Vào tháng 11 năm 2023, chúng tôi đã thay đổi các yêu cầu đối với việc xuất bản ứng dụng mới lên Google Play để giúp nhà phát triển thử nghiệm ứng dụng, xác định vấn đề, nhận phản hồi và đảm bảo mọi thứ đều sẵn sàng trước khi ra mắt ứng dụng. Những thay đổi này yêu cầu nhà phát triển có tài khoản cá nhân được tạo sau ngày 13 tháng 11 năm 2023 phải đáp ứng một số yêu cầu cụ thể về thử nghiệm thì mới có thể phân phối ứng dụng trên Google Play.
Bài viết này đưa ra thông tin tổng quan về các yêu cầu mới, nội dung tóm tắt về các kênh thử nghiệm trên Play Console và các bước mà nhà phát triển có tài khoản cá nhân cần thực hiện để phân phối ứng dụng cho người dùng trên Google Play.
Giới thiệu các yêu cầu về thử nghiệm đối với tài khoản cá nhân mới tạo
Thử nghiệm là một phần không thể thiếu trong quá trình phát triển ứng dụng. Bằng cách chạy các quy trình thử nghiệm cho ứng dụng một cách nhất quán, bạn có thể xác minh độ chính xác, hành vi của chức năng và khả năng hữu dụng của ứng dụng trước khi phát hành chính thức. Việc này giúp giảm thiểu tác động của các vấn đề kỹ thuật hoặc vấn đề liên quan đến trải nghiệm người dùng, đồng thời giúp bạn phát hành phiên bản tốt nhất của ứng dụng. Nhờ thường xuyên sử dụng các công cụ thử nghiệm của Play Console trước khi xuất bản ứng dụng, nhà phát triển có thể mang lại trải nghiệm chất lượng cao hơn, dẫn đến điểm xếp hạng cao hơn và thành công hơn trên Google Play.
Để giúp tất cả nhà phát triển phân phối ứng dụng chất lượng cao, chúng tôi đưa ra một số yêu cầu mới đối với việc thử nghiệm. Nhà phát triển có tài khoản cá nhân được tạo sau ngày 13 tháng 11 năm 2023 sẽ phải thử nghiệm ứng dụng thì các ứng dụng đó mới đủ điều kiện được xuất bản để phân phối trên Google Play. Một số tính năng trong Play Console, như Phát hành công khai (Thử nghiệm và phát hành > Phát hành công khai) và Đăng ký trước (Thử nghiệm và phát hành > Thử nghiệm > Đăng ký trước), sẽ bị vô hiệu hoá cho đến khi nhà phát triển đáp ứng các yêu cầu này.
Tổng quan các yêu cầu về thử nghiệm
Nếu mới tạo tài khoản nhà phát triển cá nhân, bạn phải chạy thử nghiệm khép kín cho ứng dụng của mình với tối thiểu 12 người thử nghiệm tham gia liên tục trong ít nhất 14 ngày qua. Khi đáp ứng những tiêu chí này, bạn có thể đăng ký quyền truy cập vào kênh phát hành công khai trên Trang tổng quan trong Play Console. Nhờ đó, rốt cuộc bạn sẽ có thể phân phối ứng dụng của mình trên Google Play. Khi đăng ký, bạn phải trả lời một số câu hỏi để giúp chúng tôi hiểu về ứng dụng của bạn, quy trình thử nghiệm và mức độ sẵn sàng phát hành công khai của ứng dụng đó.
Bạn có thể đọc chi tiết hơn về các loại kênh thử nghiệm và yêu cầu của từng kênh trong phần dưới đây, cũng như xem thêm thông tin chi tiết về cách đăng ký quyền truy cập vào kênh phát hành công khai.
Tìm hiểu các kênh thử nghiệm và yêu cầu của từng kênh
Play Console cung cấp nhiều loại kênh thử nghiệm để bạn có thể từng bước tăng cường thử nghiệm và cải thiện ứng dụng cho đến khi ứng dụng sẵn sàng tiếp cận hàng tỷ người dùng trên Google Play.
- Thử nghiệm nội bộ: Trước khi hoàn tất quá trình thiết lập ứng dụng, bạn có thể nhanh chóng phân phối bản dựng cho một nhóm nhỏ người thử nghiệm đáng tin cậy của riêng mình. Việc này có thể giúp bạn xác định các vấn đề và thu thập ý kiến phản hồi ban đầu. Thông thường, người thử nghiệm có thể sử dụng bản dựng chỉ sau vài giây bạn thêm bản dựng vào Play Console. Tuy không bắt buộc, nhưng bạn nên bắt đầu từ quy trình thử nghiệm nội bộ.
- Thử nghiệm khép kín: Với quy trình thử nghiệm khép kín, bạn có thể chia sẻ ứng dụng của mình với một nhóm nhiều người dùng do bạn kiểm soát. Việc này giúp bạn khắc phục các vấn đề và đảm bảo rằng ứng dụng của bạn tuân thủ chính sách của Google Play trước khi ra mắt. Để đăng ký xuất bản công khai ứng dụng, bạn phải chạy một quy trình thử nghiệm khép kín. Ít nhất 12 người thử nghiệm phải duy trì việc tham gia thử nghiệm khép kín khi bạn đăng ký quyền truy cập vào kênh phát hành công khai. Họ phải duy trì tham gia liên tục trong 14 ngày qua. Bạn có thể bắt đầu quy trình thử nghiệm khép kín sau khi thiết lập xong ứng dụng.
- Thử nghiệm công khai: Bạn có thể đưa phiên bản thử nghiệm của ứng dụng lên Google Play. Nếu bạn thử nghiệm công khai thì tất cả người dùng trên Google Play đều có thể tham gia chương trình thử nghiệm đó và gửi phản hồi riêng tư cho bạn. Trước khi chọn phương án này, hãy đảm bảo ứng dụng và trang thông tin trên Cửa hàng Play của bạn đã sẵn sàng xuất hiện trên Google Play. Bạn chỉ có thể thử nghiệm công khai khi có quyền truy cập vào kênh phát hành công khai.
- Phát hành công khai: Nơi bạn đưa ứng dụng đến với hàng tỷ người dùng trên Google Play. Bạn cần chạy một thử nghiệm khép kín đáp ứng các tiêu chí của chúng tôi thì mới có thể đăng ký phát hành công khai ứng dụng. Khi đăng ký, bạn cũng cần trả lời một số câu hỏi về thử nghiệm khép kín đó. Khi đăng ký quyền truy cập vào kênh phát hành công khai, bạn phải có ít nhất 12 người thử nghiệm tham gia thử nghiệm khép kín của mình. Họ phải duy trì tham gia liên tục trong 14 ngày qua.
Bạn có thể xem bảng dưới đây để nhanh chóng kiểm tra hoặc tham khảo mục tiêu của từng kênh cũng như những yêu cầu (nếu có) đối với từng kênh đó.
Loại kênh | Mục đích | Các yêu cầu để được truy cập kênh này |
Thử nghiệm nội bộ | Nhanh chóng phân phối bản dựng tới một nhóm nhỏ người thử nghiệm đáng tin cậy của riêng bạn nhằm xác định vấn đề và thu thập ý kiến phản hồi ban đầu (trước hoặc sau khi bạn hoàn tất việc thiết lập ứng dụng). | Không có. |
Thử nghiệm khép kín | Chia sẻ ứng dụng của bạn với một nhóm gồm đa dạng người dùng do bạn kiểm soát để có thể khắc phục vấn đề và đảm bảo ứng dụng tuân thủ chính sách của Google Play trước khi ra mắt. | Phải thiết lập ứng dụng xong. |
Thử nghiệm công khai |
Đưa phiên bản thử nghiệm của ứng dụng lên Google Play – ai cũng có thể tham gia thử nghiệm của bạn và gửi phản hồi riêng cho bạn. |
Phải có quyền truy cập vào kênh phát hành công khai để có thể thử nghiệm công khai. |
Phát hành công khai | Đưa ứng dụng đến với hàng tỷ người dùng trên Google Play |
Để có thể đăng ký quyền truy cập vào kênh phát hành công khai, bạn phải chạy một thử nghiệm khép kín với ít nhất 12 người thử nghiệm tham gia trong 14 ngày. Sau khi đáp ứng các tiêu chí, bạn có thể đăng ký quyền truy cập vào kênh phát hành công khai bằng cách trả lời một số câu hỏi về chương trình thử nghiệm của bạn, ứng dụng của bạn và mức độ sẵn sàng phát hành công khai của ứng dụng đó trong Play Console. |
Hướng dẫn và các phương pháp hay nhất đối với thử nghiệm khép kín
Bạn có thể tìm hiểu cách thiết kế, phát triển và phân phối ứng dụng Android trên Google qua những đường liên kết hữu ích dưới đây:
Chiêu mộ người thử nghiệm
Cách phổ biến nhất để chiêu mộ người thử nghiệm là sử dụng mạng lưới cá nhân và nghề nghiệp của bạn. Ví dụ: bạn có thể liên hệ với bạn bè, gia đình, đồng nghiệp hoặc bạn cùng lớp để đề nghị họ trở thành người thử nghiệm phiên bản thử nghiệm cho ứng dụng của bạn. Bạn có thể tiếp cận những cộng đồng có người dùng tiềm năng và chủ động chiêu mộ họ tham gia thử nghiệm ứng dụng của bạn. Ví dụ: nếu bạn tạo ứng dụng cho tín đồ CrossFit, hãy cân nhắc việc tiếp cận một câu lạc bộ tại địa phương hoặc kết nối với người dùng mục tiêu trong các nhóm trên mạng. Bạn cũng có thể đăng về ứng dụng của mình lên mạng xã hội và mời người theo dõi đăng ký tham gia thử nghiệm.
Nếu có thể, bạn nên chiêu mộ một nhóm người thử nghiệm đa dạng để xác định những lỗi và vấn đề về khả năng hữu dụng mà có thể chỉ một số kiểu người dùng hoặc thiết bị nhất định mới gặp phải. Cũng vì vậy, bạn nên chọn những người thử nghiệm mà bạn tin là tiêu biểu cho những người dùng sau này của ứng dụng. Ví dụ: nếu phát triển một ứng dụng cải thiện hiệu suất dành cho doanh nghiệp, bạn nên chiêu mộ những người thử nghiệm đang làm việc tại các doanh nghiệp thuộc nhiều ngành mà bạn cho rằng có thể có nhu cầu sử dụng ứng dụng của bạn. Người dùng thử nghiệm càng giống với người dùng mục tiêu thì bạn càng nhận được nhiều phản hồi thiết thực.
Tương tác với người thử nghiệm
Sau khi chiêu mộ được một nhóm người thử nghiệm, quan trọng là bạn phải đưa ra cho họ hướng dẫn rõ ràng về cách thử nghiệm ứng dụng và báo cáo lỗi. Hãy cho người thử nghiệm biết bạn muốn nhận loại ý kiến phản hồi nào. Hãy cố gắng khuyến khích người thử nghiệm sử dụng nhiều tính năng nhất có thể trong ứng dụng để nhận được phản hồi toàn diện.
Đưa ra một kênh phản hồi hoặc cho người dùng biết cách gửi ý kiến phản hồi cho bạn (ví dụ: qua email, trang web hoặc tin nhắn trên diễn đàn). Người thử nghiệm cũng có thể gửi ý kiến phản hồi riêng cho bạn qua Google Play.
Lưu ý quan trọng: Hãy nhấn mạnh với người thử nghiệm rằng họ cần duy trì tham gia thử nghiệm khép kín của bạn trong ít nhất 14 ngày liên tục.
Thu thập và xem xét ý kiến phản hồi của người dùng
Nếu có ứng dụng đang thử nghiệm thì bạn có thể truy cập và trả lời phản hồi của người dùng về ứng dụng đó trong Play Console. Những phản hồi như vậy của người dùng không xuất hiện trên Google Play mà chỉ bạn mới thấy được.
- Mở Play Console rồi chuyển đến trang Phản hồi về thử nghiệm (Điểm xếp hạng và thông tin đánh giá > Phản hồi về thử nghiệm).
- Chọn cách bạn muốn duyệt xem phản hồi mình nhận được.
- Lọc: Để xem phản hồi thử nghiệm dựa trên một số tiêu chí nhất định (ví dụ: ngày, ngôn ngữ, trạng thái trả lời, phiên bản ứng dụng, thiết bị, v.v.), hãy chọn trong số các bộ lọc hiện có.
- Tìm kiếm: Để tìm một số từ cụ thể trong nội dung phản hồi, hãy sử dụng hộp tìm kiếm.
Hành động dựa trên ý kiến phản hồi của người dùng
Trong suốt thời gian thử nghiệm ứng dụng, bạn nên hành động dựa trên ý kiến của người thử nghiệm và đảm bảo khắc phục mọi lỗi họ tìm thấy. Việc này sẽ:
- Giúp cải thiện trải nghiệm người dùng của ứng dụng;
- tăng khả năng đăng ký thành công quyền truy cập vào kênh phát hành công khai; và
- giúp bạn dễ dàng tránh được các bài đánh giá tiêu cực khi bắt đầu phân phối ứng dụng trên Google Play.
Thử nghiệm nâng cao
Hướng dẫn trong bài viết này chỉ là điểm khởi đầu để giúp bạn nắm được những kiến thức cơ bản về thử nghiệm khi chuẩn bị phân phối ứng dụng đầu tiên. Bạn có thể khám phá các tài nguyên và kỹ thuật thử nghiệm nâng cao hơn rất nhiều để tối ưu hoá chất lượng ứng dụng khi có nhiều kinh nghiệm hơn trong vai trò nhà phát triển. Ví dụ: bạn nên tìm hiểu về hoạt động thử nghiệm ứng dụng trên Android và nguyên tắc cơ bản về thử nghiệm trên trang web dành cho nhà phát triển Android.
Play Console cũng cung cấp nhiều tính năng có thể giúp bạn xác định vấn đề mà ứng dụng của mình gặp phải. Bạn có thể thiết lập và chạy báo cáo trước khi ra mắt để chủ động phát hiện vấn đề trước khi ứng dụng đến tay người dùng thông qua một báo cáo chi tiết liệt kê các vấn đề, cảnh báo và lỗi mà bạn nên điều tra và giải quyết.
Chạy thử nghiệm khép kín
Bạn có thể tìm hiểu cách thiết lập và chạy thử nghiệm khép kín bằng cách sử dụng trang này trong Trung tâm trợ giúp.
Đăng ký quyền truy cập vào kênh phát hành công khai
Sau khi đáp ứng các yêu cầu của thử nghiệm khép kín, bạn có thể đăng ký quyền truy cập vào kênh phát hành công khai. Cách bắt đầu:
- Chuyển đến Trang tổng quan.
- Nhấp vào Đăng ký phát hành công khai.
Sau đó, bạn phải trả lời các câu hỏi sau đây về thử nghiệm khép kín của bạn, ứng dụng của bạn và mức độ sẵn sàng phát hành công khai của ứng dụng đó. Những câu hỏi này được chia thành ba phần:
- Giới thiệu về thử nghiệm khép kín của bạn
- Giới thiệu về ứng dụng/trò chơi của bạn
- Mức độ sẵn sàng phát hành công khai
Bạn có thể xem hướng dẫn cung cấp thông tin cho từng phần bằng cách mở rộng các phần dưới đây.
Phần 1: Giới thiệu về thử nghiệm khép kín của bạnThông tin bạn cung cấp trong phần "Giới thiệu về thử nghiệm khép kín của bạn" giúp chúng tôi đảm bảo rằng các ứng dụng đã được thử nghiệm đạt yêu cầu trước khi xuất bản lên Google Play. Việc này giúp chúng tôi bảo vệ người dùng khỏi các ứng dụng chất lượng thấp, ngăn tình trạng phát tán phần mềm độc hại và giảm hành vi gian lận.
Sau đây là những nội dung bạn cần chia sẻ để hoàn tất phần này:
- Cho chúng tôi biết bạn có dễ dàng chiêu mộ người thử nghiệm cho ứng dụng của mình không bằng cách chọn một trong các phương án được nêu. Việc này giúp chúng tôi nắm được trải nghiệm của nhà phát triển đối với các yêu cầu thử nghiệm của Google Play.
- Cung cấp thông tin về hoạt động tương tác mà bạn nhận được từ người thử nghiệm trong thử nghiệm khép kín. Ví dụ về thông tin có liên quan:
- Người thử nghiệm có dùng tất cả tính năng trong ứng dụng của bạn không
- Cách sử dụng của người thử nghiệm có nhất quán với những gì bạn kỳ vọng ở người dùng ứng dụng phiên bản công khai không. Nếu không, hãy mô tả những khác biệt mà bạn cho là sẽ nhận thấy.
- Cuối cùng, hãy tóm tắt ý kiến phản hồi mà bạn nhận được từ người thử nghiệm và cho chúng tôi biết cách thức bạn thu thập ý kiến phản hồi đó.
- Nhấp vào Tiếp theo.
- Lưu ý quan trọng: Nếu bạn nhấp vào Huỷ hoặc thoát mà không chọn mục tiếp theo và hoàn tất quy trình đăng ký quyền truy cập vào kênh phát hành công khai, thì các thay đổi của bạn sẽ không được lưu.
Thông tin bạn cung cấp trong phần "Giới thiệu về ứng dụng/trò chơi của bạn" giúp chúng tôi tìm hiểu thêm thông tin liên quan đến ứng dụng/trò chơi của bạn để nắm rõ hơn về ứng dụng/trò chơi đó. Câu trả lời của bạn sẽ không xuất hiện trên Google Play và không ảnh hưởng đến các tính năng cũng như dịch vụ mà bạn có thể dùng trong Play Console, cách ứng dụng hoặc trò chơi của bạn xuất hiện, hoặc điều kiện tham gia các chương trình dành cho nhà phát triển trên Google Play.
Sau đây là những nội dung bạn cần chia sẻ để hoàn tất phần này:
- Cho chúng tôi biết đối tượng mục tiêu của ứng dụng hoặc trò chơi của bạn. Vui lòng đưa ra ý kiến càng cụ thể càng tốt.
- Câu hỏi thứ hai sẽ có đôi chút khác biệt tuỳ thuộc vào việc bạn là nhà phát triển ứng dụng hay trò chơi:
- Đối với ứng dụng: Mô tả cách ứng dụng của bạn mang lại lợi ích cho người dùng. Nếu bạn chưa rõ ý của chúng tôi về vấn đề này, hãy truy cập trang web dành cho nhà phát triển Android để tìm hiểu thêm về chất lượng ứng dụng trên Google Play.
- Đối với trò chơi: Mô tả những điểm nổi bật trong trò chơi của bạn.
- Cho chúng tôi biết bạn dự kiến ứng dụng hoặc trò chơi của mình sẽ đạt được bao nhiêu lượt cài đặt trong năm đầu tiên. Có rất nhiều lựa chọn cho câu hỏi này, vì vậy, hãy chọn phương án mà bạn cho rằng có nhiều khả năng nhất. Không sao hết vì đây chỉ là số liệu ước tính sơ bộ.
- Nhấp vào Tiếp theo.
- Lưu ý quan trọng: Nếu bạn nhấp vào Huỷ hoặc thoát mà không chọn mục tiếp theo và hoàn tất quy trình đăng ký quyền truy cập vào kênh phát hành công khai, thì các thay đổi của bạn sẽ không được lưu.
Thông tin bạn cung cấp trong phần "Trình bày về mức độ sẵn sàng phát hành công khai" giúp chúng tôi nắm được liệu ứng dụng hoặc trò chơi của bạn đã sẵn sàng phát hành công khai hay chưa.
Sau đây là những nội dung bạn cần chia sẻ để hoàn tất phần này:
- Cho chúng tôi biết những thay đổi của bạn đối với ứng dụng hoặc trò chơi của bạn dựa trên những điều bạn rút ra được trong thử nghiệm khép kín.
- Mô tả lý do khiến bạn cho rằng ứng dụng hoặc trò chơi của mình đã sẵn sàng phát hành công khai.
- Nhấp vào Đăng ký.
- Lưu ý quan trọng: Nếu bạn nhấp vào Huỷ hoặc thoát mà không đăng ký quyền truy cập vào kênh phát hành công khai, thì các thay đổi của bạn sẽ không được lưu.
Sau khi bạn đăng ký quyền truy cập vào kênh phát hành công khai
Sau khi bạn hoàn tất nội dung yêu cầu truy cập vào kênh phát hành công khai, chúng tôi sẽ xem xét thông tin bạn gửi. Khi quá trình xem xét hoàn tất, chúng tôi sẽ gửi thông tin cập nhật qua email cho chủ sở hữu tài khoản. Quá trình này thường mất đến 7 ngày nhưng đôi khi có thể lâu hơn.
Nếu chúng tôi cho rằng ứng dụng của bạn chưa sẵn sàng cho việc xuất bản, có thể bạn phải tiếp tục thử nghiệm ứng dụng đó. Ví dụ: chưa đủ 12 người thử nghiệm chọn tham gia thử nghiệm khép kín, hoặc người thử nghiệm không tương tác với ứng dụng của bạn trong giai đoạn thử nghiệm khép kín.
Nếu đăng ký thành công, bạn có thể truy cập vào phần Phát hành công khai (Thử nghiệm và phát hành > Phát hành công khai) và có thể phân phối ứng dụng cho hàng tỷ người dùng trên Google Play khi bạn cho rằng ứng dụng đã sẵn sàng. Bạn cũng có thể sử dụng Thử nghiệm công khai (Thử nghiệm và phát hành > Thử nghiệm > Thử nghiệm công khai). Bạn nên thử nghiệm ứng dụng kỹ lưỡng trước khi xuất bản công khai và thường xuyên thử nghiệm mọi bản cập nhật sau này.
Câu hỏi thường gặp
Yêu cầu này có nghĩa là gì: người thử nghiệm phải duy trì tham gia liên tục trong 14 ngày qua thì tôi mới có thể đăng ký quyền truy cập vào kênh phát hành công khai?Điều này có nghĩa là chúng tôi sẽ không tính những người thử nghiệm chọn tham gia, thử nghiệm dưới 14 ngày rồi chọn không tham gia nữa. Kể cả khi họ chọn tham gia lại với tổng cộng 14 ngày, thì 14 ngày này phải liên tiếp để được tính vào tiêu chí 12 người thử nghiệm tham gia đã thử nghiệm trong 14 ngày liên tiếp.
Hãy tiếp tục sử dụng thử nghiệm khép kín trong khi khắc phục các sự cố và lỗi mà người dùng báo cáo. Cập nhật ứng dụng trong giai đoạn thử nghiệm khép kín trước khi phát hành công khai là một cách hiệu quả để giảm thiểu bài đánh giá và điểm xếp hạng chất lượng thấp.
Bạn có thể cân nhắc việc mời những người thử nghiệm khép kín vào một nhóm trao đổi qua tin nhắn để những người khác cũng có thể xem ý kiến phản hồi. Người thử nghiệm cũng có thể đưa ra ý kiến phản hồi và thông tin liên quan bổ sung, giúp bạn ưu tiên xem nên cải thiện khía cạnh nào của ứng dụng hoặc trò chơi.
Ngoài việc khắc phục sự cố và lỗi, đừng quên thử nghiệm trải nghiệm người dùng tổng thể trong ứng dụng của bạn. Hãy tìm hiểu thêm về chất lượng ứng dụng và trò chơi trên Google Play.
Bạn có thể tìm hiểu thêm về các tính năng của Play Console và tin tức mới nhất về Play Console trên trang web của Google Play. Bạn cũng có thể tham gia các khoá đào tạo trực tuyến miễn phí do các chuyên gia Google thiết kế cho các nhà phát triển ứng dụng mới và triển vọng trên Học viện Play.