I. Quyền được lãng quên là gì?
"Quyền được lãng quên" là tên thường gọi của một quyền được thiết lập lần đầu vào tháng 5 năm 2014 tại Liên minh Châu Âu theo một phán quyết của Tòa án Công lý Châu Âu. Tòa án này phán quyết rằng luật bảo vệ dữ liệu của Châu Âu trao cho mỗi cá nhân quyền yêu cầu các công cụ tìm kiếm như Google xóa một số kết quả tìm kiếm cho những cụm từ tìm kiếm liên quan đến tên của một người. Để quyết định nội dung nào cần xóa, các công cụ tìm kiếm phải cân nhắc xem liệu thông tin trong yêu cầu có "sai, thiếu, không phù hợp hay thừa" hay không và liệu phần thông tin còn lại không bị xóa trong kết quả tìm kiếm có đem lại lợi ích cho cộng đồng hay không.
Năm 2018, Liên minh Châu Âu đã áp dụng Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR). Điều 17 của Quy định GDPR quy định về "quyền yêu cầu xóa" tương tự như quyền được Tòa án Công lý Châu Âu công nhận theo luật cũ mà GDPR đã thay thế. Một số quốc gia bên ngoài Liên minh Châu Âu cũng đã áp dụng các luật tương tự. Chẳng hạn, vào tháng 7 năm 2015, Nga đã thông qua luật cho phép công dân xóa một đường liên kết khỏi các công cụ tìm kiếm của Nga nếu đường liên kết đó "vi phạm luật pháp tại Nga hoặc cung cấp thông tin sai sự thật hay đã lỗi thời" [26]. Thổ Nhĩ Kỳ và Serbia cũng đã thiết lập các quyền tương tự như quyền được lãng quên.
II. Ai có thể yêu cầu xóa nội dung theo luật bảo vệ dữ liệu?
Nhìn chung, quy tắc bảo vệ dữ liệu chỉ áp dụng cho việc xử lý dữ liệu cá nhân liên quan đến người dùng cá nhân. Các công ty và pháp nhân khác thường không có quyền yêu cầu xóa nội dung xuất hiện cho những cụm từ tìm kiếm dựa trên tên của tổ chức của họ.
Đa số yêu cầu đều do người bị ảnh hưởng gửi trực tiếp. Tuy nhiên, bạn có thể thay mặt người khác gửi yêu cầu với điều kiện bạn có thể xác nhận rằng bạn được ủy quyền hợp pháp. Vui lòng kiểm tra luật tại địa phương của bạn để tìm hiểu thêm về các quyền hợp pháp của bạn và liệu bạn có đủ điều kiện hay không.
III. Những việc bạn có thể kiểm tra trước khi gửi yêu cầu
Nếu chính bạn phát hành nội dung đó, bạn có thể xóa nội dung liên quan khỏi môi trường web hoặc ngăn nội dung đó xuất hiện trong các kết quả tìm kiếm. Nhiều mạng xã hội cung cấp các chế độ kiểm soát quyền riêng tư để bảo vệ nội dung mà bạn tạo, đồng thời cung cấp cách gỡ bỏ nội dung vi phạm do người khác đăng.
Xem danh sách một số công cụ phổ biến
Nếu bạn có thể xóa nội dung khỏi môi trường web, thì kết quả của Google sẽ cập nhật sau lần kế tiếp trình thu thập dữ liệu tìm kiếm của chúng tôi truy cập trang hữu quan. Nếu bản xem trước kết quả tìm kiếm của Google (hay còn gọi là "đoạn trích") không hiển thị phiên bản hiện tại của trang đó, thì bạn có thể dùng công cụ này để yêu cầu chúng tôi tạm thời chặn đoạn trích đó.
IV. Tôi có thể gửi yêu cầu bằng cách nào?
Hãy điền vào biểu mẫu trực tuyến này để gửi yêu cầu. Đừng quên cung cấp những thông tin sau:
- (Các) URL cụ thể của nội dung mà bạn muốn xóa. Bạn có thể tìm hiểu cách tìm đúng URL tại đây.
- Một phần mô tả lý do tại sao nội dung này lại liên quan đến bạn và lý do chúng tôi nên xóa nội dung đó khỏi các kết quả tìm kiếm của Google.
- Cụm từ tìm kiếm cho nội dung mà bạn muốn xóa, tức là tên đầy đủ của bạn. Bạn cũng có thể yêu cầu chúng tôi xóa nội dung liên quan đến một tên khác, chẳng hạn như biệt hiệu. Trong trường hợp này, vui lòng cho chúng tôi biết cái tên này có liên quan như thế nào đến danh tính của bạn.
- Địa chỉ email mà chúng tôi có thể dùng để liên hệ với bạn.
Bạn nên cung cấp đầy đủ thông tin cơ bản cần thiết để giúp chúng tôi đánh giá yêu cầu của bạn một cách hiệu quả thông qua việc xem xét mọi thông tin mà bạn cung cấp. Đôi khi, chúng tôi cần thêm thông tin để có thể đưa ra quyết định cho yêu cầu của bạn. Trong trường hợp đó, chúng tôi sẽ gửi cho bạn một email và yêu cầu thêm thông tin, sau đó, chúng tôi chờ bạn phản hồi rồi mới tiến hành các bước tiếp theo.
V. Google áp dụng quy trình như thế nào để đưa ra quyết định?
Chuyên gia đánh giá của chúng tôi sẽ xem xét yêu cầu của bạn theo cách thủ công. Nhìn chung, người đánh giá sẽ xem xét liệu thông tin này có thể đem lại lợi ích cho cộng đồng hay không, đồng thời cân nhắc giữa lợi ích đó với quyền của bạn theo luật bảo vệ dữ liệu hiện hành.
Thông tin này có thể đem lại lợi ích cho cộng đồng vì nhiều lý do. Để cân đối hợp lý giữa các yếu tố, Google sẽ tham khảo một số nguồn, chẳng hạn như nguyên tắc do các cơ quan bảo vệ dữ liệu của Châu Âu đề ra, trong đó có nguyên tắc của Nhóm hoạt động theo Điều khoản 29 về việc triển khai phán quyết của tòa án châu Âu, nguyên tắc của Ban bảo vệ dữ liệu Châu Âu và án lệ của Tòa án Công lý Châu Âu, trong đó nêu rõ cách hiểu chung đối với luật bảo vệ dữ liệu của Liên minh Châu Âu.
Chuyên gia đánh giá của chúng tôi sẽ xem xét những yếu tố như:
Vai trò của bạn trong đời sống cộng đồng
Nhân vật của công chúng là những người như chính trị gia, người nổi tiếng, lãnh đạo doanh nghiệp hoặc lãnh đạo tôn giáo, người có địa vị xã hội nhất định dựa trên công việc, chức trách hoặc nhiệm vụ của họ và có sức ảnh hưởng đối với xã hội thông qua vị trí đó.
- Chúng tôi sẽ xem xét liệu thông tin bạn yêu cầu xóa có liên quan đến vai trò xã hội của bạn không và liên quan như thế nào. Thông tin này càng ít liên quan đến hình ảnh của bạn trong mắt công chúng thì càng có khả năng chúng tôi đồng ý xóa thông tin này.
Ví dụ: nếu bạn là một kiến trúc sư, thông tin về cuộc sống cá nhân của bạn có thể không liên quan đến vai trò xã hội của bạn. Tuy nhiên, nếu nội dung này chỉ trích năng lực của bạn trong vai trò kiến trúc sư, thì ít có khả năng chúng tôi sẽ xóa nội dung này. Phương pháp của chúng tôi ở đây là đánh giá xem nếu cộng đồng có thể truy cập thông tin này thì họ có thể tránh việc gặp phải hành vi sai trái về mặt xã hội hoặc về mặt chuyên môn hay không, hoặc thông tin này có giúp họ hiểu rõ hơn về hồ sơ chuyên môn hay vai trò xã hội của bạn hay không.
- Chúng tôi cũng xem xét tầm quan trọng của vai trò xã hội của bạn. Ví dụ: ứng viên tranh cử cho một chức vụ chính trị đang yêu cầu những người bỏ phiếu công khai đánh giá xem họ có phù hợp với vị trí đó hay không thông qua nhiều yếu tố. Ít có khả năng chúng tôi sẽ xóa thông tin về các ứng cử viên chính trị, quan chức cấp cao của nhà nước và những đối tượng tương tự.
- Khi một người không còn đóng một vai trò xã hội nào đó nữa, thì lợi ích cộng đồng liên quan đến vai trò đó sẽ phụ thuộc vào việc vai trò cũ của họ thuộc cấp bậc nào, hiện tại họ có vai trò gì và thời gian từ lúc đó đến giờ là bao lâu. Ví dụ: nếu một người có khả năng sẽ tranh cử công khai một lần nữa hoặc người này vẫn đang có vai trò xã hội thông qua một vị trí khác và vẫn có ảnh hưởng đến công chúng, thì chúng tôi thường sẽ giữ lại thông tin về họ cho mục đích tham khảo. Chẳng hạn, sẽ rất hiếm khi chúng tôi xóa thông tin về người đứng đầu chính phủ.
Nguồn gốc của thông tin
- Nếu trang đó nằm trên một trang web của chính phủ,, chúng tôi sẽ liên tục xem xét liệu có phải chính phủ quyết định công khai thông tin này và chủ động cung cấp cho các công cụ tìm kiếm hay không. Chúng tôi sẽ hết sức tôn trọng quyết định đó. Hồ sơ của chính phủ đóng vai trò thiết yếu trong việc cung cấp cho xã hội thông tin về các vấn đề mà công chúng quan tâm và việc chính phủ quyết định tiếp tục công khai thông tin đó là minh chứng rõ ràng cho thấy thông tin vẫn còn đem lại lợi ích cho cộng đồng.
- Nếu thông tin đó nằm trên một trang web tin tức và được ghi nhận là một phần của hoạt động báo chí, thì nghĩa là các nhà báo đã quyết định rằng nội dung này mang lại lợi ích cho cộng đồng. Chúng tôi sẽ cân nhắc đến quan điểm của kênh truyền thông này trên phương diện báo chí để xác định thông tin nào là phù hợp và có lợi ích cho cộng đồng, đặc biệt là đối với tài liệu phát hành gần đây.
Thời điểm phát hành nội dung
- Chúng tôi sẽ đánh giá xem thông tin trong kết quả tìm kiếm có còn phù hợp với tình hình thực tế hay không. Mức độ phù hợp thường liên quan chặt chẽ đến thời điểm phát hành nội dung.
- Chúng tôi sẽ đánh giá xem liệu có phải thông tin vẫn tương đối mới và chưa lỗi thời vì một sự kiện xảy ra sau khi phát hành thông tin này. Ví dụ: bản tin về một phiên tòa hình sự sắp tới có khả năng sẽ nhanh chóng lỗi thời nếu phiên tòa kết thúc mà không kết án hoặc nếu lời tuyên án bị phủ quyết do một quyết định phúc thẩm.
- Nếu thông tin có liên quan đến vai trò xã hội của bạn tại thời điểm phát hành, thì chúng tôi sẽ xem xét liệu bạn đã rời khỏi vai trò đó hay chưa và hiện tại bạn có đang giữ vai trò tương tự nào hay không, để xem thông tin còn liên quan đến bạn không. Ví dụ: nếu thông tin nói về vai trò lãnh đạo của bạn trong một công ty và bạn vẫn đang lãnh đạo công ty đó hoặc một công ty tương tự, thì ít có khả năng chúng tôi sẽ xóa thông tin này kể cả sau khi thông tin này đã phát hành một thời gian.
Ảnh hưởng đối với người dùng của Google
- Chúng tôi sẽ đánh giá xem những người sử dụng Google Tìm kiếm để tìm tên của bạn có thu được lợi ích quan trọng nào nếu tìm ra thông tin hữu quan hay không. Ví dụ: nếu bạn là một nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp, thì bài đánh giá của khách hàng cũ về những dịch vụ đó có khả năng sẽ đem lại lợi ích chính đáng cho khách hàng tương lai.
- Tương tự như vậy, nếu thông tin có liên quan đến một bản án hình sự, chúng tôi sẽ cân nhắc xem liệu có nhất thiết phải tiếp tục hiển thị thông tin để bảo vệ quyền tự do thông tin của người dùng hay không, trong đó có việc thông tin này giúp người dùng tự bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ xảy ra các tội phạm tương tự trong tương lai. Trong quá trình cân nhắc khoảng thời gian cần thiết trước khi xóa thông tin về một vụ án, chúng tôi cũng tham khảo các quy tắc sở tại về việc khi nào thì một bản án được xóa khỏi lý lịch hoặc được niêm phong, nghĩa là những thủ tục cho phép người có tiền án được xóa bỏ tiền án đó một cách hợp pháp.
Đúng hay sai sự thật
- Chúng tôi không có đủ thẩm quyền để đánh giá xem một tuyên bố về bạn là đúng hay sai. Không giống như tòa án, chúng tôi không thể gọi nhân chứng hay lấy bằng chứng được tuyên thệ, chúng tôi cũng không biết hết những dữ kiện mà một thẩm phán có thể biết để quyết định đúng sai.
- Nếu bạn muốn chứng minh rằng thông tin đó là sai, vui lòng cung cấp bằng chứng đáng tin cậy. Ví dụ, nếu một tòa án đã đưa ra phán quyết có lợi cho bạn trong một vụ kiện liên quan đến các tuyên bố chống lại bạn, thì chúng tôi sẽ tôn trọng quyết định đó.
Dữ liệu nhạy cảm
- Chúng tôi sẽ cân nhắc về mức độ nhạy cảm hoặc mức độ riêng tư của nội dung. Ví dụ: nội dung nhạy cảm có thể bao gồm thông tin về sức khỏe, xu hướng tính dục, chủng tộc, nguồn gốc dân tộc hoặc tôn giáo của một người nào đó. Có khả năng cao là chúng tôi sẽ xóa nội dung chứa những thông tin như vậy, đặc biệt là nếu người yêu cầu không đồng ý công khai những thông tin đó.
Không có yếu tố nào trong số này mang tính tuyệt đối và danh sách trên cũng chưa đầy đủ. Thông thường, mỗi trường hợp sẽ đòi hỏi chúng tôi phải cân nhắc nhiều yếu tố một cách cẩn thận trước khi quyết định. Nếu không có đầy đủ thông tin cần thiết, chúng tôi có thể sẽ yêu cầu bạn cung cấp thêm thông tin. Thông tin đó giúp chúng tôi nắm được những yếu tố có thể ảnh hưởng đến yêu cầu của bạn.
VI. Việc xóa nội dung theo luật bảo vệ dữ liệu có ảnh hưởng như thế nào?
Chúng tôi sẽ chỉ xóa nội dung khỏi kết quả tìm kiếm cho những cụm từ tìm kiếm liên quan đến tên của bạn. Nội dung đã xóa liên quan đến tên của bạn có thể vẫn xuất hiện trong các kết quả của chúng tôi cho những cụm từ tìm kiếm khác.
Chúng tôi tôn trọng phạm vi áp dụng theo lãnh thổ của luật liên quan tại vị trí của bạn. Ví dụ: Tại Liên minh Châu Âu, chúng tôi sẽ xóa URL khỏi phiên bản kết quả tìm kiếm của Google dành cho những quốc gia áp dụng luật bảo vệ dữ liệu của Châu Âu. Chúng tôi cũng sẽ sử dụng tín hiệu vị trí địa lý (như địa chỉ IP) để hạn chế quyền truy cập vào URL đã xóa trên mọi dịch vụ của Google Tìm kiếm nếu chúng tôi cho rằng người dùng đang ở quốc gia của người yêu cầu. Theo quyết định của Tòa án Công lý Châu Âu năm 2019, chúng tôi không áp dụng việc xóa này cho dịch vụ tại các quốc gia bên ngoài Liên minh Châu Âu.
Nếu muốn xóa một trang khỏi các kết quả tìm kiếm ở một quốc gia khác, bạn có thể gửi yêu cầu tại đây và giải thích lý do luật của quốc gia đó yêu cầu xóa trang này.
VII. Tôi có thể tìm thêm thông tin ở đâu?
Để biết thêm thông tin, hãy xem bài viết Câu hỏi thường gặp về yêu cầu xóa nội dung riêng tư khỏi Tìm kiếm tại Châu Âu. Để biết thêm thông tin chuyên sâu, bạn có thể đọc bài viết “5 năm của Quyền được lãng quên”.
Trong Báo cáo minh bạch của chúng tôi, bạn có thể tìm được nhiều thông tin về dữ liệu và ví dụ ẩn danh về các yêu cầu mà chúng tôi nhận được. Xin lưu ý rằng đây là những yêu cầu có thật nên chúng tôi phải bảo vệ quyền riêng tư của người yêu cầu. Có nghĩa là chúng tôi không thể chia sẻ thêm thông tin về từng trường hợp hoặc về quy trình ra quyết định.