Hiểu rõ số liệu phân tích về doanh thu quảng cáo

Bạn có thể kiểm tra doanh thu của mình trên YouTube và hiệu suất kênh thông qua các chỉ số trong YouTube Analytics. Một số chỉ số có vẻ giống nhau, nhưng điểm khác biệt giữa các chỉ số này lại đóng vai trò quan trọng trong việc giúp bạn hiểu về doanh thu của mình từ quảng cáo trên YouTube.

Doanh thu mỗi nghìn lượt xem

Doanh thu mỗi nghìn lượt xem (RPM) là chỉ số biểu thị số tiền bạn kiếm được trên mỗi 1.000 lượt xem video. RPM dựa trên nhiều nguồn doanh thu, bao gồm: quảng cáo, tính năng Hội viên của kênh, doanh thu từ YouTube Premium, Super Chat và Super Stickers.

Vì sao RPM lại thấp hơn CPM (Chi phí mỗi 1000 lượt hiển thị quảng cáo)?

RPM thấp hơn CPM bởi vì RPM là chỉ số:
  • được tính toán sau khi chia sẻ doanh thu cho YouTube.
  • bao gồm mọi lượt xem, kể cả những lượt xem không kiếm tiền.
Sau khi thêm chỉ số RPM, chúng tôi chưa thay đổi doanh thu mà bạn kiếm được.

Điểm khác biệt giữa RPM và CPM là gì?

CPM là chi phí cho mỗi 1000 lượt hiển thị quảng cáo và được tính toán trước khi chia sẻ doanh thu cho YouTube. RPM là tổng doanh thu trên mỗi 1000 lượt xem (sau khi chia sẻ doanh thu cho YouTube).

RPM

CPM

  • Chỉ số tập trung vào nhà sáng tạo
  • Bao gồm tổng doanh thu có trong báo cáo của YouTube Analytics, tính cả quảng cáo, YouTube Premium, tính năng hội viên của kênh, Super Chat và Super Stickers
  • Bao gồm tổng số lượt xem mà các video của bạn nhận được, kể cả những lượt xem không thể kiếm tiền
  • Doanh thu thực tế kiếm được sau khi trừ đi phần chia sẻ doanh thu.
  • Chỉ số tập trung vào nhà quảng cáo
  • Chỉ bao gồm doanh thu từ quảng cáo và YouTube Premium
  • Chỉ bao gồm lượt xem trên những video đã bật tính năng kiếm tiền (tức là khi có quảng cáo xuất hiện)
  • Số tiền kiếm được trước khi trừ đi phần chia sẻ doanh thu

Vì sao RPM lại quan trọng?

RPM cho bạn biết số tiền mình kiếm được từ mỗi 1.000 lượt xem. Chỉ số này còn giúp bạn hiểu một cách tổng quan về khả năng kiếm tiền của mình.

Làm cách nào để tăng RPM?

Để cải thiện chỉ số RPM, bạn nên tăng tổng doanh thu. Sau đây là một số bước giúp bạn tăng RPM lên mức tối đa:
  • Bật tính năng kiếm tiền trên tất cả các video.
  • Bật quảng cáo trong video.
  • Bật các phương thức kiếm tiền khác (ví dụ: gói hội viên, Super Chat) để đa dạng hoá các nguồn doanh thu.

Xin lưu ý rằng mỗi tính năng đều có những yêu cầu và nguyên tắc riêng.

RPM của tôi tăng hoặc giảm phản ánh điều gì?

RPM là thông tin tổng quan nhanh về tỷ lệ kiếm tiền hiện tại của bạn trên YouTube. RPM tăng có nghĩa là bạn đang kiếm nhiều tiền hơn từ mỗi 1.000 lượt xem, còn RPM giảm có nghĩa là bạn đang kiếm ít tiền hơn. Lưu ý: RPM có thể giảm khi số lượt xem không thể kiếm tiền tăng lên, ngay cả khi doanh thu của bạn không đổi.
Dù tăng hay giảm, RPM là chỉ báo hữu ích cho biết phần nào đang hoạt động hiệu quả hoặc phần nào không hiệu quả trong chiến lược doanh thu của bạn. Khi hiểu về các yếu tố tác động đến RPM, bạn có thể tìm ra cơ hội để cải thiện chiến lược kiếm tiền của mình.

RPM không cho biết điều gì về doanh thu?

Dù là chỉ số hữu ích cho nhà sáng tạo về hoạt động kiếm tiền, nhưng RPM không thể cho bạn biết toàn bộ tình hình doanh thu. Sau đây là những thông tin mà RPM không thể hiện:

  • Doanh thu nhờ việc bán hàng hoá hoặc sử dụng kệ hàng hoá.
  • Doanh thu từ các thoả thuận với thương hiệu và các khoản tài trợ (không bao gồm YouTube BrandConnect).
  • Những nguồn doanh thu khác được gián tiếp tạo ra nhờ có YouTube (như phí tư vấn, diễn thuyết, dịch vụ).

RPM không cho bạn biết nguồn doanh thu nào khiến tổng doanh thu thay đổi

Vì kết hợp một vài chỉ số nên RPM không thể cho bạn biết nguồn doanh thu nào khiến tổng doanh thu của bạn thay đổi.

Ví dụ: Bạn có thể thấy RPM giảm vì số lượt xem tăng lên nhưng không phải lượt xem nào cũng có chạy quảng cáo. Hoặc bạn có thể thấy RPM tăng nhưng số lượt xem không thay đổi đáng kể vì có nhiều người xem đăng ký trở thành hội viên của kênh.

Bạn nên dùng tất cả số liệu phân tích do YouTube cung cấp để nắm bắt toàn bộ những điểm thay đổi đối với chỉ số RPM.

CPM

Chi phí mỗi 1000 lượt hiển thị quảng cáo (CPM) là chỉ số biểu thị số tiền mà các nhà quảng cáo chi trả để hiển thị quảng cáo trên YouTube. Bạn sẽ thấy một vài loại chỉ số CPM trong YouTube Analytics:

  • CPM: Chi phí nhà quảng cáo trả cho 1.000 lượt hiển thị quảng cáo. Mỗi lần quảng cáo xuất hiện trên video sẽ được tính là một lượt hiển thị quảng cáo.
  • CPM dựa trên lượt phát lại: Chi phí nhà quảng cáo trả cho 1.000 lượt phát lại video có quảng cáo hiển thị.

Điểm khác biệt giữa CPM và CPM dựa trên lượt phát là gì?

Các video trên YouTube có thể có nhiều quảng cáo. CPM tập trung vào chi phí của nhà quảng cáo cho số lượt hiển thị quảng cáo. CPM dựa trên lượt phát tập trung vào chi phí của nhà quảng cáo cho số lượt phát video trong đó có một hoặc nhiều quảng cáo. CPM dựa trên lượt phát thường cao hơn CPM.
Ví dụ: Giả sử video của bạn có 5.000 lượt xem. Trong đó, số lượt xem có 1 quảng cáo xuất hiện là 1.000 và số lượt xem có hai quảng cáo xuất hiện là 500. Như vậy, tổng cộng có 1.500 lượt xem có quảng cáo. Trường hợp này có nghĩa là video có 2.000 lượt hiển thị quảng cáo riêng lẻ, nhưng chỉ có 1.500 lượt phát có thể kiếm tiền.
Giả sử nhà quảng cáo đã trả tổng cộng 7 đô la. Chi phí mỗi lượt hiển thị quảng cáo trên video đó sẽ bằng 7 đô la mà nhà quảng cáo chi trả đem chia cho 2.000 lượt hiển thị quảng cáo, tức là 0,0035 đô la. Theo đó, CPM hay chi phí mỗi nghìn lượt hiển thị quảng cáo sẽ là 0,0035 x 1.000 = 3,5 đô la. CPM dựa trên lượt phát sẽ bằng 7 đô la chia cho 1.500 lượt phát có thể kiếm tiền, rồi nhân với 1.000, tức là 4,67 đô la.

Tại sao CPM lại quan trọng?

Bạn nhận được một phần tiền từ khoản thanh toán của các nhà quảng cáo khi một quảng cáo chạy trên video của bạn. Nhà quảng cáo trả càng nhiều tiền cho quảng cáo đó thì bạn càng kiếm được nhiều tiền. CPM là một chỉ số hữu ích cho biết mức độ giá trị mà các nhà quảng cáo đánh giá video cũng như người xem của bạn trong việc giúp họ đạt được các mục tiêu kinh doanh riêng.
Doanh thu của bạn sẽ không bằng với giá trị CPM nhân với số lượt xem vì CPM cho biết số tiền nhà quảng cáo trả chứ không phải số tiền bạn kiếm được. Ngoài ra, không phải lượt xem nào cũng có quảng cáo. Nếu không phù hợp với nhà quảng cáo thì một số video hoàn toàn không đủ điều kiện để chạy quảng cáo. Các lượt xem video khác có thể không có quảng cáo do thiếu quảng cáo có sẵn. Lượt xem có quảng cáo được gọi là lượt phát có thể kiếm tiền.

Tại sao CPM của tôi thay đổi?

Việc chỉ số CPM của bạn biến động theo thời gian là điều bình thường và xảy ra do nhiều lý do, chẳng hạn như:
  • Thời điểm trong năm: Các nhà quảng cáo có xu hướng đặt giá thầu cao hoặc thấp hơn tuỳ vào thời điểm trong năm. Ví dụ: Nhiều nhà quảng cáo đặt giá thầu cao ngay trước các kỳ nghỉ lễ.
  • Sự thay đổi về khu vực địa lý của người xem: Nhà quảng cáo có thể kiểm soát việc tiếp cận khu vực địa lý nào thông qua quảng cáo. Các địa điểm khác nhau sẽ có mức độ cạnh tranh khác nhau trong thị trường quảng cáo. Do đó, CPM sẽ khác nhau theo khu vực địa lý. Nếu có sự thay đổi về nơi xuất phát của hầu hết các lượt xem, bạn có thể sẽ thấy CPM thay đổi. Ví dụ: Nếu trước đây số lượt xem của bạn đến từ một khu vực địa lý có CPM cao, nhưng hiện tại bạn nhận được nhiều lượt xem hơn từ các khu vực địa lý có CPM thấp hơn, thì có thể bạn sẽ thấy CPM giảm xuống.
  • Sự thay đổi trong việc phân phối các định dạng quảng cáo có sẵn: Các loại quảng cáo khác nhau có xu hướng có CPM khác nhau. Ví dụ: Nếu có nhiều quảng cáo không thể bỏ qua trong khoảng không quảng cáo hơn, thì CPM có thể cao hơn.

So sánh doanh thu ước tính và doanh thu từ quảng cáo

  • Doanh thu ước tính: Doanh thu từ tất cả các nguồn doanh thu, bao gồm cả doanh thu từ các gói hội viên của kênh, doanh thu từ YouTube Premium và Super Chat. Bạn sẽ thấy chỉ số này trên thẻ Doanh thu.
  • Doanh thu quảng cáo ước tính: Doanh thu chỉ tính từ quảng cáo trên các video của bạn. Bạn sẽ thấy chỉ số này trong báo cáo nguồn doanh thu.

Số lượt xem, số lượt hiển thị quảng cáo và số lượt phát có thể kiếm tiền ước tính

  • Số lượt xem: Số lần người xem đã xem video của bạn.
  • Số lượt hiển thị quảng cáo: Số lần người xem đã xem các quảng cáo riêng lẻ trên video của bạn.
  • Số lượt phát có thể kiếm tiền ước tính: Số lần người xem đã xem video có chứa quảng cáo.

Nếu mọi người xem video của bạn 10 lần và 8 lần trong số đó có chứa quảng cáo, thì bạn sẽ có 10 lượt xem và 8 lượt phát có thể kiếm tiền ước tính. Nếu trên thực tế một trong những lượt phát có thể kiếm tiền ước tính đó có 2 quảng cáo, thì bạn sẽ có 9 lượt hiển thị quảng cáo.

Không phải lượt xem nào trên YouTube cũng có quảng cáo. Một lượt xem có thể không có quảng cáo nếu:

  • Video không phù hợp với nhà quảng cáo.
  • Video có liên quan đã bị tắt quảng cáo.
  • Không có quảng cáo nào hiển thị cho người xem đó. Các nhà quảng cáo có thể chọn nhắm mục tiêu theo thiết bị, thông tin nhân khẩu học và các mối quan tâm cụ thể. Có thể người xem của bạn không phù hợp với cách nhắm mục tiêu này. Tìm hiểu thêm về các phương pháp nhắm mục tiêu dành cho quảng cáo dạng video.
  • Một loạt các yếu tố khác, bao gồm khu vực địa lý của người xem, lần gần đây nhất họ thấy một quảng cáo và việc họ có gói đăng ký Premium không và nhiều lý do khác.

Vì những lý do trên nên bạn có thể sẽ có nhiều lượt xem hơn so với số lượt phát có thể kiếm tiền ước tính.

Thông tin này có hữu ích không?

Chúng tôi có thể cải thiện trang này bằng cách nào?
Tìm kiếm
Xóa nội dung tìm kiếm
Đóng tìm kiếm
Các ứng dụng của Google
Trình đơn chính
6000434643217121028
true
Tìm kiếm trong Trung tâm trợ giúp
true
true
true
true
true
59
false
false