Bảo mật tài khoản bị tấn công hoặc bị xâm nhập
Nếu bạn nhận thấy hoạt động bất thường trong Tài khoản Google của mình, thì ai đó có thể đang sử dụng tài khoản mà không có sự cho phép của bạn. Hãy sử dụng thông tin bên dưới để giúp xác định hoạt động đáng ngờ, lấy lại quyền truy cập vào tài khoản của bạn và tăng cường bảo mật cho tài khoản.
Bước 1: Đăng nhập vào tài khoản
Đăng nhập vào Tài khoản Google mà bạn muốn bảo mật.
Nếu bạn không đăng nhập được
Hãy truy cập trang khôi phục tài khoản và trả lời các câu hỏi một cách chính xác nhất có thể. Những mẹo này có thể giúp ích cho bạn.
Sử dụng trang khôi phục tài khoản trong các trường hợp sau:
- Ai đó đã thay đổi thông tin tài khoản của bạn, như mật khẩu hoặc số điện thoại khôi phục.
- Ai đó đã xóa tài khoản của bạn.
- Bạn không thể đăng nhập vì một lý do khác.
Mẹo: Để đảm bảo bạn đang cố gắng đăng nhập vào đúng tài khoản, hãy thử khôi phục tên người dùng của bạn.
Bước 2: Xem lại hoạt động và bảo mật tài khoản
- Truy cập vào Tài khoản Google của bạn.
- Trên bảng điều hướng bên trái, hãy nhấp vào phần Bảo mật.
- Trong bảng Sự kiện bảo mật gần đây, chọn Xem lại các sự kiện bảo mật.
- Kiểm tra mọi hoạt động đáng ngờ:
- Nếu bạn tìm thấy hoạt động mà bạn không thực hiện, hãy chọn Không, đó không phải là tôi. Sau đó, hãy làm theo các bước trên màn hình để giúp bảo mật tài khoản của bạn.
- Nếu bạn chính là người thực hiện hoạt động, hãy chọn Đúng là tôi. Nếu bạn vẫn tin rằng ai đó đang sử dụng tài khoản của mình, hãy tìm hiểu xem tài khoản của bạn có bị tấn công hay không.
- Truy cập vào Tài khoản Google của bạn.
- Trên bảng điều hướng bên trái, hãy nhấp vào phần Bảo mật.
- Trên bảng Thiết bị của bạn, chọn Quản lý thiết bị.
- Kiểm tra mọi thiết bị bạn không nhận ra.
- Nếu bạn tìm thấy thiết bị mà bạn không nhận ra, hãy nhấn vào Bạn không nhận ra thiết bị? Sau đó, hãy làm theo các bước trên màn hình để giúp bảo mật tài khoản của bạn.
- Nếu bạn nhận ra tất cả các thiết bị, nhưng vẫn tin rằng ai đó đang sử dụng tài khoản của mình, hãy tìm hiểu xem tài khoản của bạn có bị tấn công hay không.
Bước 3: Thực hiện các bước bảo mật khác
Quy trình Xác minh 2 bước giúp bảo vệ tài khoản của bạn khỏi tin tặc. Khi sử dụng quy trình Xác minh 2 bước, bạn sẽ đăng nhập bằng:
- Thông tin bạn biết (mật khẩu của bạn)
- Thiết bị bạn có (điện thoại, khóa bảo mật hoặc mã in)
Khi đó, nếu mật khẩu của bạn bị đánh cắp, tài khoản của bạn vẫn an toàn.
Đảm bảo ngân hàng hoặc chính quyền địa phương của bạn không nhận được hướng dẫn nào, như mở tài khoản hoặc chuyển tiền, từ người khác. Điều này rất quan trọng nếu bạn:
- Lưu thông tin ngân hàng trong tài khoản, như thẻ tín dụng đã lưu trong Google Pay hoặc Chrome.
- Lưu thông tin cá nhân như thông tin thuế hoặc hộ chiếu trong tài khoản. Ví dụ: bạn có thể đã lưu thông tin cá nhân trong Google Photos, Google Drive hoặc Gmail.
- Nghĩ rằng có ai đó đang sử dụng danh tính của bạn hoặc giả mạo bạn.
Nếu cho rằng tài khoản của mình có hoạt động đáng ngờ, bạn nên xóa phần mềm độc hại. Để tăng cường bảo mật cho tài khoản, hãy cài đặt và chạy phần mềm diệt vi-rút đáng tin cậy.
Bạn cũng có thể đặt lại máy tính về cài đặt gốc và cài đặt lại hệ điều hành.
Quan trọng: Đảm bảo sao lưu các tệp bạn cần. Hãy tìm hiểu cách tải tệp lên Google Drive.
Một số trình duyệt internet có điểm yếu về bảo mật. Hãy cân nhắc sử dụng một trình duyệt an toàn hơn, như Google Chrome.
Nếu bạn nhập mật khẩu của mình trên trang web không phải của Google, tiện ích Cảnh báo mật khẩu trên Google Chrome sẽ thông báo cho bạn. Bằng cách đó, bạn sẽ biết liệu một trang web có đang giả mạo Google để đánh cắp mật khẩu của bạn hay không.
- Nếu đã bật quyền truy cập cho các ứng dụng kém an toàn, bạn nên tắt quyền đó vì các ứng dụng này có thể gây hại đến tính bảo mật của tài khoản.
- Sử dụng tùy chọn khóa màn hình của thiết bị nếu có.
- Gmail: Xem xét các mẹo bảo mật này và xóa bất kỳ nhãn, bộ lọc hay quy tắc chuyển tiếp nào bạn không thiết lập.
- Chrome: Gỡ cài đặt các tiện ích mà bạn không nhận ra và cập nhật Chrome lên phiên bản mới nhất.
- Google Drive: Xem lại hoạt động và phiên bản tệp của bạn để xem có điều gì bất thường không.
- Google Photos: Nếu bạn thấy hành động chia sẻ album mà bạn không nhận ra, hãy ngừng chia sẻ album.
- Vị trí: Tắt tính năng Chia sẻ vị trí có vẻ bất thường.
Tìm hiểu xem tài khoản của bạn có bị tấn công hay không
Nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào trong số này, thì ai đó có thể đang sử dụng Tài khoản Google của bạn.
Lưu ý quan trọng: Nếu bạn cho rằng ai đó đang sử dụng Tài khoản Google của mình, hãy đổi mật khẩu cho các tài khoản sau ngay lập tức:
- Tài khoản Google của bạn (nếu bạn chưa đổi mật khẩu sau khi nhận thấy hoạt động đáng ngờ)
- Các ứng dụng và trang web mà bạn sử dụng cùng một mật khẩu với Tài khoản Google của mình
- Các ứng dụng và trang web liên hệ với bạn qua địa chỉ email của Tài khoản Google của bạn
- Các ứng dụng và trang web mà bạn đăng nhập bằng địa chỉ email của Tài khoản Google của bạn
- Các ứng dụng và trang web mà bạn đã lưu mật khẩu trong Tài khoản Google của mình
Hoạt động đáng ngờ trong tài khoản
Hãy sửa các tùy chọn cài đặt sau ngay lập tức nếu bạn thấy có sự thay đổi bất thường:
- Số điện thoại khôi phục.
- Địa chỉ email khôi phục.
- Địa chỉ email thay thế hoặc liên hệ.
- Tên trên Tài khoản Google .
- Câu hỏi bảo mật. Lưu ý: Chúng tôi không còn hỗ trợ việc thêm câu hỏi bảo mật nữa.
- Xác minh 2 bước (ví dụ: nếu ai đó đã bật hoặc tắt tùy chọn cài đặt này mà bạn không biết).
- Phương thức Xác minh 2 bước (như điện thoại hoặc khóa bảo mật mà bạn không nhận ra).
- Ứng dụng có quyền truy cập vào tài khoản của bạn.
- Quyền truy cập của ứng dụng kém an toàn (ví dụ: nếu ai đó đã bật tùy chọn cài đặt này mà bạn không biết).
- Chia sẻ vị trí (ví dụ: nếu vị trí của bạn đang được chia sẻ với ai đó mặc dù bạn chưa chấp thuận).
Hoạt động tài chính trong tài khoản của bạn có thể đáng ngờ trong những trường hợp sau:
- Bạn không nhận ra các giao dịch mua hàng trên Google Pay: Hãy báo cáo các khoản phí trái phép để yêu cầu hoàn tiền.
- Bạn không nhận ra một hoặc nhiều tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ hoặc thẻ quà tặng trên Google Pay: Hãy xóa phương thức thanh toán mà bạn không nhận ra.
- Bạn không nhận ra các giao dịch mua hàng trên Google Play: Hãy báo cáo các khoản phí trái phép.
- Bạn không nhận ra thông tin thanh toán đã thiết lập trên Google Chrome: Hãy xóa thông tin thanh toán khác thường.
- Bạn nhận thấy các khoản phí hoặc quảng cáo trái phép trên Google Ads: Hãy yêu cầu nhóm Google Ads xem xét tài khoản của bạn để tìm hoạt động bất thường.
- Trên Google AdSense, bạn nhận thấy rằng các khoản thanh toán không được chuyển đến đúng tài khoản ngân hàng: Hãy kiểm tra phương thức thanh toán trong tài khoản AdSense của bạn.
Lưu ý: Chúng tôi sẽ sử dụng số điện thoại và địa chỉ email khôi phục của bạn để thông báo cho bạn về hoạt động đáng ngờ.
Chúng tôi sẽ thông báo cho bạn về hoạt động bất thường bằng một số cách sau:
- Thông báo về lần đăng nhập bất thường hoặc một thiết bị mới sử dụng tài khoản của bạn.
- Thông báo rằng đã có sự thay đổi đối với tên người dùng, mật khẩu hoặc các tùy chọn cài đặt bảo mật khác của bạn và bạn không thực hiện thay đổi đó.
- Thông báo về một số hoạt động khác mà bạn không nhận ra.
- Một thanh màu đỏ ở đầu màn hình cho biết "Chúng tôi đã phát hiện hoạt động đáng ngờ trong tài khoản của bạn".
- Trang "Hoạt động và sự kiện bảo mật trên thiết bị" của bạn.
Hoạt động đáng ngờ trong các sản phẩm của Google mà bạn sử dụng
Cài đặt Gmail
Hãy sửa các tùy chọn cài đặt Gmail của bạn ngay lập tức nếu bạn thấy thay đổi bất thường với những chi tiết sau:
- Ủy quyền thư (những người có quyền truy cập vào Gmail của bạn)
- Chuyển tiếp thư tự động
- Email đã lên lịch
- Tên trong Gmail
- Trả lời tự động (tự động trả lời thư)
- Địa chỉ trên thư gửi đi
- Địa chỉ email bị chặn
- Quyền truy cập từ xa vào Gmail (IMAP/POP)
- Các bộ lọc quản lý thư đến
- Nhãn sắp xếp thư đến
Hoạt động trong Gmail
Hoạt động trong Gmail của bạn có thể đáng ngờ nếu:
- Bạn không nhận được email nữa.
- Bạn bè của bạn nói rằng họ nhận được thư rác hoặc email bất thường từ bạn.
- Tên người dùng của bạn đã thay đổi.
- Email bị xóa khỏi hộp thư đến của bạn và bạn không tìm thấy các email đó trong Thùng rác. Bạn có thể báo cáo email bị mất và khôi phục các email đó.
- Trong hộp Email đã gửi, bạn thấy có các email không phải do bạn soạn.
Hoạt động trên YouTube của bạn có thể đáng ngờ nếu:
- Bạn nhận thấy các thay đổi khác thường đối với ảnh hồ sơ, phần mô tả, tùy chọn cài đặt email hoặc tin nhắn đã gửi trên kênh YouTube của mình.
- Bạn nhận thấy có video mà bạn không tải lên hoặc nhận xét bạn không thực hiện trên kênh YouTube của mình.
Hoạt động trên Google Drive của bạn có thể đáng ngờ nếu:
- Bạn không nhận ra một số hoạt động trên Google Drive.
- Có một số tệp bị xóa khỏi Drive mà bạn không biết. Bạn có thể thử khôi phục các tệp.
Hoạt động trên Google Photos của bạn có thể đáng ngờ nếu:
- Album ảnh của bạn được chia sẻ mặc dù bạn chưa cho phép.
- Ảnh của bạn được chia sẻ với đối tác mặc dù bạn chưa thêm tài khoản đối tác.
Hoạt động trên Blogger của bạn có thể đáng ngờ nếu:
- Bài đăng bạn không đăng xuất hiện trên blog của bạn.
- Bạn nhận được nhận xét trên các bài đăng mà bạn không đăng.
- Địa chỉ mail-to-Blogger của bạn đã thay đổi, nhưng bạn không phải là người thực hiện.
- Blog của bạn đã biến mất hoặc bị chặn.