm dành cho người lớn hoặc dùng các nhân vật trong trò chơi điện tử để khiêu dâm nhằm làm thoả mãn khán giả.

Cảnh nhảy múa

  • Những động tác đẩy hông tới trong đó một người đẩy mạnh bộ phận sinh dục của mình vào vùng sinh dục của bạn nhảy.
  • Động tác giạng chân hoặc mở rộng hai chân về phía bạn nhảy như thể đang thực hiện hoạt động tình dục.
  • Video có cảnh múa tiếp xúc trên đùi người khác hoặc múa thoát y, trừ phi được biểu diễn dưới dạng bài nhảy có vũ đạo, video nhạc hoặc trong một bối cảnh chuyên nghiệp.

Ảnh khoả thân

  • Ảnh khoả thân đã làm mờ hoặc che đi các bộ phận gợi cảm trên cơ thể nhưng vẫn nhận ra được.
    • Cảnh người khỏa thân có dán hình ngôi sao hoặc làm mờ, nhưng vẫn nhận dạng được qua hình bóng của cơ thể.
  • Nội dung mô tả cảnh khoả thân kéo dài (cảnh phim hoạt hình, cảnh ngoài đời thực hay được dàn dựng).
    • Nội dung tập trung vào hoặc liên tục xuất hiện hình ảnh ngực hoặc bộ phận sinh dục (chẳng hạn như nội dung có cảnh bộ phận sinh dục của một người "phồng lên" bên trong đồ lót hoặc đồ bơi).
  • Cảnh mô tả các bộ phận gợi cảm trên cơ thể như cảnh quay lặp lại hoặc tập trung vào phần hở ngực hoặc phần phồng lên trên quần nam giới nhằm khiêu dâm khán giả.
    • Nội dung tổng hợp các đường nét của bộ phận sinh dục đang cương cứng dễ nhận ra.
    • Nội dung thường xuyên có cảnh các bộ phận gợi cảm trên cơ thể (ví dụ: ngực, khe ngực, mông, v.v.) được che ở mức tối thiểu (như khi mặc quần lót lọt khe).
  • Cảnh khoả thân ngoài đời thực hay cảnh phim hoạt hình, chẳng hạn như để lộ toàn bộ các bộ phận gợi cảm trên cơ thể hay hoạt động tình dục. 
  • Ảnh trẻ em khoả thân
    • Nội dung cho thấy rõ ràng bộ phận sinh dục, chẳng hạn như khi thay tã hoặc trẻ em khoả thân trong khi bơi.

Cảnh khoả thân cho con bú

  • Nội dung giáo dục về cách sử dụng máy hút sữa, trong đó để lộ núm vú nhưng không có đứa trẻ nào xuất hiện.
  • Video hướng dẫn cách bóp tia sữa, trong đó để lộ núm vú nhưng không có đứa trẻ nào xuất hiện.
  • Nội dung ghi lại cảnh một người phụ nữ đang tiết sữa vào một chiếc cốc mà không có đứa trẻ nào xuất hiện.

Để tìm hiểu thêm về các thuật ngữ chính được sử dụng trong các nguyên tắc này, hãy xem bảng định nghĩa của chúng tôi.

Nội dung gây sốc

Nội dung có thể khiến người xem đau buồn, ghê sợ hoặc bị sốc có thể không phù hợp để chạy quảng cáo. Video có những thành phần gây sốc chưa được che đi có thể vẫn phù hợp để chạy quảng cáo, nhưng yếu tố bối cảnh đóng vai trò quan trọng.

Chi tiết về chính sách
Hướng dẫn về quảng cáo Các lựa chọn trong bộ câu hỏi và thông tin chi tiết
Nội dung này có thể kiếm doanh thu từ quảng cáo

Nội dung gây sốc ở mức độ nhẹ hoặc trung bình, đã được che đi hoặc xuất hiện trong bối cảnh nhằm cung cấp kiến thức, tư liệu hoặc vì mục đích khác.

Một số ví dụ về nội dung cũng thuộc danh mục này:

Cảnh có các bộ phận cơ thể, chất dịch, chất thải

  • Cảnh có các bộ phận trên cơ thể, chất dịch hoặc chất thải nhưng là nội dung dành cho trẻ em hoặc được trình bày trong bối cảnh nhằm cung cấp kiến thức, tư liệu, phục vụ khoa học hay nghệ thuật và không vì mục đích gây sốc.
  • Cảnh có các bộ phận cơ thể, chất dịch hoặc chất thải được dàn dựng không mang ý định gây sốc mà chủ yếu là để giải trí (chẳng hạn như ảo thuật) và phải có bối cảnh rõ ràng.

Thủ thuật y tế và thẩm mỹ

  • Thủ thuật y tế hoặc thẩm mỹ nhằm cung cấp kiến thức, trong đó nội dung tập trung vào chính thủ thuật đó chứ không phải chất dịch, chất thải hoặc các bộ phận cơ thể.
    • Các thủ thuật xăm, xỏ khuyên hoặc tiêm botox có rất ít hình ảnh máu me.
  • Hình ảnh bộ phận cơ thể, chất dịch hoặc chất thải trong thủ thuật y tế hoặc thẩm mỹ đã được che đi hoặc xuất hiện thoáng qua.
  • Video quay cảnh sinh sản của con người hoặc động vật nhằm cung cấp kiến thức cho người xem và không tập trung quá đà vào các bộ phận cơ thể, chất dịch hoặc chất thải.

Tai nạn và thương tích

  • Cảnh tai nạn không có chấn thương lộ rõ (ví dụ như chấn thương phần mềm, vết thương chảy máu).
  • Cảnh tai nạn không gây đau buồn thực sự vì tác động của tai nạn đó chỉ xuất hiện một cách vừa phải (chẳng hạn như ngã khỏi xe gắn máy).
  • Tai nạn mà nạn nhân không chịu đau đớn hoặc chịu ảnh hưởng của tai nạn (không có biểu hiện gào khóc hoặc la hét).
  • Cảnh tai nạn không cần phải chăm sóc y tế lâu dài.
  • Cảnh tai nạn và chấn thương xuất hiện trong bối cảnh đưa tin, cung cấp tài liệu hoặc phục vụ nghệ thuật (ví dụ như trong phim hoặc video nhạc).

Cảnh sơ chế và ăn thịt động vật

  • Cảnh sơ chế các bộ phận động vật mà không gây kích động.
    • Cảnh có thịt, cá ở trạng thái tươi sống hoặc đã chế biến xong, ví dụ như hướng dẫn kỹ năng nấu ăn hoặc sơ chế.
  • Cảnh ăn hoặc sơ chế thực phẩm từ động vật gây kích động nhưng không mô tả các bộ phận của động vật.
    • Cảnh ăn hải sản sống hoặc vẫn còn cử động rõ ràng trong nhà hàng.
    • Cảnh ăn thức ăn chế biến sẵn (ví dụ như tôm) trong video "mukbang" hoặc video ASMR.
  • Nội dung có hình ảnh thoáng qua cho thấy các bộ phận của động vật với các đặc điểm rõ ràng trên mặt (không bao gồm cá, động vật thân mềm hoặc động vật giáp xác được phép làm tâm điểm của video).

Định nghĩa

  • "Ý định gây sốc" dùng để chỉ mục đích gây sốc của video, được xác định dựa trên bối cảnh và trọng tâm của video.
  • "Tai nạn" là những sự cố thường dẫn đến tổn thương hoặc chấn thương, bao gồm những trường hợp chấn thương có thể không lộ rõ (chẳng hạn như tai nạn xe cộ).
  • "Lộ rõ" dùng để chỉ sự xuất hiện rõ ràng của các bộ phận trên cơ thể, chất dịch hoặc chất thải (chẳng hạn như mô hoặc máu).
  • "Đau buồn" là cảm xúc bất an hoặc bất ngờ phát sinh từ việc nhìn thấy hoặc ngầm suy đoán ra được một tác động tiêu cực hoặc chấn thương.
  • "Đau khổ" là sự bày tỏ nỗi đau đớn hoặc bất tỉnh của con người mà người khác có thể nghe thấy, nhìn thấy hoặc nhận biết được. Trong trường hợp này, thuật ngữ này dùng cho những cá nhân bị vướng vào tai nạn và những cá nhân thực hiện hoặc trải qua thủ thuật y tế hoặc thẩm mỹ (bao gồm cả việc sinh sản).
  • "Không gây kích động" (trong bối cảnh liên quan đến các bộ phận của cơ thể động vật bị lộ ra ngoài hoặc hoạt động ăn thịt động vật/côn trùng) là sự tập trung vào việc dùng thực phẩm mà không khơi dậy sự tò mò về con vật có liên quan. Động vật hoặc sản phẩm được tiêu thụ không nhằm mục đích gây sốc cũng như không có các chi tiết phóng đại và gây phản cảm.
  • "Hành hạ" được dùng để nói đến cách thực hiện tàn bạo hoặc man rợ khi sơ chế hoặc ăn thịt động vật. Ví dụ: bị ném, làm rơi, đem ra làm trò chơi giải trí, bị chọc hoặc bị chặt đầu. Con vật không nhất thiết phải còn sống thì mới xem là bị hành hạ và việc hành hạ có thể được thực hiện bằng các dụng cụ, đồ dùng hoặc bằng tay không.
  • "Bối cảnh chuyên nghiệp" được dùng khi nội dung liên quan đến nghề mổ thịt hoặc buôn bán cá và khi nội dung có cảnh mổ và xử lý động vật chết.
  • "Đặc điểm rõ ràng trên mặt" là các đặc điểm trên khuôn mặt giúp khán giả xác nhận rằng con vật đã hoặc vẫn là một sinh vật sống. Các đặc điểm này bao gồm mũi, tai, miệng, mắt, v.v.
Nội dung này có thể bị hạn chế kiếm doanh thu hoặc không kiếm được doanh thu từ quảng cáo

Nội dung gây sốc, như hình ảnh phản cảm về các bộ phận trên cơ thể người hoặc động vật, chưa được che đi hoặc nhằm gây sốc nhưng vẫn cung cấp bối cảnh chung.

Một số ví dụ về nội dung cũng thuộc danh mục này:

Cảnh có các bộ phận cơ thể, chất dịch, chất thải

  • Cảnh tập trung vào các bộ phận trên cơ thể, chất dịch hoặc chất thải với ý định gây sốc.
  • Cảnh dàn dựng tập trung vào những chi tiết gây rùng rợn và đẫm máu của các bộ phận cơ thể, chất dịch hoặc chất thải.
    • Cảnh phẫu thuật đẫm máu trong nội dung có kịch bản.

Thủ thuật y tế và thẩm mỹ

  • Nội dung nghệ thuật hoặc nhằm cung cấp kiến thức có cảnh thủ thuật y tế hoặc thẩm mỹ, chưa qua kiểm duyệt, tập trung vào việc trình chiếu chi tiết các bộ phận cơ thể, chất dịch hoặc chất thải nhưng các chi tiết này không phải là trọng tâm của video.
    • Nội dung tập trung vào cuộc giải phẫu chưa qua kiểm duyệt, có thể nhìn thấy các cơ quan trong cơ thể nhưng không nhất thiết là chủ đề duy nhất của video.
    • Chuyên gia y tế trình bày cách loại bỏ ráy tai hoặc nặn mụn kèm theo lời giải thích về tình trạng này.

Tai nạn và thương tích

  • Cảnh tai nạn trong đó có khoảnh khắc tác động mạnh đến mức có thể gây đau buồn.
  • Cảnh tai nạn mà không nhìn thấy vết thương (ví dụ như thấy chảy máu trên quần áo hoặc trên xe) và không thể nhận thấy sự đau đớn của nạn nhân.
  • Cảnh ô tô va chạm mạnh mà không cho thấy hình ảnh nạn nhân chịu đau đớn.

Cảnh sơ chế và ăn thịt động vật

  • Nội dung ASMR quay cảnh ăn thịt động vật hoặc nội dung "mukbang" có tính chất giật gân, trong đó có các bộ phận động vật chưa được sơ chế hoặc cảnh ăn các bộ phận này theo cách tàn bạo hoặc phóng đại.
  • Cảnh tập trung vào các bộ phận lộ rõ, dễ nhận thấy của một sinh vật (chẳng hạn video nấu ăn có cảnh tập trung vào mắt của động vật).
  • Nội dung có các bộ phận của động vật bị lột da với các chi tiết rùng rợn và đẫm máu nhưng không có cảnh hành hạ rõ ràng (ví dụ như tập trung vào gân và thịt rỉ máu trong khi sơ chế các bộ phận của động vật).
Nội dung này sẽ không kiếm được doanh thu từ quảng cáo

Nội dung gây sốc mạnh có mục đích duy nhất là khiến người xem bị sốc. Nhìn chung, nội dung này không có bối cảnh rõ ràng trong khi các chi tiết gây kinh sợ, đẫm máu, gây đau khổ hoặc cảnh hành hạ lại xuất hiện rõ nét.

Một số ví dụ về nội dung cũng thuộc danh mục này:

Cảnh có các bộ phận cơ thể, chất dịch, chất thải

  • Hình ảnh ghê tởm, gây rùng rợn hoặc đẫm máu của các bộ phận cơ thể, chất dịch hoặc chất thải mà không có hoặc có rất ít bối cảnh.
    • Cảnh lấy ráy tai hoặc nặn mụn mà không có lời giải thích rõ ràng về quy trình, trong đó phần lớn nội dung video tập trung vào các bộ phận cơ thể, chất dịch hoặc chất thải, kể cả trong bối cảnh giáo dục.
  • Nội dung được dàn dựng và có các yếu tố gây sốc nhưng có ít bối cảnh, nhằm mục đích duy nhất là gây sốc.

Thủ thuật y tế và thẩm mỹ

  • Cảnh chưa qua kiểm duyệt có các bộ phận cơ thể, chất dịch hoặc chất thải chiếm phần lớn trong một video rùng rợn và đẫm máu, ngay cả khi video có bối cảnh.
    • Các chuyên gia y tế giải thích cách thực hiện một ca mổ cụ thể.
  • Các thủ thuật được trình bày mà không có bối cảnh hoặc bối cảnh gây hiểu lầm, trong đó phần lớn nội dung video có hình ảnh bộ phận cơ thể, chất dịch hoặc chất thải rùng rợn, đẫm máu.

Tai nạn và thương tích

  • Hình ảnh gây đau buồn về các vụ tai nạn và chấn thương nghiêm trọng, lộ rõ các bộ phận trên cơ thể hoặc khiến người xem suy đoán ra được đây là chấn thương nghiêm trọng.
    •  Cảnh chảy máu và mô bị lộ ra ngoài.
  • Tai nạn va chạm cực mạnh mà không có bối cảnh.

Cảnh sơ chế và ăn thịt động vật

  • Cảnh trình bày, sơ chế hoặc ăn động vật sống mà mục đích duy nhất là gây sốc cho người xem, thường được thực hiện theo cách rùng rợn và đẫm máu.
  • Tập trung hoàn toàn vào các đặc điểm rõ ràng trên khuôn mặt hoặc hành hạ động vật rõ ràng mà không có bối cảnh.
  • Mô tả một cách tàn bạo hoặc phản cảm cảnh sơ chế (lột da) hay giết những con vật rõ ràng đang chịu đau đớn.
  • Mô tả cảnh sơ chế động vật còn sống, đang chịu đau đớn để ăn mà không nhằm mục đích cung cấp kiến thức.
  • Nội dung không nhằm mục đích cung cấp kiến thức có cảnh ăn thịt động vật và tập trung vào các đặc điểm rõ ràng trên khuôn mặt.

Để tìm hiểu thêm về các thuật ngữ chính được sử dụng trong các nguyên tắc này, hãy xem bảng định nghĩa của chúng tôi.

Hành động gây hại và nội dung không đáng tin cậy

Nội dung khuyến khích những hành động gây hại hoặc nguy hiểm dẫn đến tổn thương nghiêm trọng về thể chất, cảm xúc hoặc tâm lý đều không phù hợp để chạy quảng cáo.

Chi tiết về chính sách
Hướng dẫn về quảng cáo Các lựa chọn trong bộ câu hỏi và thông tin chi tiết
Nội dung này có thể kiếm doanh thu từ quảng cáo

Nội dung có các trò mạo hiểm hoặc hành động có phần nguy hiểm nhưng được thực hiện trong môi trường chuyên nghiệp, có sự kiểm soát và không có ai bị thương nghiêm trọng. Nội dung đề cập ngắn gọn đến các tổ chức nguy hiểm trong nội dung cung cấp kiến thức hoặc nội dung có kịch bản.

Một số ví dụ về nội dung cũng thuộc danh mục này:

Hành động gây hại hoặc nguy hiểm nói chung

  • Hoạt động có rủi ro nhưng không có thương tích rõ ràng, ví dụ như:
    • Cảnh trình diễn chuyên nghiệp hay những pha thể thao mạo hiểm như bay trong bộ đồ bay.
    • Cảnh quay có hình ảnh người bốc đầu xe hoặc thực hiện parkour trên mặt đất.
    • Cảnh xe tăng tốc hoặc trượt bánh mà không thực hiện các trò nguy hiểm (chẳng hạn như bốc đầu xe hay thả tay khi đang lái) hoặc thường xuyên gây trở ngại cho người đi đường (chẳng hạn như lạng lách giữa các làn xe).

Tuyển tập các pha hành động thất bại

  • Video tuyển tập các pha hành động thất bại không tập trung vào thương tích phản cảm (chẳng hạn như va vào cửa kính). 

Trò chơi khăm và thử thách

  • Trò chơi khăm hoặc thử thách có gây ra sự hoang mang, bối rối hoặc khó chịu nhưng không tiềm ẩn rủi ro hay gây tổn thương dài hạn (ví dụ: thử thách xô nước đá).
  • Nội dung thảo luận hoặc đưa tin về các trò chơi khăm hoặc thử thách gây hại mà không có cảnh quay hoặc âm thanh về thời điểm bị tổn hại (chẳng hạn như bản tin về thử thách liên quan đến lửa mà không có cảnh quay chi tiết về sự việc).
  • Nội dung cung cấp kiến thức, tài liệu hoặc bản tin về những trò chơi khăm hoặc thử thách gây ra cảm xúc thống khổ (chẳng hạn như cảnh ẩu đả tay chân, ngôn từ lăng mạ và sỉ nhục như trong trò chơi khăm "bạn bị sa thải!").

Thông tin sai lệch về y tế và khoa học

  • Nội dung trung lập về các loại vi-rút, bệnh truyền nhiễm và COVID-19 mà không nhằm kích động sự sợ hãi (chẳng hạn như video dành cho trẻ em nói về sự khác biệt giữa vi-rút và vi khuẩn).

Thông tin sai lệch gây hại

  • Nội dung giáo dục hoặc tư liệu, có mục đích giải thích cách các nhóm truyền bá thông tin sai lệch gây hại có thể lôi kéo người khác, nhận được sự chú ý và/hoặc lan truyền thông tin sai lệch.
  • Nội dung giáo dục hoặc tư liệu tập trung vào việc vạch trần những thông tin sai lệch gây hại như Pizzagate, QAnon, StopTheSteal, v.v.
  • Nội dung cung cấp kiến thức hoặc tài liệu nhằm làm rõ các thông tin sai lệch về biến đổi khí hậu.

Thuốc lá và thuốc lá điện tử 

  • Thông báo dịch vụ công cộng về các biện pháp phòng ngừa.
  • Nội dung dàn dựng tập trung mô tả cách sử dụng.
  • Nội dung giáo dục hoặc tư liệu về các ngành liên quan đến thuốc lá điện tử/thuốc lá.

Bia rượu

  • Nội dung có hình ảnh bia rượu hoặc hình ảnh người lớn uống bia rượu mà không cổ vũ hay ca ngợi việc uống bia rượu thiếu trách nhiệm.

Các tổ chức khủng bố nước ngoài

  • Nội dung cung cấp kiến thức, bài báo hoặc video nhạc thảo luận chủ yếu về một vụ tấn công khủng bố.
  • Nội dung cung cấp kiến thức hoặc nội dung dàn dựng có chủ đề chung là các nhóm này, nhưng không có cảnh quay các cuộc tấn công khủng bố.
  • Bản tin báo chí về những tổ chức khủng bố nước ngoài hoặc chủ nghĩa khủng bố nhằm mục đích gây hài.
  • Nội dung cung cấp kiến thức, nội dung dàn dựng, bản tin báo chí hoặc video nhạc có hình ảnh của tổ chức khủng bố nước ngoài nhưng đây không phải là chủ đề chính của nội dung. 

Các tổ chức buôn bán ma tuý

  • Nội dung cung cấp kiến thức, nội dung dàn dựng, bản tin báo chí hoặc video nhạc tập trung vào hoạt động buôn bán ma tuý trên toàn thế giới nói chung.
  • Nội dung cung cấp kiến thức, nội dung dàn dựng, bản tin báo chí hoặc video nhạc mô tả các tổ chức buôn bán ma tuý và các hình ảnh có liên quan, ví dụ như khẩu hiệu.
  • Nội dung cung cấp kiến thức, nội dung dàn dựng, bản tin báo chí hoặc video nhạc có nội dung hài hước lấy chủ đề là các tổ chức buôn bán ma tuý hoặc hoạt động buôn bán ma tuý trên toàn thế giới.
  • Thông báo dịch vụ công cộng về các nhóm liên quan được đề cập trong các bản tin báo chí
  • Bản tin báo chí có cảnh quay các tình huống và hành động bạo lực, chẳng hạn như bắt giữ con tin hoặc thẩm vấn do các tổ chức buôn bán ma tuý thực hiện.

Định nghĩa:

  • "Chấn thương nghiêm trọng" là các chấn thương buộc phải chữa trị bằng các phương pháp y tế chính quy hoặc không thể chữa tại nhà, chẳng hạn như gãy xương, trật khớp có thể nhìn thấy bằng mắt thường hoặc chấn thương gây chảy nhiều máu.
  • Biến đổi thân thể có thể bao gồm xăm mình, xỏ khuyên hoặc phẫu thuật.
  • "Dàn dựng" dùng để chỉ nội dung có kịch bản, ví dụ như phim ảnh hoặc bối cảnh giả tưởng.
Nội dung này có thể bị hạn chế kiếm doanh thu hoặc không kiếm được doanh thu từ quảng cáo

Nội dung có cảnh gây tổn thương cơ thể hoặc gây đau khổ nhưng không tập trung vào đó, bao gồm cả những hành động được thực hiện trong môi trường không chuyên nghiệp và không có sự kiểm soát. Các chủ đề về kẻ cầm đầu một tổ chức nguy hiểm hoặc các thông báo dịch vụ công cộng có liên quan.

Một số ví dụ về nội dung cũng thuộc danh mục này:

Hành động gây hại hoặc nguy hiểm nói chung

  • Cảnh hành động bao gồm các hoạt động có tính rủi ro cao như thực hiện parkour trên tòa nhà cao tầng hoặc cảnh mô tả thương tích nghiêm trọng như ngã do trượt ván.
  • Nội dung giáo dục, tư liệu hoặc bản tin về: 
    • Cảnh hành động gây hại hoặc nguy hiểm có hình ảnh thương tích phản cảm.
    • Cảnh trẻ em tham gia chơi cờ bạc hoặc lái xe cơ giới được thiết kế để người lớn sử dụng. 
  • Cảnh xe tăng tốc hoặc trượt bánh và thực hiện các trò nguy hiểm (chẳng hạn như bốc đầu xe hay thả tay lái) hoặc thường xuyên gây trở ngại cho người đi đường (chẳng hạn như lạng lách giữa các làn xe). 
  • Nội dung cung cấp kiến thức, dàn dựng hoặc video nhạc có cảnh hành động nguy hiểm mà trẻ vị thành niên tham gia hoặc là nạn nhân.

Tuyển tập các cảnh hành động thất bại

  • Nội dung mô tả tập trung vào những khoảnh khắc có hình ảnh chấn thương phản cảm không dẫn đến tử vong hay tình trạng nguy hiểm đến tính mạng (chẳng hạn như tuyển tập video về các vụ đâm xe trên đường).

Trò chơi khăm và thử thách

  • Nội dung giáo dục, tư liệu hoặc bản tin về các trò chơi khăm hoặc thử thách có những chi tiết sau:
    • Sự đe dọa hoặc ủng hộ hành động gây tổn thương thể chất hoặc tâm lý của bản thân hoặc người khác, ví dụ như nằm lên đường ray tàu hỏa. 
    • Những hành động không được bắt chước (như thử thách uống thuốc tẩy) có thể ngay lập tức dẫn đến tình trạng sức khỏe nguy kịch.
  • Trò chơi khăm hoặc thử thách gây ra cảm xúc thống khổ, ví dụ như ẩu đả tay chân, sử dụng ngôn từ lăng mạ hay sỉ nhục. Nội dung này cũng có thể bao gồm yếu tố đe doạ đến tình trạng đời sống của một cá nhân, chẳng hạn như trò đùa sa thải hoặc đe doạ hay kích động tinh thần của người khác trong một mối quan hệ (ví dụ như trò đùa chia tay trong đó một người trở nên kích động về mặt cảm xúc hoặc trò đùa bắt giữ họ hàng, v.v.).
  • Nội dung đùa cợt sử dụng một lượng dịch cơ thể vô lý hay có tình tiết bạo lực phản cảm.
  • Nội dung thách ăn những chất không độc nhưng không dành cho người, chẳng hạn như ăn keo dán hay đồ ăn cho thú cưng. Những thử thách này có thể yêu cầu ăn những chất mà người ăn được nhưng sẽ có hại nếu ăn nhiều, như ớt Carolina Reaper hoặc những chất gây phản ứng nhẹ với cơ thể. 

Thuốc lá và thuốc lá điện tử

  • Nội dung đánh giá hoặc so sánh giữa các sản phẩm thuốc lá (ví dụ: so sánh các loại thuốc lá điện tử hương hoa quả).
  • Nội dung nhắc đến các dịch vụ cai nghiện mang tính giáo dục hoặc tư liệu.

Bia rượu

  • Nội dung cung cấp kiến thức, tư liệu hoặc nội dung dàn dựng có cảnh trẻ vị thành niên uống bia rượu hoặc sản phẩm có nồng độ cồn cao. 

Các tổ chức khủng bố nước ngoài

  • Video hài hước đề cập đến các tổ chức khủng bố nước ngoài hoặc chủ nghĩa khủng bố.
  • Video cung cấp kiến thức, tư liệu hoặc video nhạc có cảnh đề cập đến các tổ chức khủng bố nước ngoài một cách hài hước. 
  • Hình ảnh có liên quan đến các tổ chức khủng bố nước ngoài được chia sẻ nhưng không phải là chủ đề chính hoặc chủ đề của nội dung. 

Các tổ chức buôn bán ma tuý

  • Thông báo dịch vụ công cộng về các tổ chức có liên quan được chia sẻ mà không cung cấp bối cảnh.
  • Nội dung cung cấp kiến thức, tài liệu hoặc thông báo dịch vụ công cộng về các tổ chức buôn bán ma tuý.
    • Nội dung cung cấp kiến thức tập trung chủ yếu vào một số tổ chức buôn bán ma tuý hoặc thủ lĩnh của những tổ chức này.
    • Những nội dung này có thể gồm các cuộc tấn công không phản cảm và hậu quả, các tình huống bắt giữ con tin, v.v.
    • Thông báo dịch vụ công cộng về các tổ chức có liên quan.
    • Các tình huống và hành động bạo lực ví dụ như bắt giữ con tin hoặc thẩm vấn do các tổ chức buôn bán ma tuý thực hiện. 

Định nghĩa:

  • "Phản ứng nhẹ với cơ thể" dùng để chỉ những hiện tượng như nôn khan, ho đến mức nôn oẹ.
Nội dung này sẽ không kiếm được doanh thu từ quảng cáo

Nội dung chủ yếu cho thấy cảnh tai nạn, chủ nghĩa tự thực thi công lý, trò chơi khăm hoặc những hành động nguy hiểm, chẳng hạn như thử nghiệm hoặc pha mạo hiểm có nguy cơ gây hại cho sức khoẻ (chẳng hạn như ăn hoặc uống các chất không ăn được); nội dung thảo luận về các video thịnh hành có chứa loại nội dung này. Nội dung tôn vinh, tuyển mộ hoặc mô tả phản cảm các tổ chức nguy hiểm.

Một số ví dụ về nội dung cũng thuộc danh mục này:

Hành động gây hại hoặc nguy hiểm nói chung

  • Nội dung cổ vũ những hành động gây hại, nguy hiểm hoặc được cho là nguy hiểm.
    • Nội dung có các cảnh và chấn thương gây sốc liên quan đến xe cộ (chẳng hạn như khoảnh khắc va chạm mạnh hay cảnh quay ai đó bất tỉnh trên đường sau khi bị xe tải đâm).
  • Cảnh trẻ em tham gia hoạt động cờ bạc hoặc lái xe cơ giới được thiết kế để người lớn sử dụng.
  • Cảnh hành động nguy hiểm có người tham gia hoặc nạn nhân là trẻ vị thành niên.

Tuyển tập các pha hành động thất bại

  • Tuyển tập các cảnh hành động thất bại bao gồm cả hoạt động dẫn đến tử vong hoặc gây thương tổn nghiêm trọng (không thể cứu vãn hay khiến người thực hiện bị liệt, hôn mê, co giật, v.v.). 

Trò chơi khăm và thử thách

  • Những trò chơi khăm hoặc thử thách không được bắt chước (chẳng hạn như thử thách uống Clo) và có thể ngay lập tức dẫn đến tình trạng sức khoẻ nguy kịch.
  • Trò đùa hoặc thử thách liên quan đến: 
    • Tự tử, cái chết, khủng bố, ví dụ như doạ dẫm bằng bom giả hoặc đe doạ bằng vũ khí giết người.
    • Hành động dâm ô, ví dụ như cưỡng hôn, sàm sỡ, xâm hại tình dục, đặt máy quay lén trong phòng thay đồ.
    • Hành động gây hại đến thể chất hoặc gây thống khổ nhưng video không tập trung vào nỗi thống khổ đó.
    • Việc trẻ vị thành niên phải chịu nỗi thống khổ tinh thần kéo dài, ví dụ như trò đùa diễn ra trong một khoảng thời gian dài khiến trẻ sinh ra tâm lý sợ hãi hoặc bất ổn. Mục này có thể tính cả những trò lừa trẻ em rằng cha mẹ của trẻ đã mất.
    • Nội dung đe doạ hoặc ủng hộ hành động làm tổn thương thể chất hoặc tinh thần của bản thân hoặc người khác, ví dụ như nằm giữa đường ray xe lửa.
    • Nội dung liên quan đến COVID-19, cổ vũ các hoạt động nguy hiểm như cố tình phơi nhiễm với vi-rút này hoặc kích động sự hoảng loạn (ví dụ: phong trào phản đối cách ly hay giả vờ làm người có kết quả xét nghiệm dương tính trong khi ở nơi công cộng).
    • Việc khuyến khích sử dụng vũ khí để làm hại người khác.
    • Nội dung cho thấy cảnh tiêu thụ một lượng chất nhất định dẫn đến phản ứng sốc của cơ thể và trông phản cảm, ví dụ như nôn mửa sau khi ăn ớt ma.
    • Những thử thách mà nếu bị bắt chước có thể dẫn đến hậu hoạ nghiêm trọng như thử thách đốt lửa hay bịt mắt.
    • Nội dung khuyến khích các hoạt động gian lận hoặc bất hợp pháp (chẳng hạn như xâm nhập và đột nhập).

Thông tin sai lệch về y tế và khoa học

  • Ủng hộ các tuyên bố hoặc phương pháp có hại liên quan đến sức khoẻ hoặc y tế:
    • Phủ nhận sự tồn tại của một số căn bệnh mạn tính ví dụ như HIV.
    • Video khuyến khích hoặc hướng dẫn các phương pháp điều trị chưa được khoa học chứng minh cho một số bệnh (ví dụ như chữa ung thư bằng chế độ ăn uống).
    • Lan truyền những thông tin sai lệch phủ nhận các thông tin có bằng chứng xác thực về y tế và khoa học, chẳng hạn như cổ xuý việc tẩy chay vắc-xin.
    • Nội dung truyền bá hoặc dung túng các chương trình hay dịch vụ trị liệu để chữa trị đồng tính.
  • Truyền bá hoặc ủng hộ thông tin sai lệch gây hại liên quan đến COVID-19:
    • Nội dung can ngăn việc tiêm vắc-xin COVID-19.
    • Nội dung chứa tuyên bố sai sự thật hoặc gây hiểu lầm về hiệu quả của vắc-xin hoặc việc phân phối vắc-xin. Nội dung này có thể bao gồm:
      • Nội dung tuyên bố rằng vắc-xin sẽ gây vô sinh. 
      • Nội dung tuyên bố rằng vắc-xin có chứa vi mạch. 
      • Nội dung tuyên bố rằng vắc-xin có thể được dùng để an tử cho một bộ phận dân số.
    • Nội dung tuyên bố rằng khẩu trang hoặc việc giữ khoảng cách tiếp xúc xã hội không giảm thiểu việc mắc bệnh hoặc lây lan COVID-19.
    • Nội dung tuyên bố không căn cứ vào các thông tin y tế và khoa học có bằng chứng xác thực về sự lây lan của COVID-19 (ví dụ như COVID-19 lây lan qua tín hiệu không dây 5G).
    • Video khuyến khích hoặc hướng dẫn các phương pháp điều trị COVID-19 chưa được khoa học chứng minh (ví dụ như tiêm Hydroxychloroquine).

Thông tin sai lệch gây hại

  • Đưa ra những tuyên bố sai lệch rõ ràng và có thể làm giảm đáng kể lòng tin hay mức độ tham gia vào quá trình bầu cử hoặc quy trình dân chủ.
    • Thông tin sai lệch rõ ràng về thủ tục bỏ phiếu công khai, tiêu chí để trở thành ứng cử viên chính trị dựa trên độ tuổi hoặc nơi sinh, kết quả bầu cử hoặc việc tham gia điều tra dân số mâu thuẫn với các hồ sơ chính thức của chính phủ.
  • Nội dung quảng bá thông tin sai lệch và gây hại (chẳng hạn như Pizzagate, QAnon, StopTheSteal).
  • Nội dung ủng hộ các nhóm truyền bá thông tin sai lệch và gây hại.
  • Nội dung trái ngược với các quan điểm khoa học chính thống về sự tồn tại và nguyên nhân của biến đổi khí hậu.

Thuốc lá và thuốc lá điện tử 

  • Nội dung quảng bá thuốc lá, các sản phẩm liên quan đến thuốc lá và việc tiêu thụ những sản phẩm này.
  • Cảnh quay có trẻ vị thành niên sử dụng sản phẩm thuốc lá/thuốc lá điện tử.
  • Nội dung tạo điều kiện cho việc bán các sản phẩm thuốc lá/thuốc lá điện tử.
  • Nội dung có cảnh sử dụng các sản phẩm thuốc lá/thuốc lá điện tử không theo hướng dẫn của nhà sản xuất (chẳng hạn như uống tinh dầu thuốc lá điện tử). 

Bia rượu

  • Nội dung mô tả trẻ vị thành niên uống bia rượu, ngay cả khi đây không phải là chủ đề chính của video. 
  • Nội dung quảng bá việc tiêu thụ đồ uống có cồn đến trẻ vị thành niên.

Các tổ chức khủng bố nước ngoài

  • Video không cung cấp kiến thức tập trung vào các tổ chức khủng bố nước ngoài hoặc tập trung vào chủ nghĩa khủng bố, chẳng hạn như: 
    • Nội dung thảo luận lấy chủ đề trọng tâm là một vụ tấn công khủng bố.
    • Nội dung có tên hoặc hình ảnh liên quan của nhóm khủng bố/thủ lĩnh nhóm khủng bố (chẳng hạn như trong hình thu nhỏ).
  • Nội dung có hình ảnh phản cảm, gây sốc và/hoặc bạo lực, hoặc cảnh kích động hay cổ vũ hành vi bạo lực.
  • Nội dung do các nhóm khủng bố tạo ra hoặc nhằm ủng hộ cho các nhóm này.
  • Nội dung ca ngợi hoặc phủ nhận các cuộc tấn công khủng bố.

Các tổ chức buôn bán ma tuý

  • Video không cung cấp kiến thức tập trung vào một số tổ chức buôn bán ma tuý, thủ lĩnh của các tổ chức này hoặc hoạt động buôn bán ma tuý trên thế giới.
    • Video có cuộc thảo luận ngẫu nhiên, không chủ ý về chủ đề này được coi là "không cung cấp kiến thức" vì video không có thông báo rõ ràng về ý định giải thích chủ đề này.
  • Nội dung không cung cấp kiến thức mô tả những hình ảnh có liên quan đến các tổ chức buôn bán ma túy, chẳng hạn như cờ, khẩu hiệu, biểu ngữ, v.v.
  • Nội dung tuyển mộ thành viên nhóm.
  • Nội dung âm nhạc liên quan đến "chất gây nghiện" hoặc ca ngợi hay quảng bá các tổ chức buôn bán ma tuý.
  • Các tình huống và hành động bạo lực như bắt giữ con tin hoặc thẩm vấn do các tổ chức buôn bán ma tuý thực hiện.
  • Nội dung hài hước có chủ đề về các tổ chức buôn bán ma tuý hoặc hoạt động buôn bán ma tuý trên toàn thế giới.

Để tìm hiểu thêm về các thuật ngữ chính được sử dụng trong các nguyên tắc này, hãy xem bảng định nghĩa của chúng tôi.

Nội dung gây hận thù và xúc phạm

Nội dung kích động hận thù, khuyến khích sự phân biệt đối xử, chê bai hoặc sỉ nhục một cá nhân hay một nhóm người đều không phù hợp để chạy quảng cáo. Chính sách này có thể cho phép nội dung châm biếm hoặc hài hước. Việc tuyên bố rằng bạn chỉ có ý định gây cười là chưa đủ và nội dung đó có thể vẫn không phù hợp để chạy quảng cáo.

Chi tiết về chính sách
Hướng dẫn về quảng cáo Các lựa chọn trong bộ câu hỏi và thông tin chi tiết
Nội dung này có thể kiếm doanh thu từ quảng cáo

Nội dung đề cập đến nhóm người được bảo vệ hoặc phê bình ý kiến hay hành động của một cá nhân theo cách không gây tổn thương.

Một số ví dụ về nội dung cũng thuộc danh mục này:

  • Nội dung tin tức mô tả một nhóm người được bảo vệ hoặc đưa tin về sự phân biệt đối xử mà nhóm người này có thể phải đối diện theo cách không mang ý hận thù (ví dụ: bản tin thời sự về tình trạng kỳ thị người đồng tính).
  • Nội dung trào phúng để phê phán hoặc ám chỉ sự chế nhạo, hạ nhục hay các bình luận miệt thị khác đối với nhóm người được bảo vệ.
  • Nội dung tranh luận công khai về nhóm người được bảo vệ nhưng không kích động hận thù và xung đột bạo lực đối với họ.
  • Nội dung nghệ thuật sử dụng thuật ngữ hay biểu tượng nhạy cảm nhưng không gây hận thù, ví dụ như các video nhạc đại chúng.
  • Nội dung cung cấp kiến thức hoặc tài liệu:
    • Lời lẽ phân biệt chủng tộc hoặc từ ngữ xúc phạm đã qua kiểm duyệt nhằm cung cấp kiến thức cho khán giả (chẳng hạn như từ "mọi đ*n").
    • Nội dung có tâm điểm là hình ảnh gây hận thù.
  • Nội dung phê bình quan điểm, ý kiến hay hành động của một cá nhân hoặc nhóm người mà không có ý định gây bức xúc hay hạ thấp phẩm giá.

Định nghĩa:

"Nhóm được bảo vệ" là các nhóm có những đặc điểm dưới đây. Việc kích động hận thù, cổ vũ việc phân biệt đối xử, miệt thị hoặc hạ nhục một cá nhân hay nhóm người dựa trên các đặc điểm bên dưới là hành vi không phù hợp với nhà quảng cáo.

  • Chủng tộc
  • Dân tộc hoặc nguồn gốc dân tộc
  • Quốc tịch
  • Tôn giáo
  • Tình trạng khuyết tật
  • Độ tuổi
  • Tình trạng cựu chiến binh
  • Xu hướng tính dục
  • Bản dạng giới
  • Bất kỳ đặc điểm nào khác có mối liên hệ với tình trạng phân biệt đối xử hoặc kỳ thị có hệ thống.
Nội dung này có thể bị hạn chế kiếm doanh thu hoặc không kiếm được doanh thu từ quảng cáo

Nội dung có thể xúc phạm cá nhân hoặc nhóm người nhưng dùng cho mục đích cung cấp kiến thức, đưa tin hoặc làm phim tài liệu.

Một số ví dụ về nội dung cũng thuộc danh mục này:

  • Bài phát biểu hoặc tranh luận chính trị có thể chứa ngôn từ gây phản cảm nhưng là nhằm cung cấp kiến thức, chẳng hạn như một cuộc tranh luận chính trị về quyền của người chuyển giới.
  • Nội dung cung cấp kiến thức:
    • Lời lẽ phân biệt chủng tộc hoặc từ ngữ xúc phạm chưa qua kiểm duyệt nhằm cung cấp kiến thức cho khán giả (chẳng hạn như từ miệt thị người da đen chưa qua kiểm duyệt hoặc được viết đầy đủ).
    • Nội dung có cảnh quay thô về một người đang thực hiện các hành động dưới đây nhưng không tôn vinh hay cổ vũ rõ ràng những hành động đó:
      • Tập trung vào việc xúc phạm hoặc hạ nhục một cá nhân hoặc nhóm người.
      • Chỉ đích danh một người nào đó để lăng mạ hoặc quấy rối.
      • Phủ nhận các sự việc bi thảm đã xảy ra và che đậy sự việc.
      • Phỉ báng và công kích cá nhân một cách ác ý.
Nội dung này sẽ không kiếm được doanh thu từ quảng cáo

Nội dung gây hận thù hoặc quấy rối cá nhân hay nhóm người.

Một số ví dụ về nội dung cũng thuộc danh mục này:

  • Tuyên bố có mục đích miệt thị một nhóm người được bảo vệ hoặc ám chỉ/khẳng định sự thấp kém của nhóm người này, chẳng hạn như câu "tất cả những người ở quốc gia này đều đáng ghê tởm".
  • Nội dung không cung cấp kiến thức có lời lẽ phân biệt chủng tộc hoặc từ ngữ xúc phạm.
  • Nội dung quảng bá, biểu dương hoặc dung túng hành vi bạo lực đối với người khác.
    • Nội dung kích động việc phân biệt đối xử các nhóm được bảo vệ, chẳng hạn như nói "bạn nên ghét tất cả người khuyết tật ở quốc gia này".
  • Nội dung cổ xuý các nhóm thù ghét, biểu tượng thù ghét hoặc đồ dùng của nhóm thù ghét.
  • Nội dung xúc phạm hoặc hạ nhục ác ý một cá nhân hoặc nhóm người.
  • Nội dung chỉ đích danh một cá nhân hoặc nhóm người để lăng mạ hoặc quấy rối.
  • Nội dung phủ nhận các sự kiện bi thảm đã xảy ra, coi nạn nhân hoặc người sống sót là tác nhân gây ra khủng hoảng hoặc tôn vinh các sự kiện bi thảm.
  • Công kích cá nhân một cách ác ý, vu khống và phỉ báng.
  • Nội dung khắc hoạ tư tưởng hoặc niềm tin theo cách ác ý, chẳng hạn như đánh đồng hoặc miệt thị.
    • Nội dung mô tả tiêu cực các cá nhân, nhóm người, hệ tư tưởng hoặc niềm tin, chẳng hạn như nói "tất cả người theo chủ nghĩa nữ quyền đều bệnh hoạn".

Để tìm hiểu thêm về các thuật ngữ chính được sử dụng trong các nguyên tắc này, hãy xem bảng định nghĩa của chúng tôi.

Nội dung liên quan đến ma tuý và các chất tiêu khiển

Nội dung quảng bá hoặc giới thiệu hoạt động buôn bán, sử dụng hay lạm dụng thuốc bất hợp pháp, thuốc hoặc chất hợp pháp thuộc diện quản lý hoặc các sản phẩm nguy hiểm khác đều không phù hợp để chạy quảng cáo.

Chi tiết về chính sách
Hướng dẫn về quảng cáo Các lựa chọn trong bộ câu hỏi và thông tin chi tiết
Nội dung này có thể kiếm doanh thu từ quảng cáo

Chi tiết đề cập hóm hỉnh, liên quan đến âm nhạc hoặc nhằm cung cấp kiến thức về các chất tiêu khiển hoặc dụng cụ sử dụng ma tuý, trong đó không cổ vũ hay ca ngợi hành vi sử dụng thuốc bất hợp pháp. Cảnh mua bán ma tuý xuất hiện trong nội dung trò chơi. Bản tường trình để cung cấp tư liệu hoặc bản tin báo chí mô tả nội dung dàn dựng có sử dụng ma tuý.

Một số ví dụ về nội dung cũng thuộc danh mục này:

  • Nội dung cung cấp kiến thức về ma túy hoặc dụng cụ sử dụng ma túy, chẳng hạn như tác động về mặt khoa học của việc sử dụng ma túy hoặc lịch sử buôn bán ma túy.
  • Tài khoản cá nhân chia sẻ về việc phục hồi sau khi cai nghiện ma túy.
  • Video nhạc có cảnh mô tả thoáng qua về ma tuý.
  • Nội dung trò chơi điện tử có cảnh buôn bán ma tuý. 
  • Tài liệu hoặc bản tin báo chí về việc mua, bào chế, sử dụng hoặc phân phối ma tuý, ví dụ như bản tin về một vụ thu giữ ma tuý.
  • Nội dung dàn dựng, mang tính tư liệu hoặc là bản tin báo chí cho thấy cảnh trong trò chơi mô tả hành động tiêu thụ hoặc sử dụng ma tuý (chẳng hạn như cảnh tiêm chích ma tuý).
Nội dung này có thể bị hạn chế kiếm doanh thu hoặc không kiếm được doanh thu từ quảng cáo

Nội dung không cung cấp kiến thức và thông tin, chỉ tập trung vào cảnh tiêu thụ (kể cả tiêm chích) hoặc bào chế thuốc bất hợp pháp nhưng không nhằm cổ vũ hay ca ngợi hành vi sử dụng thuốc bất hợp pháp.

Một số ví dụ về nội dung cũng thuộc danh mục này:

  • Nội dung dàn dựng, bao gồm cả nhạc và trò chơi điện tử, có cảnh sử dụng chất tiêu khiển.
    • Nội dung theo kịch bản có cảnh tiêm chích ma tuý để phê thuốc.
Nội dung này sẽ không kiếm được doanh thu từ quảng cáo

Nội dung cổ vũ hoặc ca ngợi hành vi sử dụng ma tuý, chẳng hạn như hướng dẫn cách mua, bào chế, bán hoặc tìm các loại thuốc bất hợp pháp hoặc dụng cụ sử dụng ma tuý nhằm thúc đẩy hành vi sử dụng cho mục đích tiêu khiển.

Một số ví dụ về nội dung cũng thuộc danh mục này:

  • Nội dung chia sẻ ý kiến đánh giá cũng như hiểu biết về ma tuý
    • Nội dung chia sẻ mẹo hoặc đề xuất về việc sử dụng hoặc bào chế chất tiêu khiển, chẳng hạn như trồng cần sa.
    • Nội dung chia sẻ ý kiến đánh giá về quán cà phê cần sa, cửa hàng bán dụng dụ ma túy, người bán, du lịch cần sa, v.v.
    • Cảnh mua bán ma tuý trên mạng hoặc trực tiếp.
      • Nội dung chia sẻ đường liên kết đến các trang web hoặc địa chỉ thực tế của địa điểm mua ma tuý.

Để tìm hiểu thêm về các thuật ngữ chính được sử dụng trong các nguyên tắc này, hãy xem bảng định nghĩa của chúng tôi.

Nội dung liên quan đến súng

Nội dung tập trung vào hoạt động buôn bán, lắp ráp, sử dụng sai cách hoặc sai mục đích đối với các loại súng thật hay giả đều không phù hợp để chạy quảng cáo.

Chi tiết về chính sách
Hướng dẫn về quảng cáo Các lựa chọn trong bộ câu hỏi và thông tin chi tiết
Nội dung này có thể kiếm doanh thu từ quảng cáo

Cảnh có các loại súng không tự động hoặc bán tự động và không được biến đổi, xuất hiện trong môi trường an toàn như trường bắn hoặc khu vực trống để không gây nguy hiểm cho người đứng xem hoặc không gây tổn hại tài sản của người khác. Cảnh lắp ráp và tháo rời súng cầm tay và súng bắn sơn nhằm mục đích sửa chữa hoặc bảo dưỡng. Cảnh sử dụng súng hơi hoặc súng đạn bi (BB) một cách có trách nhiệm.

Một số ví dụ về nội dung cũng thuộc danh mục này:

  • Nội dung thảo luận về luật pháp liên quan đến súng đạn hoặc vấn đề kiểm soát súng.
  • Nội dung đánh giá và minh hoạ súng ống.
  • Nội dung có ống ngắm và ống giảm thanh.
  • Súng giả trong trường hợp không sử dụng để gây hại cho người hoặc tài sản.

Định nghĩa:

  • "Môi trường an toàn" là những địa điểm như trường bắn hoặc khu vực kín được xây dựng với chủ đích để làm nơi tập bắn.
  • “Sửa đổi” là mọi hành vi can thiệp, tăng cường hoặc thay đổi cơ chế hoạt động bên trong của một sản phẩm cũng như cò súng có độ nhạy cao, báng súng đẩy và đạn nổ/gây cháy hoặc các phụ kiện khác như ống ngắm nhiệt/ống ngắm hồng ngoại hoặc băng đạn lớn. 
  • "Súng giả" là súng được thiết kế không nhằm mục đích bắn đạn. Định nghĩa này bao gồm súng được thiết kế chỉ để bắn đạn mã tử (súng bắn đạn mã tử). 
     
Nội dung này có thể bị hạn chế kiếm doanh thu hoặc không kiếm được doanh thu từ quảng cáo

Cảnh sử dụng súng bên ngoài môi trường có sự kiểm soát; cảnh sử dụng súng hơi hoặc súng đạn bi (BB) để chống lại người không có trang thiết bị bảo hộ.

Một số ví dụ về nội dung cũng thuộc danh mục này:

  • Nội dung cho thấy súng được dùng trong môi trường không có trang bị và không được kiểm soát (ví dụ: trên một tuyến đường công cộng bên ngoài một ngôi nhà hoặc ở bất kỳ nơi nào mà người ngoài cuộc hoặc tài sản của người khác có thể gặp nguy hiểm).
Nội dung này sẽ không kiếm được doanh thu từ quảng cáo

Nội dung có cảnh chế tạo hoặc biến đổi súng (bao gồm cả việc lắp ráp hoặc tháo rời), quảng cáo cho người bán, nhà sản xuất súng hoặc hỗ trợ việc buôn bán súng, hoặc cảnh trẻ vị thành niên sử dụng súng mà không có người lớn giám sát. Nội dung có hình ảnh súng biến đổi bằng báng súng đẩy hay cò súng rất nhạy, ống ngắm nhiệt ban đêm hoặc ống ngắm hồng ngoại, hoặc súng dùng đạn nhiệt, đạn nổ hay đạn cháy. Nội dung có hình ảnh băng đạn sức chứa lớn (từ 30 viên trở lên) được gắn liền hoặc tách rời khỏi súng. Nội dung có súng tự động hoàn toàn hoặc súng được biến đổi để bắn nhiều phát trong mỗi lượt kéo cò.

Một số ví dụ về nội dung cũng thuộc danh mục này:

  • Hướng dẫn cách lắp báng súng đẩy cho súng.
  • Nhắc đến các nhà sản xuất hoặc công ty súng hàng đầu để gợi ý nơi mua súng (ví dụ: "15 cửa hàng bán súng tốt nhất").
  • Trực tiếp giới thiệu người dùng đến trang hỗ trợ bán súng.
  • Quảng cáo để bán súng hoặc linh kiện súng, bao gồm nhưng không giới hạn ở việc:
    • Buôn bán bộ phận hoặc linh kiện liên quan đến súng có vai trò thiết yếu hoặc tăng cường chức năng của súng, bao gồm:
    • Các bộ phận súng đã hoàn thiện 80%
    • Đạn dược
    • Băng đạn
    • Ống giảm thanh
    • Dây đạn
    • Báng súng
    • Bộ dụng cụ chuyển đổi
    • Tay cầm súng
    • Kính ngắm
    • Ống ngắm
  • Video quảng cáo nội dung cho các cửa hàng súng.
  • Video quảng cáo cho các nhà sản xuất súng hoặc cung cấp mã giảm giá của cửa hàng súng.
  • Video có chỉ dẫn hoặc tài liệu hướng dẫn chế tạo súng (chẳng hạn như thao tác lắp ráp/tháo rời súng dễ làm theo hoặc các bước để sửa đổi súng) hay phần mềm, thiết bị in 3D để sản xuất súng/các bộ phận súng.
  • Nội dung có cảnh lắp ráp/tháo rời súng cầm tay nhằm mục đích sửa đổi.

Để tìm hiểu thêm về các thuật ngữ chính được sử dụng trong các nguyên tắc này, hãy xem bảng định nghĩa của chúng tôi.

Các vấn đề gây tranh cãi

"Các vấn đề gây tranh cãi" là những chủ đề có thể khiến người xem thấy lo ngại và thường là hậu quả từ thảm kịch liên quan đến con người. Chính sách này áp dụng kể cả khi nội dung chỉ đơn thuần đưa ra ý kiến bình luận hoặc không chứa hình ảnh gây phản cảm.

Các vấn đề gây tranh cãi bao gồm ngược đãi trẻ em, xâm hại tình dục người lớn, quấy rối tình dục, tự huỷ hoại bản thân, tự tử, chứng rối loạn ăn uống, bạo hành gia đình, phá thai và an tử.

Chi tiết về chính sách
Hướng dẫn về quảng cáo Các lựa chọn trong bộ câu hỏi và thông tin chi tiết
Nội dung này có thể kiếm doanh thu từ quảng cáo

Nội dung có liên quan đến việc ngăn chặn các vấn đề gây tranh cãi. Video có nội dung đề cập thoáng qua các vấn đề gây tranh cãi và không gây phản cảm hay mô tả cụ thể. Nội dung không gây phản cảm hay mô tả cụ thể về hành vi bạo hành gia đình, tự huỷ hoại bản thân, xâm hại tình dục người lớn, phá thai và quấy rối tình dục.

Một số ví dụ về nội dung cũng thuộc danh mục này: 

  • Tin tức không gây phản cảm, không mô tả cụ thể mà có chủ đề chính là các vấn đề gây tranh cãi.
  • Nội dung không phản cảm về việc phá thai, bao gồm cả trải nghiệm cá nhân, các quan điểm cá nhân hoặc thủ thuật y tế.
  • Nội dung bao gồm các dữ kiện lịch sử hoặc lập pháp liên quan đến việc phá thai.
  • Nội dung báo chí có chủ đề phụ không gây phản cảm và không mô tả cụ thể liên quan đến hành vi tự tử/tự huỷ hoại bản thân, xâm hại tình dục người lớn, bạo hành gia đình, quấy rối tình dục hoặc an tử.
  • Nội dung mô tả không quá phản cảm, mang tính nghệ thuật hoặc được dàn dựng về các vấn đề gây tranh cãi.
    • Phim có cảnh một người nhảy cầu nhưng hình ảnh thi thể phản cảm không được chiếu.
  • Nội dung đề cập chung chung đến các chứng rối loạn ăn uống và không có cảnh khơi dậy các chứng này hoặc hành vi dễ bắt chước.  

Tiêu đề và hình thu nhỏ: 

  • Nội dung đề cập đến các vấn đề gây tranh cãi mà không gây phản cảm.
    • Văn bản hoặc hình ảnh về dao lam.

Định nghĩa: 

  • Chi tiết đề cập thoáng qua có nghĩa là các chi tiết nằm ngoài tâm điểm của nội dung (tức là không phải trọng tâm) và lướt nhanh qua các chủ đề được coi là gây tranh cãi hoặc nhạy cảm. Ví dụ: Việc thông báo ngắn gọn về một chủ đề gây tranh cãi hay nhạy cảm sẽ không bị coi là tâm điểm mà chỉ là chi tiết đề cập thoáng qua. 
    • Chẳng hạn như "Trong video tuần tới, chúng ta sẽ thảo luận về tỷ lệ tự tử ngày càng giảm".
  • Cảnh khơi dậy các chứng rối loạn ăn uống hoặc hành vi dễ bắt chước:   
    • Trọng lượng hoặc chỉ số BMI thấp nhất.
    • Hình ảnh cơ thể gầy gò hoặc hốc hác.
    • Cảnh chế nhạo hoặc bắt nạt dựa trên cân nặng hoặc cơ thể.
    • Đề cập đến việc ăn uống vô độ, giấu giếm hoặc tích trữ thức ăn.
    • Tập thể dục để đẩy cơ thể vào tình trạng thiếu hụt calo.
    • Nôn mửa hoặc lạm dụng thuốc nhuận tràng.
    • Kiểm tra tiến độ giảm cân.
    • Đề cập đến việc che giấu bất kỳ hành vi nào nêu trên.
Nội dung này có thể bị hạn chế kiếm doanh thu hoặc không kiếm được doanh thu từ quảng cáo

Nội dung về các vấn đề gây tranh cãi, không có hình ảnh gây phản cảm nhưng có thể có từ ngữ mô tả vấn đề. Nội dung dàn dựng, mang tính nghệ thuật, giáo dục, tư liệu hoặc mang tính khoa học về các vấn đề gây tranh cãi. Nội dung chính không gây phản cảm hay mô tả cụ thể về hành vi ngược đãi trẻ em. Nội dung không gây phản cảm nhưng mô tả cụ thể về hành vi xâm hại tình dục người lớn, quấy rối tình dục hoặc bạo hành gia đình.

Một số ví dụ về nội dung cũng thuộc danh mục này: 

  • Nội dung thảo luận chủ đề chính là hành vi ngược đãi trẻ em mà không nêu rõ tình tiết hoặc gây phản cảm.
  • Nội dung mô tả các chứng rối loạn ăn uống được dàn dựng hoặc mang tính nghệ thuật, có cảnh khơi dậy các chứng này hoặc hành vi dễ bắt chước. 
  • Nội dung mô tả không quá phản cảm theo kiểu hoạt hình hoặc được dàn dựng về các vấn đề gây tranh cãi và không mang tính giáo dục hoặc nghệ thuật. 
  • Nội dung mô tả phản cảm ở mức độ trung bình, mang tính nghệ thuật hoặc được dàn dựng về các vấn đề gây tranh cãi. 
    • Một bộ phim mô tả một người cắt cổ tay và chảy máu.
  • Câu chuyện về quá trình phục hồi sau khi mắc chứng rối loạn ăn uống, ví dụ như hành trình vượt qua chứng cuồng ăn (bulimia) của một người.

Tiêu đề và hình thu nhỏ: 

  • Chi tiết mô tả phản cảm về các vấn đề gây tranh cãi trong hình thu nhỏ, bao gồm cả những chi tiết ngoài đời thực, được dàn dựng và mang tính nghệ thuật. 
Nội dung này sẽ không kiếm được doanh thu từ quảng cáo

Nội dung chủ yếu mô tả một cách phản cảm hoặc mô tả chi tiết về các vấn đề gây tranh cãi. Nội dung mô tả phản cảm các chứng rối loạn ăn uống kèm theo bất cứ thông tin nào hoặc đề cập đến bất cứ yếu tố nào sau đây: chỉ số BMI hoặc cân nặng thấp nhất; cơ thể gầy gò hoặc hốc hác; hành vi chế nhạo hoặc bắt nạt dựa trên cân nặng hoặc cơ thể; hành vi ăn uống vô độ, giấu giếm hay tích trữ thức ăn; tập thể dục để đẩy cơ thể vào tình trạng thiếu hụt calo; nôn mửa hoặc lạm dụng thuốc nhuận tràng; kiểm tra tiến độ giảm cân; che giấu bất kỳ hành vi nào nêu trên.

Một số ví dụ về nội dung cũng thuộc danh mục này:

  • Câu chuyện chi tiết và gây sốc ở góc nhìn của người thứ nhất hoặc tiểu sử của nạn nhân chia sẻ trải nghiệm trước đây của họ liên quan đến chủ đề:
    • Xâm hại trẻ em
    • Ấu dâm
    • Tự huỷ hoại bản thân
    • Tự tử
    • Bạo hành gia đình
    • An tử
  • Nội dung, tiêu đề hoặc hình thu nhỏ ủng hộ hoặc ca ngợi các vấn đề gây tranh cãi, chẳng hạn như "cách tự sát và chết trong danh dự".
  • Hình ảnh phản cảm về hành vi tự huỷ hoại bản thân, trong đó có thể thấy vết sẹo, máu hoặc thương tích. 
  • Nội dung có âm thanh rõ ràng về quá trình diễn ra của một vấn đề gây tranh cãi.
  • Nội dung đề cập rõ ràng đến các chứng rối loạn ăn uống, trong đó có cảnh khơi dậy các chứng này hoặc hành vi dễ bắt chước.
  • Nội dung mô tả các vấn đề gây tranh cãi và phản cảm ở mức độ trung bình nhưng không mang tính giáo dục hoặc nghệ thuật.
    • Cảnh quay thô cho thấy một người đang cắt cổ tay và chảy máu.
  • Nội dung hoạt hình mô tả các vấn đề gây tranh cãi, trình bày theo cách giật gân.   
    • Nội dung có cảnh các nhân vật bắt nạt người khác.

Định nghĩa:

Tâm điểm hay trọng tâm là một đoạn video, toàn bộ video hoặc một cuộc thảo luận kéo dài về một vấn đề cụ thể gây tranh cãi. Chi tiết thoáng qua đề cập đến một vấn đề gây tranh cãi không được coi là tâm điểm tập trung vào vấn đề đó. Ví dụ: Việc thông báo ngắn gọn về một chủ đề gây tranh cãi hay nhạy cảm (chẳng hạn như "Trong video tuần tới, chúng tôi sẽ thảo luận về tỷ lệ tự sát ngày càng giảm") sẽ không bị coi là tâm điểm, nhưng một đoạn trong video đề cập cụ thể đến một chủ đề như vậy sẽ bị coi là tâm điểm. Tâm điểm không nhất thiết phải được thể hiện bằng lời nói. Nếu video có hình ảnh hoặc văn bản tập trung vào vấn đề nhạy cảm thì hình ảnh hoặc văn bản đó cũng sẽ được coi là tâm điểm của video.

Để tìm hiểu thêm về các thuật ngữ chính được sử dụng trong các nguyên tắc này, hãy xem bảng định nghĩa của chúng tôi.

Sự kiện nhạy cảm

Sự kiện nhạy cảm là sự kiện hoặc diễn biến tạo ra rủi ro đáng kể đối với khả năng của Google trong việc cung cấp thông tin chất lượng cao, phù hợp và thực tế, đồng thời giảm nội dung thiếu tế nhị hoặc mang tính trục lợi trong các tính năng kiếm tiền nổi bật. Khi một sự kiện nhạy cảm xảy ra, chúng tôi có thể thực hiện nhiều biện pháp để giải quyết những rủi ro này.

Ví dụ về các sự kiện nhạy cảm bao gồm tình huống khẩn cấp về dân sự, thiên tai, tình huống khẩn cấp về sức khoẻ cộng đồng, khủng bố và các hoạt động liên quan, xung đột hoặc hành động bạo lực trên diện rộng. Chính sách này áp dụng ngay cả khi nội dung không chứa hình ảnh phản cảm. 

Chi tiết về chính sách
Hướng dẫn về quảng cáo Các lựa chọn trong bộ câu hỏi và thông tin chi tiết
Nội dung này có thể kiếm doanh thu từ quảng cáo

Nội dung thảo luận về việc mất đi sinh mạng hoặc thảm kịch, không mang tính trục lợi hoặc khinh thường. 

Trong một số trường hợp, chúng tôi có thể ngăn việc kiếm tiền từ nội dung liên quan đến một sự kiện nhạy cảm để tránh hành vi lăng mạ hoặc lợi dụng nạn nhân. Bối cảnh đóng vai trò quan trọng. Ví dụ: YouTube có thể cho phép nội dung kiếm doanh thu từ quảng cáo nếu trong đó có nội dung tư liệu, thông tin thảo luận hoặc bản tin đáng tin cậy về một sự kiện nhạy cảm.

Nội dung này sẽ không kiếm được doanh thu từ quảng cáo

Nhà sáng tạo không được kiếm tiền từ nội dung thu lợi hoặc lợi dụng một sự kiện nhạy cảm.

Ví dụ (danh sách chưa đầy đủ): 

  • Nội dung có vẻ như đang thu lợi từ một sự kiện bi thảm mà không mang lại lợi ích rõ ràng cho người dùng; nội dung bán sản phẩm hoặc dịch vụ có thể không đáp ứng các tiêu chuẩn và/hoặc nguyên tắc của các cơ quan giám sát có liên quan (ví dụ: tổ chức cứu trợ khẩn cấp, cơ quan y tế hoặc tổ chức quốc tế). 
  • Nội dung sử dụng từ khoá liên quan đến một sự kiện nhạy cảm để tìm cách tăng thêm lưu lượng truy cập.

Để tìm hiểu thêm về các thuật ngữ chính được sử dụng trong các nguyên tắc này, hãy xem bảng định nghĩa của chúng tôi.

Nội dung tạo điều kiện cho hành vi bất chính

Nội dung ca ngợi hoặc cổ vũ hành vi bất chính, chẳng hạn như xâm phạm, gian lận hoặc xâm nhập máy tính nhằm mục đích cá nhân hoặc được trả tiền để thực hiện.

Chi tiết về chính sách
Hướng dẫn về quảng cáo Các lựa chọn trong bộ câu hỏi và thông tin chi tiết
Nội dung này có thể kiếm doanh thu từ quảng cáo

Nội dung đề cập hoặc đưa ra tuyên bố về hành vi bất chính một cách hóm hỉnh, nhằm mục đích giáo dục hoặc có liên quan đến âm nhạc. Nội dung không cổ vũ hành vi bất chính như các bài báo về các hành vi phạm tội trái với quy tắc ứng xử.

Một số ví dụ về nội dung cũng thuộc danh mục này:

Xâm nhập

  • Cảnh khám phá các tòa nhà bị bỏ hoang hoặc những nơi không còn được sử dụng nhằm chia sẻ hoặc cung cấp kiến thức cho khán giả về việc phải xin phép để vào những nơi đó.
    • Cảnh tham quan các khu vực hạn chế ra vào tại nhà máy Chernobyl khi đã xin được giấy phép và các quyền cần thiết.
  • Bản tin báo chí viết về:
    • Nội dung vi phạm quy tắc ứng xử của cửa hàng bán lẻ hoặc toà nhà văn phòng (chẳng hạn như ở lại cửa hàng sau giờ đóng cửa). 
    • Hành vi giả vờ là nhân viên cửa hàng bán lẻ mà không có sự đồng ý của chủ cửa hàng (chẳng hạn như mặc đồng phục của cửa hàng và hướng dẫn khách hàng về các loại hàng hoá). 

Hành vi can thiệp trái phép vào phần mềm, phần cứng, hệ thống máy tính (còn gọi là hacking)

  • Cảnh kiểm tra việc xâm nhập (một dịch vụ mà các tin tặc bán cho công ty để kiểm tra các lỗ hổng bảo mật vật lý và lỗ hổng bảo mật thông tin).
  • Chương trình săn lỗi nhận thưởng (tìm các lỗi máy tính trong hệ thống hoặc chương trình để nhận tiền thưởng)
  • Hành vi truy cập trái phép trên nền tảng kỹ thuật số, mẹo vặt công nghệ, mẹo và thủ thuật (ví dụ như can thiệp vào hệ thống của điện thoại, gian lận trong trò chơi, bản sửa đổi trò chơi và dịch vụ mạng riêng ảo).
  • Các bản tường trình nhằm cung cấp kiến thức, tài liệu hoặc là bản tin về việc sử dụng hoặc khuyến khích sử dụng phần mềm can thiệp hệ thống máy tính trái phép trong các trận thi đấu thể thao điện tử. 

Hình sự

  • Phim tài liệu về tội phạm
  • Lời kể của những cá nhân là nạn nhân của tội phạm.
Nội dung này sẽ không kiếm được doanh thu từ quảng cáo

Nội dung hướng dẫn người xem cách truy cập trái phép hoặc thực hiện các thay đổi trái phép trên hệ thống, thiết bị hoặc tài sản theo những cách sai trái. Nội dung cho thấy các hành vi trái với quy tắc ứng xử liên quan đến một tài sản. Nội dung giới thiệu các sản phẩm hoặc dịch vụ giúp gian lận hoặc gây hiểu lầm, chẳng hạn như dịch vụ viết bài luận học thuật hoặc phương pháp xâm nhập hệ thống máy tính để giành chiến thắng trong thi đấu thể thao điện tử.

Một số ví dụ về nội dung cũng thuộc danh mục này:

Xâm nhập

  • Nội dung cổ suý hoặc ca ngợi hành vi xâm nhập, chẳng hạn như những hành vi mạo hiểm trong đêm tại một toà nhà được bảo vệ.
  • Hành vi vi phạm quy tắc ứng xử của cửa hàng bán lẻ hoặc toà nhà thương mại.
  • Hành vi mạo danh nhân viên tại cửa hàng bán lẻ mà không có sự đồng ý của chủ sở hữu cửa hàng đó.
  • Nội dung có cảnh đột nhập vào nhà mà không có bối cảnh bổ sung. Đoạn phim an ninh về vụ đột nhập vào nhà là một ví dụ về loại nội dung này.

Hành vi can thiệp trái phép vào phần mềm, phần cứng, hệ thống máy tính (còn gọi là hack)

  • Nội dung khuyến khích hoặc giúp người xem theo dõi hoặc giám sát người khác/hoạt động của người khác trên nền tảng kỹ thuật số mà không có sự đồng ý của họ.
  • Nội dung chia sẻ mẹo nghe lén điện thoại người khác mà không có sự đồng ý của họ.
  • Hành vi sử dụng hoặc khuyến khích sử dụng phần mềm hack khi thi đấu các bộ môn thể thao điện tử

Nội dung chia sẻ sản phẩm hoặc dịch vụ phi đạo đức

  • Nội dung chia sẻ dịch vụ viết bài luận học thuật.
  • Cách né tránh các biện pháp thử ma tuý.
  • Cảnh giả mạo hoặc tạo hộ chiếu hoặc giấy tờ tuỳ thân giả.

Để tìm hiểu thêm về các thuật ngữ chính được sử dụng trong các nguyên tắc này, hãy xem bảng định nghĩa của chúng tôi.

Nội dung không phù hợp với trẻ em và gia đình

Nội dung "dành cho trẻ em" phải phù hợp với đối tượng khán giả là gia đình thì mới được kiếm tiền trên YouTube. Điều này có nghĩa là nội dung đó phải tuân thủ các nguyên tắc của YouTube về chất lượng nội dung dành cho trẻ em và gia đình cùng Chính sách chương trình của chúng tôi.

Chi tiết về chính sách

Nội dung cổ xuý hành vi tiêu cực

Cổ xuý những hành vi tiêu cực có thể ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em.

Hướng dẫn về quảng cáo Các lựa chọn trong bộ câu hỏi và thông tin chi tiết

Nội dung này có thể kiếm doanh thu từ quảng cáo

Nội dung khuyến khích hành vi tích cực và không gây hại cho trẻ em.

Một số ví dụ về nội dung cũng thuộc danh mục này:

  • Nội dung cung cấp kiến thức về hành vi tiêu cực
  • Các thông báo dịch vụ công cộng hoặc video về tác động tiêu cực của hành vi bắt nạt hoặc làm nhục trẻ em
  • Nội dung cho thấy những thói quen ăn uống lành mạnh
  • Video về thể thao và thể dục
  • Video về cách tự làm, thử thách hoặc trò chơi khăm có rủi ro thấp và không gây tổn hại nghiêm trọng về thể chất hoặc cảm xúc cho trẻ em, chẳng hạn như:
    • Video về cách tự làm, video minh hoạ hoặc video hướng dẫn, chẳng hạn như cảnh nướng bánh hoặc nấu ăn bằng những dụng cụ được dùng đúng cách và an toàn
    • Những trò chơi khăm mà trẻ em không bị tổn thương tâm lý hoặc tổn hại thể chất
 
Nội dung này sẽ không kiếm được doanh thu từ quảng cáo

Nội dung có thể ảnh hưởng đến trẻ em thông qua việc cổ xuý hành vi tiêu cực như gian lận và bắt nạt; hoặc nội dung có thể gây tổn hại nghiêm trọng đối với thể chất hoặc cảm xúc của trẻ em.

Một số ví dụ về nội dung cũng thuộc danh mục này:

  • Nội dung khuyến khích hoặc cổ suý hành vi tiêu cực của trẻ em, hoặc nội dung về các vấn đề xã hội gây ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em.
    • Nội dung có hành vi bất chính, chẳng hạn như gian lận trong các bài kiểm tra
    • Nội dung dành cho trẻ em có hình ảnh súng thật hoặc súng trông giống thật
    • Nội dung có cảnh ăn thực phẩm chứa nhiều đường hoặc chất béo một cách vô độ
    • Nội dung có hành vi bắt nạt, quấy rối hoặc làm nhục trẻ em
    • Nội dung về cách thay đổi cơ thể để trông gầy hơn, nhiều đường cong hoặc nhiều cơ bắp hơn, cũng như cách hạn chế hay tăng lượng calo, v.v.
    • Video về cách tự làm hoặc thử thách cho thấy hoặc có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến thể chất hoặc cảm xúc, chẳng hạn như:
      • Nội dung tự làm núi lửa có sử dụng chất nổ, diêm, hoá chất bị cấm, v.v. 
      • Các thử thách ngốn thức ăn có thể gây ngạt thở 
      • Nội dung khuyến khích việc ăn những sản phẩm không ăn được
 

Nội dung dành cho người trưởng thành nhắm đến trẻ em

Những chủ đề chủ yếu liên quan đến khán giả là thanh thiếu niên hoặc người lớn, chẳng hạn như ảnh khoả thân, tình dục, cảnh bạo lực thực tế, ma tuý, bia rượu hoặc ngôn từ thô tục trong video, hình thu nhỏ hoặc tiêu đề.

Danh mục Bị hạn chế chạy quảng cáo hoặc không có quảng cáo
Nội dung có cách thể hiện có vẻ như phù hợp với trẻ em và gia đình nhưng lại có các chủ đề người lớn.
  • Nội dung tình dục và từ ngữ ám chỉ tình dục
  • Hành vi bạo lực và vũ khí trông giống thật 
  • Ngôn từ thô tục ở mức độ trung bình, mạnh hoặc nghiêm trọng
  • Ma tuý và chất có cồn 
  • Hình ảnh mô tả trẻ em hoặc các nhân vật quen thuộc với trẻ em theo cách khác, không phù hợp với trẻ em và gia đình

Nội dung gây sốc nhắm đến trẻ em

Nội dung an toàn cho người lớn nhưng có thể gây sốc hoặc gây sợ hãi cho trẻ em, chẳng hạn như các nhân vật kinh dị dành cho người lớn hoặc các chủ đề gây kinh hãi như bắt cóc, phim kinh dị, v.v.

Danh mục Bị hạn chế chạy quảng cáo hoặc không có quảng cáo
Nội dung có cách thể hiện có vẻ như phù hợp với trẻ em và gia đình nhưng lại chứa nội dung gây sợ hãi hoặc gây sốc đối với trẻ em.
  • Các nhân vật nhằm gây sợ hãi cho trẻ em, chẳng hạn như nhân vật trong thử thách Momo hoặc các nhân vật kinh dị dành cho người lớn 
  • Nội dung mô tả cảnh đẫm máu hoặc nội dung bạo lực phản cảm khác
  • Nội dung không phản cảm nhưng có thể gây sợ hãi cho trẻ em, như cảnh bắt cóc, cảnh kinh dị, ống tiêm được dùng làm vũ khí, v.v.

Để tìm hiểu thêm về các thuật ngữ chính được sử dụng trong các nguyên tắc này, hãy xem bảng định nghĩa của chúng tôi.

Nội dung liên quan đến thuốc lá

Nội dung quảng cáo thuốc lá và các sản phẩm liên quan đến thuốc lá đều không phù hợp để chạy quảng cáo. Chính sách này thuộc phần Hành động gây hại hoặc nguy hiểm trong bộ câu hỏi tự xác nhận trong YouTube Studio. Do vậy, bạn cũng nên xem phần đó để biết hướng dẫn chi tiết.

Ví dụ (danh sách chưa đầy đủ)
Danh mục Bị hạn chế chạy quảng cáo hoặc không có quảng cáo
Quảng bá thuốc lá
  • Thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá nhai
Quảng bá các sản phẩm liên quan đến thuốc lá
  • Tẩu thuốc, giấy cuốn thuốc lá, bút vape
Quảng bá các sản phẩm có thiết kế mô phỏng hành động hút thuốc lá
  • Thuốc lá thảo dược, thuốc lá điện tử, các sản phẩm tương tự thuốc lá điện tử

Để tìm hiểu thêm về các thuật ngữ chính được sử dụng trong các nguyên tắc này, hãy xem bảng định nghĩa của chúng tôi.

Nội dung gây bức xúc và hạ thấp phẩm giá

Nội dung gây bức xúc, bất hoà hoặc hạ thấp phẩm giá một cách vô cớ đều không phù hợp để chạy quảng cáo. Chính sách này thuộc phần Nội dung kích động thù địch và xúc phạm trong bộ câu hỏi tự xác nhận trong YouTube Studio, nên hãy chắc chắn bạn cũng xem phần đó để biết hướng dẫn chi tiết.

Ví dụ (danh sách chưa đầy đủ)
Danh mục Bị hạn chế chạy quảng cáo hoặc không có quảng cáo
Nội dung gây bức xúc và hạ thấp phẩm giá
  • Nội dung tập trung vào việc xúc phạm hoặc gây hổ thẹn cho một cá nhân hoặc nhóm người
Nội dung quấy rối, hăm dọa hay bắt nạt một cá nhân hoặc một nhóm người
  • Nội dung chỉ đích danh một người nào đó để xâm hại hoặc quấy rối
  • Nội dung ám chỉ rằng một sự việc bi thảm chưa hề xảy ra hoặc ám chỉ rằng các nạn nhân hoặc gia đình của họ đóng kịch hoặc đồng lõa để che đậy sự việc
  • Công kích cá nhân một cách ác ý, vu khống và phỉ báng

Để tìm hiểu thêm về các thuật ngữ chính được sử dụng trong các nguyên tắc này, hãy xem bảng định nghĩa của chúng tôi.

Định nghĩa

Chúng tôi đã tổng hợp một bảng định nghĩa để giúp bạn hiểu rõ hơn về các thuật ngữ thường dùng trong nguyên tắc về nội dung phù hợp với nhà quảng cáo.

Định nghĩa
Thuật ngữ Định nghĩa
Âm nhạc Thuật ngữ này đề cập đến mọi video có chứa nhạc, chẳng hạn như video nhạc chính thức, video nhạc chỉ có ảnh bìa, bản nhạc đệm, nhạc mở đầu/kết thúc video, video bày tỏ cảm xúc về video nhạc, nhạc phát trong video hướng dẫn vũ đạo, nhạc được thêm vào hoặc lấy từ các công cụ của YouTube, hoặc nhạc phát trong nền. Định nghĩa này không áp dụng cho các buổi diễn thuyết và đọc thơ.
Cung cấp kiến thức

"Cung cấp kiến thức" dùng để chỉ việc cung cấp thông tin hoặc giảng dạy về một chủ đề mà không cố ý đưa ra thông tin sai lệch cho khán giả. Nội dung cung cấp thông tin thể hiện quan điểm trung lập, chẳng hạn như trong một cuộc thảo luận về quan hệ tình dục an toàn. Các thuật ngữ dưới đây có liên quan trong một số bối cảnh:

  • "Tài liệu" là nội dung tưởng nhớ và lưu giữ các sự kiện lịch sử bằng cách trích dẫn các tài liệu gốc hoặc mô tả thông tin/sự kiện có thật, ví dụ như trong lịch sử Ai Cập cổ đại.
  • "Khoa học" là việc tìm kiếm thêm kiến thức thông qua thí nghiệm và lý thuyết khoa học, chẳng hạn như khi trình bày dữ liệu về tâm lý con người.
Nghệ thuật "Nghệ thuật" dùng để chỉ các tác phẩm nghệ thuật thể hiện sự sáng tạo của con người như tranh vẽ, bản vẽ, công trình kiến trúc, tác phẩm điêu khắc, văn học, thơ ca, âm nhạc, nội dung trình diễn và nội dung có kịch bản. Ví dụ: Video về buổi độc tấu thơ.
Dàn dựng

"Dàn dựng" chỉ những nội dung làm theo kịch bản, ví dụ như phim ảnh hay các bối cảnh giả tưởng, kể cả nội dung hoạt hình.

Phản cảm

"Phản cảm" bao gồm các chi tiết mô tả chân thực và rõ ràng, chẳng hạn như:

  • Máu me hoặc vết thương hở do các hành động bạo lực, ví dụ như đánh nhau trên đường phố.
  • Hành động bạo lực với động vật, ví dụ như đá.
  • Hình ảnh các hành vi tình dục, các bộ phận gợi cảm trên cơ thể và chất dịch.
Chủ nghĩa hiện thực

"Chủ nghĩa hiện thực" có ba mức độ:

  • "Chủ nghĩa hiện thực mức độ thấp": Hình ảnh rất khác biệt so với thực tế, chẳng hạn như một con mèo biết nói.
  • "Chủ nghĩa hiện thực mức độ trung bình": Hình ảnh ít khác biệt so với thực tế, chẳng hạn như hình ảnh phóng đại các nhân vật thực như con người hoặc nhân vật hoạt hình trong trò chơi điện tử.
  • "Chủ nghĩa hiện thực mức độ cao": Tình huống trong thế giới thực mà con người là nhân vật chính, chẳng hạn đánh nhau trên đường phố.
Rõ ràng

"Rõ ràng" là mức độ hiển thị hoặc hiển thị rõ ràng của chủ thể vi phạm trong nội dung. Một số ví dụ bao gồm:

  • Video trình chiếu hoặc mô tả phương pháp phá thai.
  • Âm thanh hoặc tiếng của một người bị ngược đãi.
Ngụ ý/ám chỉ

"Ngụ ý" hoặc "ám chỉ" là sự có mặt hoặc xuất hiện theo cách gián tiếp/có tính gợi ý của một chủ thể vi phạm. Một số ví dụ bao gồm:

  • Video có cảnh giường rung lắc và âm thanh rên rỉ nhằm ngụ ý hành động tình dục.
  • Video trình chiếu hoặc có cảnh các phương tiện nổ tung nhằm ngụ ý khoảnh khắc chết chóc.
Trọng tâm hoặc tâm điểm

"Trọng tâm" hoặc "tâm điểm" là từ dùng khi một đoạn video hoặc toàn bộ video nói về một chủ đề nhất định, đề cập nhiều lần đến chủ đề đó và lấy chủ đề đó làm trọng tâm. Nội dung đề cập thoáng qua đến một trong các chủ đề được coi là gây tranh cãi hoặc nhạy cảm không phải là lý do video thuộc diện Không có quảng cáo. Ví dụ: Việc thông báo ngắn gọn về một chủ đề gây tranh cãi hay nhạy cảm (chẳng hạn như "Trong video tuần tới, chúng tôi sẽ thảo luận về tỷ lệ tự sát ngày càng giảm.") sẽ không bị coi là tâm điểm, nhưng một đoạn trong video đề cập cụ thể đến một chủ đề như vậy sẽ bị coi là tâm điểm. Tâm điểm không nhất thiết phải thể hiện bằng lời nói. Nếu video có hình ảnh hoặc văn bản tập trung vào các vấn đề nhạy cảm, hình ảnh hoặc văn bản đó cũng sẽ được coi là tâm điểm của video. Một số ví dụ bao gồm:

  • Video tập trung vào cách tự huỷ hoại bản thân.
  • Nội dung chỉ tập trung vào việc dùng ngôn từ tục tĩu ở mức độ mạnh mà không có bối cảnh hoặc lý do khác.
Thoáng qua

"Thoáng qua" dùng để chỉ các khoảnh khắc không phải là tâm điểm của nội dung (không là trọng tâm) và nhắc nhanh đến các chủ đề được coi là gây tranh cãi hoặc nhạy cảm. Ví dụ: Việc thông báo ngắn gọn về một chủ đề gây tranh cãi hay nhạy cảm (chẳng hạn như "Trong video tuần tới, chúng ta sẽ thảo luận về tỷ lệ tự sát ngày càng giảm.") sẽ không bị coi là tâm điểm mà chỉ là chi tiết đề cập thoáng qua.

Giật gân

Có nghĩa là cách thể hiện nhằm khơi dậy sự tò mò và mối quan tâm của nhiều người, đặc biệt là bằng cách thêm những chi tiết phóng đại, phản cảm hoặc nhạy cảm.

  • "Cảnh ăn uống kích động các giác quan", chẳng hạn như cảnh ăn các bộ phận của động vật hoặc động vật còn sống hay rõ ràng còn cử động.
  • "Cảnh sơ chế hoặc ăn uống kích động các giác quan", trong đó cảnh chuẩn bị hoặc ăn uống được cường điệu để gây ấn tượng, chẳng hạn như trong video "mukbang" (vừa ăn vừa ghi hình) hoặc buổi biểu diễn ASMR (phản ứng cực khoái độc lập về giác quan).
  • "Mô tả các vấn đề gây tranh cãi theo cách giật gân", trong đó các chủ đề nhạy cảm (ví dụ như bắt nạt) trở thành cốt lõi của nội dung giải trí, nhất là thông qua những màn tương tác tiêu cực của nhân vật.

Tất cả video được tải lên YouTube đều phải tuân thủ Điều khoản dịch vụNguyên tắc cộng đồng của YouTube. Để có thể kiếm tiền từ quảng cáo, bạn cần phải tuân thủ Chính sách về việc kiếm tiền trên YouTubeChính sách chương trình của Google AdSense.

Chúng tôi có thể giữ quyền tắt quảng cáo trên toàn bộ kênh của bạn trong trường hợp phần lớn nội dung của bạn không phù hợp với bất kỳ nhà quảng cáo nào hoặc bạn đã nhiều lần vi phạm hoặc vi phạm nghiêm trọng (ví dụ như đăng nội dung gây bức xúc, hạ thấp phẩm giá hoặc gây hận thù).

Thông tin này có hữu ích không?

Chúng tôi có thể cải thiện trang này bằng cách nào?
Tìm kiếm
Xóa nội dung tìm kiếm
Đóng tìm kiếm
Các ứng dụng của Google
Trình đơn chính
1218143676619818392
true
Tìm kiếm trong Trung tâm trợ giúp
true
true
true
true
true
59
false
false