Câu hỏi thường gặp liên quan đến các yêu cầu cung cấp thông tin người dùng

Yêu cầu cung cấp thông tin người dùng

Google xử lý thế nào khi chính phủ yêu cầu cung cấp thông tin người dùng?

Có nhiều luật cho phép các cơ quan chính phủ trên khắp thế giới yêu cầu tiết lộ thông tin người dùng vì mục đích dân sự, hành chính, điều tra tội phạm và an ninh quốc gia. Google thận trọng xem xét từng yêu cầu để đảm bảo tuân thủ đúng theo luật pháp hiện hành. Nếu một cơ quan chính phủ yêu cầu tiết lộ quá nhiều thông tin, thì chúng tôi sẽ cố gắng thu hẹp phạm vi của yêu cầu đó, và trong một số trường hợp, chúng tôi sẽ từ chối cung cấp bất kỳ thông tin nào. Để biết thêm thông tin, vui lòng xem chính sách của chúng tôi về cách Google xử lý các yêu cầu của chính phủ về việc cung cấp thông tin người dùng.

Nếu nhận được một yêu cầu cung cấp thông tin người dùng, Google có cho chủ tài khoản biết không?

Tuỳ theo khu vực tài phán, mỗi luật có các quy định riêng về thời điểm mà nhà cung cấp (như Google) có thể thông báo cho chủ tài khoản. Để biết thêm thông tin, vui lòng xem chính sách của chúng tôi về việc thông báo cho người dùng trong phần cách Google xử lý các yêu cầu của chính phủ về việc cung cấp thông tin người dùng.

Khi có một yêu cầu pháp lý cần thông báo cho chủ tài khoản, chúng tôi sẽ thông báo qua email. Trong những email như vậy, Google sẽ không yêu cầu bạn cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân nào, chẳng hạn như mật khẩu hoặc số an sinh xã hội. Nếu bạn nhận được email tự xưng là của Google yêu cầu loại thông tin này, thì đừng cung cấp thông tin theo yêu cầu đó. Email đó có thể là một thủ đoạn lừa đảo, vì vậy, vui lòng báo cáo cho chúng tôi.

Google có cấp cho chính phủ quyền truy cập trực tiếp vào thông tin người dùng hay không?

Không, chúng tôi đề nghị chính phủ trực tiếp gửi cho Google yêu cầu cung cấp thông tin người dùng. Chính phủ không có quyền truy cập trực tiếp vào thông tin theo bất kỳ cơ chế "cửa sau" nào. Đội ngũ pháp lý của chúng tôi luôn rà soát từng yêu cầu và chúng tôi là đơn vị tiên phong trong việc đảm bảo tính minh bạch một cách triệt để nhất có thể đối với các yêu cầu của chính phủ về việc cung cấp thông tin người dùng. Để biết thêm thông tin, vui lòng xem chính sách của chúng tôi về cách Google xử lý các yêu cầu của chính phủ về việc cung cấp thông tin người dùng.

Google có bán thông tin cá nhân cho chính phủ không?

Không, chúng tôi không bán thông tin cá nhân của người dùng cho bất kỳ ai, kể cả cơ quan chính phủ. Chúng tôi luôn cam kết bảo vệ người dùng trước những yêu cầu không phù hợp đối với thông tin cá nhân của họ, đồng thời chúng tôi sẽ tiếp tục từ chối những yêu cầu cung cấp thông tin có phạm vi quá rộng hoặc có thể vi phạm pháp luật.

Để biết thêm thông tin, vui lòng xem chính sách của Google về cách xử lý các yêu cầu của chính phủ về việc cung cấp thông tin người dùng.

Các cơ quan chính phủ có thể gửi yêu cầu pháp lý cho Google bằng cách nào?

Thông qua một hệ thống trực tuyến do Google cung cấp, các cơ quan chính phủ đã được xác minh có thể gửi yêu cầu cung cấp thông tin người dùng một cách an toàn, xem trạng thái của các yêu cầu đã gửi và cuối cùng là tải nội dung phản hồi của Google xuống.

Tôi phải làm gì nếu muốn cung cấp thông tin có trong Tài khoản Google của mình cho một cơ quan chính phủ?

Bạn có thể dùng ứng dụng Google Takeout để tạo một tệp lưu trữ nội dung của bạn trong hầu hết các dịch vụ của Google, rồi chia sẻ nội dung đó với bất cứ ai tuỳ thích. Tuy nhiên, Google đòi hỏi phải có quy trình pháp lý hợp lệ trước khi Google cung cấp thông tin theo yêu cầu của một cơ quan chính phủ (ngay cả khi cơ quan đó thay mặt bạn đưa ra yêu cầu), trừ trường hợp khẩn cấp.

Google tiết lộ những loại thông tin nào cho các loại sản phẩm?

Để giải đáp, hãy cùng xem xét 4 dịch vụ thường nhận được yêu cầu cung cấp thông tin từ các cơ quan chính phủ là Gmail, YouTube, Google Voice và Blogger. Dưới đây là ví dụ về các loại thông tin chúng tôi có thể buộc phải tiết lộ, tuỳ thuộc vào thẩm quyền pháp lý mà cơ quan chính phủ viện dẫn, phạm vi của yêu cầu, thông tin được yêu cầu cũng như thông tin mà chúng tôi có. Nếu thấy yêu cầu cung cấp thông tin có phạm vi quá rộng, thì chúng tôi sẽ tìm cách thu hẹp lại.

Sản phẩm Thông tin về người đăng ký Thông tin về giao dịch (không chứa nội dung) Thông tin có chứa nội dung
Gmail
  • Thông tin đăng ký của người đăng ký (ví dụ: tên, thông tin tạo tài khoản, địa chỉ email được liên kết, số điện thoại)
  • Địa chỉ IP khi đăng nhập kèm dấu thời gian tương ứng
Thông tin không chứa nội dung (ví dụ: thông tin về phần đầu email nhưng không chứa nội dung) Nội dung email
YouTube
  • Thông tin đăng ký của người đăng ký
  • Địa chỉ IP khi đăng nhập kèm dấu thời gian tương ứng
Địa chỉ IP khi tải video lên kèm theo dấu thời gian
  • Bản sao của một video riêng tư kèm theo thông tin video
  • Nội dung thư cá nhân
Google Voice
  • Thông tin đăng ký của người đăng ký
  • Địa chỉ IP khi đăng ký kèm theo dấu thời gian
  • Bản ghi kết nối điện thoại
  • Thông tin hóa đơn
Số chuyển tiếp
  • Nội dung tin nhắn văn bản được lưu trữ
  • Nội dung thư thoại được lưu trữ
Blogger
  • Trang đăng ký blog
  • Thông tin về người đăng ký của chủ sở hữu blog
  • Địa chỉ IP kèm theo dấu thời gian liên quan đến một bài đăng cụ thể trên blog
  • Địa chỉ IP kèm theo dấu thời gian liên quan đến một bình luận cụ thể trên một bài đăng
Nội dung bình luận và bài đăng trên blog riêng tư

 

Google có phản hồi các yêu cầu pháp lý liên quan đến phá thai không?

Google thận trọng xem xét mọi yêu cầu pháp lý nhằm đảm bảo chúng tuân thủ pháp luật hiện hành, và lâu nay chúng tôi vẫn được ghi nhận về việc từ chối các yêu cầu có phạm vi quá rộng hoặc không phù hợp của chính phủ đối với dữ liệu người dùng, thậm chí hoàn toàn phản đối một số yêu cầu. Ngoài ra, để nhất quán với quy định tại California AB 1242, Google đề nghị các viên chức thực thi pháp luật cấp tiểu bang của Hoa Kỳ phải chứng thực rằng những yêu cầu của họ về việc cung cấp dữ liệu người dùng không liên quan đến các cuộc điều tra về phá thai như quy định trong luật này.

Báo cáo minh bạch về các yêu cầu cung cấp thông tin người dùng

Thế nào là các yêu cầu của chính phủ về việc cung cấp thông tin người dùng?

Khi một cơ quan chính phủ yêu cầu Google tiết lộ thông tin về một ai đó có sử dụng các dịch vụ của Google, thì yêu cầu đó được coi là yêu cầu của chính phủ về việc cung cấp thông tin người dùng. Các cơ quan chính phủ chủ yếu đưa ra các yêu cầu này cho mục đích điều tra tội phạm, tuy nhiên, cũng có thể họ yêu cầu cung cấp thông tin có liên quan đến các vụ việc dân sự hoặc hành chính. Trong báo cáo này, chúng tôi sẽ trình bày số liệu thống kê về các yêu cầu đó.

Yêu cầu tiết lộ khẩn cấp là gì?

Khi có ai đó gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khoẻ, thì cơ quan chính phủ có thể yêu cầu Google tự nguyện tiết lộ thông tin cần thiết để ngăn chặn trường hợp khẩn cấp. Để biết thêm thông tin, vui lòng xem chính sách của chúng tôi về cách Google xử lý các yêu cầu của chính phủ về việc cung cấp thông tin người dùng.

Yêu cầu lưu giữ là gì và yêu cầu này có được tính vào tổng số yêu cầu hay không?

Cơ quan chính phủ có thể yêu cầu Google sao lưu một thông tin cụ thể trong thời gian cơ quan này tiến hành quy trình pháp lý buộc Google phải tiết lộ thông tin đó. Yêu cầu lưu giữ chỉ áp dụng cho thông tin mà Google sở hữu tại thời điểm yêu cầu, chứ không phải thông tin có thể được tạo ra trong tương lai.

Chúng tôi sẽ báo cáo số yêu cầu lưu giữ nhận được, nhưng không tính vào tổng số lần tiết lộ thông tin người dùng vì chúng tôi không tiết lộ bất kỳ thông tin nào của người dùng theo yêu cầu lưu giữ như vậy. Nếu một cơ quan chính phủ đề nghị chúng tôi tiết lộ thông tin đã lưu giữ theo yêu cầu của luật pháp, thì chúng tôi sẽ đưa số lần tiết lộ thông tin đó vào danh mục thích hợp theo quy trình pháp lý.

Dữ liệu xuất hiện trong Báo cáo minh bạch có phải là dữ liệu toàn diện không?

Mục tiêu của chúng tôi là đưa ra một tập dữ liệu toàn diện bao gồm tất cả yêu cầu cung cấp thông tin người dùng mà các cơ quan chính phủ đưa ra cho chúng tôi. Báo cáo toàn cầu này bao gồm các yêu cầu của chính phủ thuộc mọi danh mục và từ mọi quốc gia mà chúng tôi đã xử lý hoặc hoàn tất tại thời điểm xuất bản báo cáo, trừ những yêu cầu được đưa ra theo luật an ninh quốc gia của Hoa Kỳ (thông tin chi tiết về những nội dung như vậy được trình bày riêng). Dù không thể đảm bảo tính chính xác tuyệt đối của những dữ liệu này, nhưng chúng tôi không ngừng nỗ lực cải tiến các quy trình nội bộ và chỉnh sửa hoặc cập nhật dữ liệu để đảm bảo các báo cáo của chúng tôi luôn kịp thời và chính xác.

Trong kỳ báo cáo từ tháng 7 năm 2020 đến tháng 12 năm 2020, chúng tôi đã loại ra những vấn đề mà chúng tôi nhận được nhưng đã bị rút lại do COVID-19 trước khi được xử lý.

Tại sao một số kỳ báo cáo trước đây lại có ít dữ liệu hơn các kỳ báo cáo mới đây?

Vì chúng tôi vẫn tiếp tục tìm ra cách thức mới để cung cấp thêm thông tin và chi tiết hữu ích, nên các kỳ báo cáo trước có thể không chứa những thông tin mới này. Ví dụ:

  • Kể từ giai đoạn tháng 7 đến tháng 12 năm 2010, chúng tôi bắt đầu công bố tỷ lệ phần trăm số yêu cầu cung cấp thông tin người dùng mà chúng tôi có đưa ra ít nhất một vài thông tin
  • Kể từ giai đoạn tháng 1 đến tháng 6 năm 2011, chúng tôi bắt đầu công bố số lượng người dùng hoặc tài khoản mà chúng tôi nhận được yêu cầu cung cấp thông tin về người dùng hoặc tài khoản đó

Số lượng "tài khoản" có phải là con số thống kê toàn diện tổng số người dùng có liên quan đến yêu cầu của chính phủ về việc cung cấp thông tin người dùng hay không?

Cột số “tài khoản” phản ánh số lượng tài khoản có liên quan đến yêu cầu của chính phủ về việc cung cấp thông tin người dùng. Vì một số lý do, số liệu này không nhất thiết là tổng số người dùng riêng biệt. Ví dụ: một Tài khoản Gmail có thể cùng được đề cập đến trong nhiều yêu cầu về việc cung cấp thông tin người dùng, chẳng hạn như trong một trát đòi hầu toà rồi sau đó là trong một lệnh khám xét. Chúng tôi thêm cả hai trường hợp này vào tổng số "tài khoản" ngay cả khi hai trường hợp chỉ là một tài khoản. Tương tự, chúng tôi có thể nhận được yêu cầu về một tài khoản không hề tồn tại. Trong trường hợp đó, chúng tôi vẫn thêm cả yêu cầu và tài khoản không tồn tại vào các số liệu tổng cộng. Cũng có thể chúng tôi nhận được một yêu cầu có nhiều giá trị nhận dạng (chẳng hạn như nhiều URL của video trên YouTube) liên quan đến cùng một tài khoản người dùng. Chúng tôi đã nỗ lực giảm tình trạng đếm tổng quá mức cần thiết, nhưng vẫn quyết định dùng số liệu lớn hơn để tránh bỏ sót.

Ngoài ra, có những trường hợp chúng tôi không đưa tài khoản vào số liệu, chẳng hạn như khi thông tin chúng tôi tiết lộ là thông tin ẩn danh hoặc thông tin được tổng hợp, hoặc khi chúng tôi không xác định được cụ thể các tài khoản trong một yêu cầu mà phải dựa trên những tiêu chí khác trong yêu cầu đó.

Làm cách nào Google tính tỷ lệ phần trăm số yêu cầu có thông tin được cung cấp?

Dù có phản đối một phần yêu cầu, nhưng nếu chúng tôi cung cấp bất kỳ thông tin nào về người dùng theo yêu cầu của chính phủ, thì yêu cầu đó vẫn được tính vào tỷ lệ phần trăm này. Nếu chúng tôi không cung cấp bất kỳ thông tin nào do phản đối toàn bộ yêu cầu hoặc do không có thông tin người dùng phù hợp để cung cấp, thì yêu cầu đó sẽ không được tính vào tỷ lệ phần trăm này.

Hiệp ước tương trợ pháp lý (MLAT) là gì?

MLAT là một hiệp ước giữa hai hoặc nhiều quốc gia, xác định cách thức hỗ trợ nhau liên quan đến các vấn đề pháp lý, chẳng hạn như điều tra tội phạm. Thông qua MLAT, chính phủ của một quốc gia có thể yêu cầu chính phủ của quốc gia khác hỗ trợ thu thập thông tin về các công ty ở quốc gia đó.

Trình đơn chính
5113623559451136093
true
Tìm kiếm trong Trung tâm trợ giúp
true
true
true
false
false