Câu hỏi thường gặp về yêu cầu của chính phủ liên quan đến việc xóa nội dung

 

Yêu cầu xóa nội dung là gì?

Các chính phủ yêu cầu xóa nội dung để xóa thông tin khỏi sản phẩm của Google, chẳng hạn như bài đăng trên blog hoặc video trên YouTube. Dữ liệu bao gồm cả lệnh tòa gửi cho chúng tôi để yêu cầu xóa nội dung, bất kể lệnh tòa có nhắm tới Google hay không. Trong báo cáo này, chúng tôi cũng tính cả những yêu cầu của chính phủ mà chúng tôi xem xét để xác định xem có cần xóa một nội dung cụ thể do vi phạm chính sách nội dung hoặc nguyên tắc cộng đồng của một sản phẩm hay không.
Xin lưu ý rằng mọi yêu cầu tiếp theo nhằm xem xét các mục bổ sung liên quan đến cùng một vấn đề thì chúng tôi đều xem là yêu cầu mới. Trên thực tế, điều này nghĩa là khi một cơ quan chính phủ hoặc tòa án yêu cầu chúng tôi xem xét một mục mới vào một ngày khác, dữ liệu của chúng tôi sẽ xem yêu cầu đó là yêu cầu mới.

Dữ liệu này có toàn diện không?

Vẫn có những giới hạn về ý nghĩa có thể rút ra từ dữ liệu này. Có thể có nhiều yêu cầu xóa liên quan đến cùng một nội dung. Ngoài ra, trong 2 kỳ báo cáo đầu tiên, chúng tôi chưa nêu con số cụ thể về những quốc gia/khu vực có ít hơn 10 yêu cầu, cũng như những quốc gia/khu vực yêu cầu xóa dưới 10 mục, do những hạn chế kỹ thuật riêng của các kỳ báo cáo đó. Tương tự, nếu một cơ quan chính phủ sử dụng một biểu mẫu web mà chúng tôi không thể xác định được ai báo cáo yêu cầu xóa nội dung, thì chúng tôi thường không có cách nào đưa những báo cáo đó vào số liệu thống kê của mình.

Số liệu thống kê của Google có bao gồm tất cả danh mục xóa nội dung không?

Không. Chính sách và hệ thống của chúng tôi được thiết lập nhằm xác định và xóa hình ảnh xâm hại tình dục trẻ em bất cứ khi nào chúng tôi phát hiện thấy, cho dù đó có phải là yêu cầu của chính phủ hay không. Do vậy, khó có thể theo dõi chính xác trường hợp xóa nào trong số đó là do chính phủ yêu cầu và chúng tôi chưa đưa các số liệu thống kê đó vào đây. Chúng tôi tính các yêu cầu xóa đối với mọi loại nội dung khác (ví dụ: nội dung bị cáo buộc là phỉ báng, lời nói căm thù, mạo danh).

Có bao nhiêu yêu cầu trong số này đã dẫn đến việc xóa nội dung?

Số "yêu cầu xóa" thể hiện số lượng yêu cầu chúng tôi nhận được tính trên quốc gia/khu vực; tỷ lệ phần trăm số yêu cầu mà chúng tôi làm căn cứ để xóa nội dung; và số mục nội dung riêng lẻ được yêu cầu xóa.

Việc xóa nội dung có gì khác so với việc chặn dịch vụ?

Một số chính phủ và cơ quan chính phủ chọn chặn dịch vụ cụ thể như một phương thức để kiểm soát hoạt động truy cập nội dung trong khu vực tài phán của họ. Số lượng những trường hợp xóa nội dung mà chúng tôi báo cáo không bao gồm dữ liệu nào về các trường hợp chặn dịch vụ theo thẩm quyền của chính phủ. Biểu đồ lưu lượng truy cập của chúng tôi cho bạn biết thời điểm không thể truy cập được các dịch vụ của Google.

Google có bao giờ xóa nội dung vi phạm luật địa phương mà không có lệnh tòa hoặc yêu cầu của chính phủ không?

Có. Số liệu thống kê chúng tôi báo cáo ở đây không bao gồm các lượt xóa nội dung mà chúng tôi thường xuyên xử lý mỗi ngày theo đơn khiếu nại của người dùng không phải là chính phủ trên các sản phẩm của chúng tôi vì vi phạm chính sách nội dung hoặc nguyên tắc cộng đồng của chúng tôi (ví dụ: chúng tôi không cho phép ngôn từ kích động thù địch trong Blogger và các sản phẩm tương tự). Trong nhiều trường hợp, các yêu cầu này dẫn đến việc xóa tài liệu vi phạm luật địa phương, mà không cần đến yêu cầu của chính phủ hoặc lệnh tòa liên quan đến việc xóa nội dung.

Tại sao Google không tuân theo tất cả yêu cầu xóa nội dung?

Có nhiều lý do có thể khiến chúng tôi không xóa nội dung theo yêu cầu. Một số yêu cầu có thể không đủ cụ thể để chúng tôi biết được chính phủ đó muốn chúng tôi xóa nội dung gì (ví dụ: yêu cầu không chỉ rõ URL nào). Trong khi các yêu cầu khác lại liên quan đến những cáo buộc về nội dung phỉ báng thông qua những bức thư không chính thức của các cơ quan chính phủ chứ không phải lệnh tòa. Nói chung, chúng tôi dựa vào tòa án để quyết định một tuyên bố có tính phỉ báng hay không, căn cứ theo luật địa phương.

Đôi khi, chúng tôi nhận được lệnh tòa giả mạo. Chúng tôi có kiểm tra tính hợp pháp của các tài liệu mà chúng tôi nhận được và nếu xác định được rằng lệnh tòa là giả mạo, chúng tôi sẽ không tuân theo lệnh tòa đó. Sau đây là một số ví dụ về lệnh tòa giả mạo mà chúng tôi nhận được:

  • Chúng tôi đã nhận được một lệnh tòa giả mạo từ Canada yêu cầu xóa các kết quả tìm kiếm liên kết tới 3 trang của trang web forums.somethingawful.com. Lệnh giả mạo này xác nhận rằng trang web chứa các tuyên bố phỉ báng, nhưng không trích dẫn luật mà họ cho là bị vi phạm.
  • Chúng tôi đã nhận được một lệnh tòa giả mạo từ Mỹ yêu cầu xóa một blog với cáo buộc rằng blog đó vi phạm bản quyền của một cá nhân vì sử dụng tên của cá nhân đó trong nhiều bài đăng trên blog.
  • Chúng tôi đã nhận được 4 lệnh tòa giả mạo từ Ấn Độ [1234] yêu cầu xóa các bài đăng trên blog và toàn bộ các blog do bị cáo buộc là có nội dung phỉ báng. Các lệnh này đe đọa sẽ trừng phạt Google nếu không tuân theo.
  • Chúng tôi đã nhận được 4 lệnh tòa giả mạo từ Peru [1234] yêu cầu xóa các bài đăng trên blog và toàn bộ các blog do bị cáo buộc là có nội dung phỉ báng. 2 lệnh trong số này tuyên bố là được ban hành ở New York.
  • Chúng tôi đã nhận được 5 lệnh tòa giả mạo từ Đức [12345] yêu cầu xóa các kết quả tìm kiếm bị cáo buộc là có nội dung phỉ báng. Những lệnh tòa này là do các cá nhân tạo ra, giả mạo làm nhân viên của các tòa án ở Đức.

Nguồn tham khảo nào có thể giúp tôi tìm hiểu thêm về yêu cầu của chính phủ liên quan đến việc xóa nội dung?

Có một số tổ chức độc lập phát hành báo cáo thường xuyên về các yêu cầu của chính phủ liên quan đến việc xóa thông tin và nội dung, trong đó có Lumen và Open Net Initiative

Những điều mà Google quan sát được về dữ liệu có toàn diện không và tất cả những quan sát đó có liên quan đến những chủ đề giống nhau không?

Những quan sát này nhằm nêu bật một số yêu cầu mà chúng tôi đã nhận được trong từng kỳ báo cáo cùng với một số xu hướng mà chúng tôi nhận thấy trong dữ liệu và không mang tính toàn diện.

Tại sao số lượng yêu cầu có lý do được phân loại là "Khác" lại có vẻ nhiều hơn đáng kể trong kỳ báo cáo từ tháng 7 đến tháng 12 năm 2010?

Trước kỳ báo cáo từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2011, chúng tôi không theo dõi lý do của yêu cầu xóa ở cấp độ thật chi tiết. Kết quả là nhiều yêu cầu được phân loại là "Khác" thay vì được phân loại cụ thể hơn.

Tại sao tỷ lệ tuân thủ yêu cầu của cơ quan thực thi pháp luật và cơ quan chính phủ lại cao hơn nhiều so với tỷ lệ tuân thủ lệnh tòa ở nhiều quốc gia/khu vực?

Google đánh giá kỹ từng yêu cầu nhận được, bao gồm cả những yêu cầu đi kèm lệnh tòa. Những cá nhân yêu cầu xóa nội dung thường gửi lệnh tòa kèm theo yêu cầu của họ để cung cấp bằng chứng hỗ trợ cho khiếu nại của họ. Trong một số trường hợp, những lệnh tòa này không bắt buộc Google thực hiện biện pháp xử lý nào. Nói cho đúng thì những lệnh tòa đó là kết quả của việc tranh chấp với bên thứ ba, trong đó tòa án đã xác định rằng một nội dung cụ thể bị coi là bất hợp pháp. Chúng tôi cũng thường nhận được các khiếu nại có lệnh tòa giả mạo hoặc không đủ rõ ràng.

Vì sao số lượng mục được yêu cầu xóa khỏi AdWords có vẻ cao hơn trước năm 2012?

Khi chúng tôi nhận được yêu cầu xóa đối với AdWords, yêu cầu thường chỉ trích dẫn các URL bị cáo buộc là vi phạm luật hoặc chính sách của chúng tôi. Một URL có thể liên quan đến hàng nghìn quảng cáo. Nếu chúng tôi quyết định xóa quảng cáo theo một yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét tổng số quảng cáo mà yêu cầu đó có thể ảnh hưởng.

Cho đến đầu năm 2012, chúng tôi thống kê tổng số quảng cáo bị xóa (chứ không phải số lượng URL hoặc quảng cáo nêu trong yêu cầu xóa). Khi không thực hiện việc xóa nội dung theo yêu cầu, chúng tôi tính số lượng URL được yêu cầu xóa nên số lượng mục ít hơn.

Khi xóa nội dung theo yêu cầu pháp lý, Google có giới hạn phạm vi xóa đối với một khu vực địa lý cụ thể không hay Google sẽ xóa trên phạm vi toàn cầu?

Các tiêu chuẩn pháp lý rất khác nhau tùy theo quốc gia/khu vực. Nội dung vi phạm một luật cụ thể ở một quốc gia/khu vực có thể lại hợp pháp ở các quốc gia/khu vực khác. Thường thì chúng tôi sẽ chỉ xóa hoặc hạn chế quyền truy cập vào nội dung tại quốc gia/khu vực nơi nội dung đó bị coi là bất hợp pháp. Dù vậy, phán quyết của tòa án đôi khi có thể là bằng chứng hữu ích để đánh giá tại một quốc gia khác. Ví dụ: sau khi cho phép tác giả nội dung biện hộ, nếu tòa án cho rằng nội dung của tác giả đó có tính chất phỉ báng hoặc quấy rối, thì chúng tôi có thể xóa nội dung đó tại những quốc gia khác nơi người yêu cầu chứng minh được một mối liên hệ hợp lý. Tuy nhiên, khi phát hiện nội dung vi phạm Nguyên tắc cộng đồng hoặc vi phạm các Điều khoản và Điều kiện của chúng tôi, chúng tôi sẽ xóa hoặc hạn chế quyền truy cập vào nội dung đó trên phạm vi toàn cầu.

Google có quan điểm như thế nào về Nguyên tắc Santa Clara?

Google ủng hộ tinh thần của Nguyên tắc Santa Clara như một nỗ lực giúp định hình cách các công ty trong toàn ngành có thể xem xét tính minh bạch về biện pháp xử lý đối với nội dung.  

Có những loại danh mục nào liên quan đến người yêu cầu?

Có 10 loại danh mục người yêu cầu.

Cơ quan bảo vệ dữ liệu: Yêu cầu của các cơ quan chính phủ có thẩm quyền tài phán đối với các nhà cung cấp dịch vụ điện tử/trực tuyến, và quản lý các hoạt động liên quan đến thông tin cá nhân và quyền riêng tư của công dân. Đôi khi, các cơ quan này hỏi về tình trạng hoặc kết quả của một yêu cầu của chủ thể dữ liệu nào đó mà không nêu rõ quan điểm về cách xử lý yêu cầu đó. Loại câu hỏi này không thuộc danh mục này.

Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng: Yêu cầu của các cơ quan chính phủ có thẩm quyền pháp lý để thực thi luật cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng.  

Cảnh sát: Yêu cầu của các cơ quan chính phủ có trách nhiệm thực thi luật pháp, xử lý tội phạm và duy trì sự an toàn công cộng.

Cơ quan thông tin và truyền thông: Yêu cầu của các cơ quan chính phủ có nhiệm vụ điều chỉnh các lĩnh vực thông tin, truyền thông và/hoặc viễn thông. Ở một số quốc gia, các cơ quan này có nhiệm vụ xác định và báo cáo nội dung bất hợp pháp.

Quân sự: Yêu cầu của các lực lượng vũ trang, không bao gồm cảnh sát và cơ quan tình báo.

Quan chức chính phủ: Yêu cầu mang tính chất cá nhân của một quan chức chính phủ, được đưa ra liên quan đến chính quan chức đó. Danh mục này bao gồm các quan chức được bầu (trước đây hoặc hiện tại) và ứng cử viên cho các chức vụ chính trị.

Lệnh tòa nhằm vào Google: Lệnh tòa xem Google là bị đơn. 

Lệnh tòa nhằm vào bên thứ ba: Lệnh tòa không xem Google là bị đơn, mà tuyên bố rằng nội dung nhất định là bất hợp pháp. 

Lệnh cấm tiết lộ: Lệnh tòa cấm mọi cuộc thảo luận về lệnh này, thậm chí còn cấm không cho tiết lộ về sự tồn tại của lệnh này. 

Khác: Cơ quan chính phủ và lệnh tòa không thuộc bất kỳ danh mục nào khác. 

Chúng tôi chỉ bắt đầu cung cấp dữ liệu chi tiết về loại người yêu cầu là chính phủ từ năm 2019. Trước năm 2019, chúng tôi chỉ cung cấp dữ liệu về việc người yêu cầu thuộc nhánh chính phủ nào. 

Theo cách phân loại trước, Cơ quan hành pháp phản ánh yêu cầu của các Cơ quan bảo vệ dữ liệu, Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng, Cảnh sát, Quân sự, Cơ quan thông tin và truyền thông, Quan chức chính phủ và những loại cơ quan chính phủ khác. 

Theo cách phân loại trước, Cơ quan tư pháp phản ánh yêu cầu liên quan đến lệnh tòa nhằm vào Google và/hoặc bên thứ ba, lệnh cấm và các loại lệnh tòa khác.

Thay vì xóa, YouTube có thể hạn chế một mục bằng những cách nào?

Giới hạn độ tuổi. Một số video không vi phạm Nguyên tắc cộng đồng của chúng tôi, nhưng có thể không phù hợp cho một số đối tượng. Trong những trường hợp này, video có thể bị giới hạn độ tuổi khi chúng tôi nhận được thông báo về nội dung này. Video có giới hạn độ tuổi người xem sẽ không hiển thị cho những người dùng đã đăng xuất, chưa đủ 18 tuổi hoặc đã bật Chế độ hạn chế. Khi đưa ra quyết định này, chúng tôi sẽ thông báo qua email cho người tải lên biết rằng video của họ đã bị giới hạn độ tuổi người xem và họ có thể khiếu nại quyết định này. Tìm hiểu thêm.

Giới hạn tính năng. Nếu nhóm đánh giá Nguyên tắc cộng đồng của chúng tôi xác định rằng một video có khả năng vi phạm chính sách của chúng tôi, thì chúng tôi có thể tắt một số tính năng của video đó. Những video này vẫn có trên YouTube nhưng sẽ hiển thị sau thông báo cảnh báo và bị tắt một số tính năng, bao gồm cả tính năng chia sẻ, bình luận, thích và tính năng đưa vào danh sách các video đề xuất. Những video đó cũng không đủ điều kiện tham gia kiếm tiền. Khi đưa ra quyết định này, chúng tôi sẽ thông báo qua email cho người tải lên biết rằng video của họ sẽ bị giới hạn các tính năng và họ có thể khiếu nại quyết định này. Tìm hiểu thêm.

Bị khóa trong chế độ riêng tư. Một video có thể bị khóa trong chế độ riêng tư nếu chúng tôi xác định video đó vi phạm chính sách về siêu dữ liệu gây hiểu lầm. Khi bị khóa trong chế độ riêng tư, video sẽ không xuất hiện công khai. Nếu người xem có liên kết đến video đó, video đó sẽ vẫn không xem được. Khi đưa ra quyết định này, chúng tôi sẽ thông báo qua email cho người tải lên biết rằng video của họ không còn công khai nữa và họ có thể khiếu nại quyết định này. Tìm hiểu thêm.

Tắt tính năng kiếm tiền. Nếu một video không tuân thủ nguyên tắc của chúng tôi về nội dung thân thiện với nhà quảng cáo, thì video đó có thể bị gắn nhãn “Quảng cáo hạn chế hoặc không có quảng cáo”

Các biện pháp nhằm hạn chế video kể trên hiện không được đưa vào báo cáo.

Làm thế nào để xác định lý do cho yêu cầu xóa?

Yêu cầu thuộc danh mục “An ninh quốc gia” là yêu cầu có liên quan đến các tuyên bố đe dọa an ninh trên quy mô lớn. Danh mục này có thể bao gồm nhưng không giới hạn ở các khiếu nại về chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan, mối đe dọa đối với quốc gia, vi phạm an ninh liên bang/tiểu bang, v.v.

Yêu cầu thuộc danh mục “Làm tổn hại” là yêu cầu có liên quan đến hành vi gây tổn hại danh tiếng. Danh mục này có thể bao gồm nhưng không giới hạn ở các khiếu nại về việc bôi nhọ, vu khống và phỉ báng tổ chức.

Yêu cầu thuộc danh mục “Bản quyền” là yêu cầu có liên quan đến các cáo buộc vi phạm bản quyền, nhận được dưới dạng thông báo và tuân theo luật gỡ bỏ, chẳng hạn như Đạo luật bản quyền kỹ thuật số thiên niên kỷ của Hoa Kỳ.

Yêu cầu thuộc danh mục “Hàng hóa và dịch vụ thuộc diện quản lý” là yêu cầu có liên quan đến các khiếu nại về việc vi phạm nhiều luật địa phương của một quốc gia. Danh mục này có thể bao gồm nhưng không giới hạn ở hoạt động bán/giao dịch/quảng cáo dược phẩm, rượu, thuốc lá, pháo hoa, vũ khí, cờ bạc, mại dâm và/hoặc các thiết bị/dịch vụ y tế và sức khỏe bất hợp pháp.

Yêu cầu thuộc danh mục “Quyền riêng tư và bảo mật” là yêu cầu có liên quan đến các khiếu nại về việc vi phạm quyền riêng tư hoặc thông tin cá nhân của một người dùng. Danh mục này có thể bao gồm nhưng không giới hạn ở: hành vi trộm cắp danh tính, hành vi xâm nhập dữ liệu, hành vi tiết lộ thông tin cá nhân một cách không mong muốn, hình ảnh phản cảm không có sự đồng thuận hoặc các yêu cầu dựa trên luật về quyền riêng tư.

Yêu cầu thuộc danh mục “Bắt nạt/Quấy rối” là yêu cầu có liên quan đến các khiếu nại về hành vi có chủ ý mà nạn nhân cho là đe dọa hoặc làm phiền.

Yêu cầu thuộc danh mục “Khiếu nại về doanh nghiệp” là yêu cầu có liên quan đến các khiếu nại về nội dung bị cáo buộc là bất hợp pháp vì nó thúc đẩy hành vi cạnh tranh không lành mạnh hoặc chỉ trích đối thủ cạnh tranh trong kinh doanh vì mục tiêu giành thị phần.

Yêu cầu thuộc danh mục “Luật bầu cử” là yêu cầu có liên quan đến các khiếu nại về việc vi phạm luật địa phương đối với quy trình bầu cử và/hoặc phát ngôn về các ứng cử viên.

Yêu cầu thuộc danh mục “Gian lận” là yêu cầu có liên quan đến các khiếu nại về gian lận tài chính. Danh mục này có thể bao gồm nhưng không giới hạn ở các khiếu nại về hành vi lừa đảo việc làm và hoạt động tài chính gian lận.

Yêu cầu thuộc danh mục “Tranh chấp địa lý” là yêu cầu có liên quan đến nội dung bị cáo buộc là bất hợp pháp do các khiếu nại về việc xác định sai một đường biên giới theo cách nào đó. Danh mục này có thể bao gồm nhưng không giới hạn ở các khiếu nại về tên của đảo, biển và các đối tượng địa lý khác.

Yêu cầu thuộc danh mục “Chỉ trích về chính phủ” là yêu cầu có liên quan đến các khiếu nại về việc chỉ trích chính sách của chính phủ hoặc các chính trị gia trên cương vị chính thức của họ.

Yêu cầu thuộc danh mục “Mạo danh” là yêu cầu có liên quan đến các khiếu nại về việc chiếm đoạt danh tính một cách ác ý để làm tổn hại danh tiếng của nạn nhân. Danh mục này có thể bao gồm nhưng không giới hạn ở các khiếu nại về việc tài khoản bị tấn công và danh tính bị đánh cắp.

Yêu cầu thuộc danh mục “Nhãn hiệu” là yêu cầu có liên quan đến các khiếu nại về hình dáng thương mại và/hoặc nhãn hiệu đặc trưng. Danh mục này bao gồm nhưng không giới hạn ở các khiếu nại về hàng giả và nhãn hiệu.

Yêu cầu thuộc danh mục “Xúc phạm tôn giáo” là yêu cầu có liên quan đến các luật dùng để bảo vệ danh tiếng của nhân vật tôn giáo. Danh mục này có thể bao gồm nhưng không giới hạn ở các khiếu nại về việc báng bổ, nội dung mô tả “vô đạo” và tranh chấp giữa các nhóm tôn giáo.

Yêu cầu thuộc danh mục “Lạm dụng ma túy” là yêu cầu có liên quan đến các khiếu nại về nội dung bị cáo buộc là bất hợp pháp vì mô tả ma túy hoặc cách sử dụng chúng. Danh mục này có thể bao gồm nhưng không giới hạn ở các khiếu nại về việc trồng ma túy, kỹ thuật sử dụng ma túy và nội dung tôn vinh việc sử dụng ma túy.

Yêu cầu thuộc danh mục "Nội dung tục tĩu/ảnh khỏa thân" là yêu cầu có liên quan đến các khiếu nại về nội dung không phải là khiêu dâm nhưng có thể vi phạm các luật liên quan đến ảnh khoả thân. Danh mục này có thể bao gồm nhưng không giới hạn ở các khiếu nại về nội dung mô tả dâm dục, ảnh khỏa thân hoặc ngực trần và khiếm nhã.

Yêu cầu thuộc danh mục “Nội dung khiêu dâm” là yêu cầu có liên quan đến các khiếu nại về nội dung khiêu dâm.

Yêu cầu thuộc danh mục “Tự tử” là yêu cầu có liên quan đến các khiếu nại về nội dung mô tả hoặc kích động hành vi tự tử.

Yêu cầu thuộc danh mục “Bạo lực” là yêu cầu có liên quan đến các khiếu nại về việc cố ý sử dụng vũ lực hoặc sức mạnh để gây hại đối với sinh vật sống. Danh mục này có thể bao gồm nhưng không giới hạn ở các khiếu nại về việc ngược đãi động vật.

Yêu cầu thuộc danh mục “Lời nói căm thù” là yêu cầu có liên quan đến các khiếu nại về việc kích động bạo lực chống lại các nhóm người được bảo vệ hoặc về lời lẽ phân biệt chủng tộc. Danh mục này có thể bao gồm nhưng không giới hạn ở các cáo buộc về nội dung tuyên truyền của Đức Quốc xã và nội dung chống người Do Thái hoặc các nội dung phân biệt chủng tộc khác.

Các danh mục trong tỷ lệ phần trăm xóa bao gồm những loại nào?

Đã xóa vì lý do pháp lý: Các mục bị xóa vì lý do pháp lý.  

Đã xóa do vi phạm chính sách: Các mục bị xóa do vi phạm Điều khoản dịch vụ và/hoặc Nguyên tắc cộng đồng của Google hoặc YouTube. 

Không tìm thấy nội dung: Không tìm thấy nội dung bị cáo buộc là vi phạm trong mục hoặc vị trí đã chỉ định.  

Không đủ thông tin: Không thể đưa ra quyết định vì Google hoặc YouTube cần có thêm thông tin để xử lý yêu cầu. Ví dụ: người yêu cầu đã cung cấp một mục không đầy đủ hoặc chưa cung cấp lý do yêu cầu xóa một mục.

Không xử lý – Khác: Mục không bị xóa. Danh mục này cũng bao gồm các mục trùng lặp. Trước năm 2020, do các giới hạn về việc theo dõi dữ liệu, trong một số trường hợp, chúng tôi không thể thu thập thông tin chi tiết liên quan đến một số biện pháp xử lý không cần xóa. Do đó, các biện pháp xử lý không cần xóa sẽ được báo cáo trong danh mục này. 

Nội dung đã xóa từ trước: Mục đã bị xóa trước đó trong một yêu cầu khác. 

Trước năm 2019, chúng tôi công bố "Tỷ lệ phần trăm xóa" dựa theo biện pháp xử lý đã tiến hành theo yêu cầu, chứ không phải theo các mục. Từ năm 2019 trở đi, chúng tôi công bố tỷ lệ phần trăm xóa dựa theo biện pháp xử lý đã tiến hành trên mỗi mục. 

Theo cách phân loại trước, "Biện pháp xử lý đã tiến hành" phản ánh các danh mục "Đã xóa – Pháp lý" và "Đã xóa – Chính sách". 

Theo cách phân loại trước, danh mục “Không xử lý” bao quát các danh mục “Không tìm thấy nội dung”, “Không đủ thông tin”, “Không xử lý – Khác” và “Nội dung đã xóa từ trước”.
Trình đơn chính
1781994697121798044
true
Tìm kiếm trong Trung tâm trợ giúp
true
true
true
false
false